PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí:
Phải trở thành ý thức, lối sống
Thứ sáu: 00:38 ngày 21/01/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, có hiệu quả; bên cạnh việc định lượng bằng các chỉ tiêu thì cần phải giáo dục để nó trở thành ý thức, lối sống của mỗi CBCCVC, NLĐ, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và với những quy định của pháp luật.

Năm 2021, kinh phí tiết kiệm trong đầu tư xây dựng lên tới trên 277.803 triệu đồng. Trong ảnh, hợp long đường ống dẫn nước hồ Dầu Tiếng vượt sông Vàm Cỏ Đông, đến các huyện Châu Thành, Bến Cầu. Ảnh: Nguyễn Huỳnh Đông

Hai năm đầu nhiệm kỳ 2020-2025, cả hệ thống chính trị từ tỉnh tới cơ sở phải tập trung toàn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 rất cam go và tốn kém. Năm 2022, áp dụng nguyên tắc điều hành kinh tế - xã hội thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chính là giải pháp quan trọng để góp phần tăng nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Tiết kiệm ngân sách nhờ nâng cao hiệu quả quản lý

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được tỉnh xác định là nhiệm vụ quan trọng, hằng năm, căn cứ vào chương trình tổng thể của Chính phủ, UBND tỉnh ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của tỉnh và chỉ đạo thực hiện phù hợp với thực tế từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CBCCVC, NLĐ) được quán triệt thường xuyên về ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thực thi công vụ, kết hợp chặt chẽ với các nội dung đăng ký học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Theo đó, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đã chủ động thực hành tiết kiệm, hạn chế việc mua sắm tài sản công, cắt giảm chi phí hội họp, đào tạo, công tác nước ngoài, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, cấp bách.

Việc lập dự toán thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN), phân bổ ngân sách theo đúng quy định, công khai, minh bạch và sử dụng ngân sách cấp theo lĩnh vực một cách tiết kiệm, hiệu quả. Đồng thời, nâng cao ý thức tiết kiệm trong chi tiêu công quỹ, sử dụng điện, nước, điện thoại, xăng dầu công tác để chi tăng thu nhập, nâng cao đời sống CBCCVC, NLĐ.

Để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hiệu quả, bên cạnh việc định lượng bằng các chỉ tiêu thì cần phải giáo dục để nó trở thành ý thức, lối sống của mỗi CBCCVC, NLĐ, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với những quy định của pháp luật.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, năm 2021, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương thực hành tiết kiệm có hiệu quả, đã tiết kiệm cho ngân sách trên 740.951 triệu đồng. Trong đó, tiết kiệm trong lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) trên 218.238 triệu đồng; tiết kiệm qua sử dụng và quyết toán NSNN gần 58.909 triệu đồng; tiết kiệm trong quản lý đầu tư xây dựng trên 277.803 triệu đồng; tiết kiệm sản lượng điện gần 85 triệu KWh tương đương 187.000 triệu đồng.

Điển hình, trong quản lý đầu tư, xây dựng được các sở, ngành, địa phương của tỉnh tổ chức thực hiện đúng trình tự thủ tục từ khâu lập dự án, thẩm định dự án… cho đến khâu thẩm định quyết toán. Quá trình thực hiện được tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ, hạn chế tối đa thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản. Nhờ đó, năm 2021, kinh phí tiết kiệm trong đầu tư xây dựng lên tới hơn 277.803 triệu đồng.

Trong lĩnh vực đào tạo, quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động khu vực nhà nước, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được thực hiện nghiêm túc qua sắp xếp tổ chức, bộ máy các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện và tinh giản biên chế theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh.

Tính từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã giảm 107/741 đơn vị sự nghiệp công lập, đạt tỷ lệ 14,44%. Trong năm 2021, số biên chế công chức trong các cơ quan hành chính được giao giảm 27 biên chế và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập giảm 454 người so với năm 2020.

Như vậy, thực hiện quy định của Trung ương về cắt giảm biên chế, giai đoạn 2015-2021, Tây Ninh đã giảm 204 biên chế công chức và giảm 2.124 người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập.

Đặc biệt, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin- nổi bật như hệ thống văn phòng điện tử, dịch vụ công trực tuyến, chữ ký số, phần mềm họp không giấy, họp trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh- giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí văn phòng phẩm và thời gian làm việc.

Tiết kiệm để có thêm nguồn lực đầu tư phát triển

Năm qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký ban hành Nghị quyết số 18/2021/QH15, trong đó quyết nghị thành lập đoàn giám sát của Quốc hội “về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”.

Đây cũng là lần đầu tiên Quốc hội bố trí thời gian nghe trình bày báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra, thảo luận tổ và hội trường về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XV.

Dịch bệnh Covid-19 kéo dài hơn hai năm qua, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở phải dồn toàn lực vào công tác chống dịch vừa cam go, phức tạp vừa tốn kém, ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, một số chỉ tiêu đạt rất thấp.

Theo thống kê của UBND tỉnh, tổng kinh phí đã chi để thực hiện các chế độ, chính sách phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 là trên 370.127 triệu đồng, trong đó nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ trên 30.770 triệu đồng, còn lại là nguồn ngân sách tỉnh, huyện, thị xã, thành phố được lấy từ nguồn dự phòng ngân sách, cải cách tiền lương, tạm ứng ngân sách, tiết kiệm chi thường xuyên...

Năm 2021, kinh phí tiết kiệm trong đầu tư xây dựng lên tới trên 277.803 triệu đồng (ảnh: Thi công đường giao thông trên địa bàn thị xã Trảng Bàng).

 Năm 2022, trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh để tập trung phục hồi kinh tế - xã hội, hơn khi nào hết, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần được coi giải pháp hữu hiệu, quan trọng để tăng nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Từ những việc nhỏ như tiết kiệm điện, nước, giấy, mực in, xăng dầu phục vụ công tác; tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả công việc của từng CBCCVC, NLĐ cho đến những vấn đề lớn hơn như sử dụng hiệu quả tài nguyên khoáng sản, đất đai, các dự án trọng điểm… tránh lãng phí các nguồn lực.

Trong chương trình công tác năm 2022, lãnh đạo UBND tỉnh xác định rõ nhiệm vụ điều hành ngân sách tiết kiệm, hiệu quả. Do điều kiện cân đối ngân sách khó khăn, tỉnh sẽ rà soát cơ cấu để bố trí, sử dụng các nguồn kinh phí hợp lý, hiệu quả, triệt để tiết kiệm, nhất là tiết kiệm chi thường xuyên, tiết giảm mua sắm, sửa chữa, đầu tư công đối với những dự án, nội dung chưa thật sự cấp thiết.

Quản lý và sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường, phát huy tiềm năng, lợi thế, tính hiệu quả về đất đai, phải đưa đất đai trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội. Đối với con người, tỉnh xác định nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính đi đôi với tạo dựng môi trường đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng có tiết kiệm, không hoang phí xa xỉ thì mới giữ được liêm khiết, trong sạch. Nếu hoang phí xa xỉ thì ắt phải tìm cách xoay tiền. Do đó mà sinh ra hủ bại, nhũng lạm, giả dối.

Khi nói chuyện về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu, Người cũng đã gọi lãng phí và tham nhũng là “hai anh em sinh đôi”, gây nên những thất thoát lớn về nguồn lực xã hội. Như vậy, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có liên quan mật thiết đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực- vấn đề đang được Đảng, Nhà nước dành nhiều sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trong giai đoạn hiện nay.

Để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, có hiệu quả; bên cạnh việc định lượng bằng các chỉ tiêu thì cần phải giáo dục để nó trở thành ý thức, lối sống của mỗi CBCCVC, NLĐ, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và với những quy định của pháp luật.

Phương Thuý

Năm 2021, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh thực hành tiết kiệm có hiệu quả, đã tiết kiệm cho ngân sách trên 740.951 triệu đồng. Trong đó, tiết kiệm trong lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ dự toán ngân sách nhà nước trên 218.238 triệu đồng; tiết kiệm qua sử dụng và quyết toán ngân sách nhà nước gần 58.909 triệu đồng; tiết kiệm trong quản lý đầu tư xây dựng trên 277.803 triệu đồng; tiết kiệm sản lượng điện gần 85 triệu KWh, tương đương 187.000 triu đồng.

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh