Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển của công nghiệp văn hoá
Phần 2: Sáng tạo và tiêu thụ nghệ thuật
Thứ tư: 19:49 ngày 11/10/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Xét trên tiến trình thời gian, công nghiệp nghệ thuật là một tiến trình mà ở cực đầu tiên của nó là sự sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ và ở cực cuối cùng là sự tiêu thụ nghệ thuật của công chúng.

Em Lương Minh Ngọc (16 tuổi, ngụ Hà Đông, Hà Nội) giao lưu ca cổ trích đoạn “Dạ cổ hoài lang” cùng nghệ sĩ Đông Dương trong sự kiện "Ngày Tây Ninh tại Hà Nội". Ảnh: Đức An

Chính sự mở rộng của thị trường nghệ thuật đã kéo theo nó là sự hình thành hệ thống sản xuất nghệ thuật theo hướng công nghiệp hoá. Ở đây, công nghiệp hoá được hiểu như là việc hình thành nên một quy trình được chuyên môn hoá và hợp lý hoá theo mô hình sản xuất công nghiệp với mục tiêu tạo nên sản lượng hàng hoá lớn và giá trị thặng dư cao. Xét trên tiến trình thời gian, công nghiệp nghệ thuật là một tiến trình mà ở cực đầu tiên của nó là sự sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ và ở cực cuối cùng là sự tiêu thụ nghệ thuật của công chúng. Có thể hình dung tiến trình đó gồm các khâu như sau:

Giai đoạn sản xuất

Giai đoạn sản xuất bắt đầu từ khi người nghệ sĩ khởi thảo tiến trình sáng tạo nghệ thuật cho đến khi tạo nên sản phẩm nghệ thuật mà công chúng có thể tiếp cận. Trong giai đoạn này, có hai quy trình diễn ra một cách tương đối độc lập. Thứ nhất, người nghệ sĩ sáng tạo nên bản mẫu gốc của sản phẩm nghệ thuật: bản thảo tác phẩm văn học; bản ghi gốc một sáng tác âm nhạc, trình diễn; bức tranh hoặc bức tượng hoàn chỉnh; bản gốc hoàn chỉnh một bộ phim…

Tiếp theo, các công ty sản xuất và kinh doanh nghệ thuật sẽ làm công việc nhân bản hoặc tổ chức khai thác tác phẩm nghệ thuật. Bản thảo tác phẩm văn học sẽ được biên tập, trình bày và xuất bản dưới dạng sách. Phim, tác phẩm âm nhạc, trình diễn sẽ được nhân bản, các tác phẩm hội hoạ sẽ được tập hợp, tổ chức thành những trưng bày trong gallery…

Tuỳ theo từng loại hình nghệ thuật, sẽ liên tục diễn ra tiến trình biến dạng của tác phẩm nghệ thuật trong tiến trình chuyển từ bản mẫu gốc của người nghệ sĩ đến sản phẩm cuối cùng mà công chúng có thể tiếp cận. Một trong những hiện tượng phổ biến là hiện tượng biên tập theo những yêu cầu và quan điểm khác nhau. Một bộ phim có thể bị cắt đi một số phân đoạn khi phát hành ở những thị trường khác nhau để phù hợp với tập tục và văn hoá và những quy phạm của thị trường.

Điều tương tự cũng xảy ra ở với những loại hình nghệ thuật khác. Có thể nói luôn luôn có sự dao động giữa một bên là ý chí sáng tạo của nghệ sĩ và một bên là những chế định và đòi hỏi thoả hiệp của thị trường.

Giai đoạn phát hành

Đây là giai đoạn những công ty kinh doanh nghệ thuật đưa các sản phẩm nghệ thuật của mình (sách, tranh, bản ghi âm, ghi hình, phim…) đến với công chúng thưởng ngoạn nghệ thuật. Tiến trình phát hành một sản phẩm nghệ thuật gắn với vấn đề số lượng phát hành và thời gian phát hành. Một bộ phim, một cuốn tiểu thuyết hay một sản phẩm nghệ thuật trình diễn (tour lưu diễn âm nhạc, vở diễn…) khi được đưa ra với công chúng đều có một giới hạn thời gian về mặt phát hành.

Một đợt phát hành của một cuốn tiểu thuyết diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định gắn với số bản in của cuốn tiểu thuyết đó. Khi đó, tiểu thuyết sẽ được trưng bày ở “mặt tiền” của các địa điểm bán sách ở những mức độ khác nhau (thường là ở khu vực “sách mới”).

Sau giai đoạn phát hành này, người ta sẽ không thể tìm thấy sách tại các hiệu sách. Quãng thời gian từ lúc “ra rạp” đến khi chấm dứt phát hành của một bộ phim thường trong khoảng một tháng, tuỳ theo độ hấp dẫn với công chúng mà được cụ thể hoá thành các suất chiếu trong hệ thống rạp.

Sau giai đoạn phát hành này, người ta sẽ không còn có thể xem được phim tại rạp. Điều tương tự cũng diễn ra với các nghệ thuật trình diễn. Một tour lưu diễn của một chương trình âm nhạc được cụ thể hoá thành một số lượng có giới hạn buổi diễn ở những địa điểm xác định. Một vở kịch cũng tương tự. Ở nhiều nước, kịch mục sẽ được sắp xếp theo “mùa”. Trong giai đoạn phát hành, sẽ có các hoạt động hỗ trợ phát hành sản phẩm nghệ thuật: các buổi ra mắt sản phẩm nghệ thuật, các hoạt động giao lưu giữa nghệ sĩ và công chúng, các hình thức truyền thông và quảng cáo….

Sự phát triển của internet đã làm thay đổi một cách cơ bản hoạt động phát hành. Internet kéo dài ra đến vô tận giai đoạn phát hành của một sản phẩm nghệ thuật. Nếu như trước đây, khi chưa có internet, sau giai đoạn phát hành, người ta chỉ có thể tìm một cuốn tiểu thuyết trong thư viện, nghe một sản phẩm âm nhạc hoặc một bộ phim qua các bản ghi lại (đôi khi là bất hợp pháp) hoặc trong các viện lưu trữ thì ngày nay, việc số hoá đã giúp lưu trữ trên không gian ảo một khối lượng khổng lồ những sản phẩm nghệ thuật và tương ứng là kéo dài đến vô tận thời gian phát hành những sản phẩm đó.

Với tốc độ phát triển của ngành công nghiệp nội dung, ngày nay, người tiêu thụ nghệ thuật có thể mua hoặc thuê các sản phẩm nghệ thuật (phim, sách, âm nhạc…) dưới dạng tài nguyên số và lưu trữ trong các thiết bị điện tử cá nhân (điện thoại thông minh, máy đọc sách, máy tính, máy tính bảng…). Công nghệ số hoá thu nhỏ kho lưu trữ nghệ thuật, tăng số lượng người tiếp cận, đa dạng hoá các sản phẩm nghệ thuật và hình thức sở hữu các sản phẩm nghệ thuật.

Chỉ cần một máy tính bảng hoặc một điện thoại thông minh có bộ nhớ lớn, người tiêu dùng có thể lưu trữ cả một thư viện sách mà nếu tồn tại dưới dạng vật lý có thể chiếm nhiều căn phòng. Hơn thế nữa, chính việc lưu trữ trên không gian ảo và phát hành dưới dạng số hoá đã kéo dài thời gian phát hành của một sản phẩm nghệ thuật.

Chưa cần đi sâu vào những vấn đề công nghệ, cũng có thể thấy rằng, những giới hạn về số lượng ấn bản và thời gian phát hành của các sản phẩm nghệ thuật đã bị dỡ bỏ. Một bộ phim sau khi công chiếu trong hệ thống rạp có thể được phát hành thông qua những phần mềm như iTunes, Netflix hay những hệ thống bán/cho thuê phim trên không gian internet.

Người xem có thể tải/xem online bộ phim trên các thiết bị cá nhân, có thể sở hữu vô thời hạn (kể cả khi thay đổi thiết bị) hoặc thuê bộ phim với một số lượt xem nhất định. Tình trạng tương tự cũng diễn ra với những sản phẩm âm nhạc hoặc sách (khi được phát hành dưới dạng ebook). Cùng với việc số hoá những sản phẩm nghệ thuật tồn tại trước kỷ nguyên internet, khả năng tiếp cận của công chúng với những sản phẩm này cũng được mở ra đến gần như vô hạn.

Giai đoạn hậu phát hành

Sau giai đoạn phát hành, sản phẩm nghệ  thuật sẽ được đưa vào các kho lưu trữ, các thư viện công và tư, có tính phí hoặc không. Dù việc kinh doanh online các sản phẩm nghệ thuật có thể kéo dài thời gian phát hành và mở rộng số lượng phát hành, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là sản phẩm nghệ thuật có thể giữ được độ “hot” như trong giai đoạn phát hành. Sản phẩm sẽ bị đẩy sâu vào trong kho lưu trữ và chỉ những người đã biết đến nó mới có thể tìm thấy nó dựa trên các từ khoá và công cụ tìm kiếm.

Như vậy, mục tiêu của hàng hoá sản phẩm văn học nghệ thuật là tối đa hoá lợi nhuận hoặc bằng cách khai thác tính độc bản của tác phẩm hoặc bằng việc tối ưu hoá và tối đa hoá sự tiếp cận của công chúng với tác phẩm nghệ thuật bằng công nghệ nhân bản và phổ biến.

Trong “quy trình sản xuất” của công nghiệp văn hoá, sáng tạo văn học nghệ thuật nằm ở cực thứ nhất. Để có thể đến được với công chúng, tác phẩm nghệ thuật phải trải qua khâu trung gian là các doanh nghiệp nhân bản và phân phối/kinh doanh nghệ thuật mà bản chất là chuyển hoá từ một giá trị tinh thần của cá nhân thành một hàng hoá được tiêu thụ hàng loạt. Điều này cho thấy bản chất mối quan hệ cũng như vị trí của văn học nghệ thuật trong công nghiệp văn hoá.

Sáng tạo văn học nghệ thuật là “khâu đầu tiên”, là chất liệu quan trọng nhất của các ngành công nghiệp văn hoá liên quan đến văn học, nghệ thuật. Không có những sáng tạo đó không có toàn bộ ngành công nghiệp nội dung liên quan đến văn học nghệ thuật.

Không phải mọi tác phẩm nghệ thuật đều có thể được chuyển hoá thành những sản phẩm hàng hoá của công nghiệp văn hoá. Bên cạnh sự phân cực sáng tạo và tiêu thụ của công nghiệp văn hoá còn có sự phân cực sáng tạo cá nhân/cách tân nghệ thuật và tầm đón đợi của đám đông, nói cách khác là sự phân cực giữa nghệ thuật đại chúng và nghệ thuật tinh hoa.

Không phải chỉ có nghệ thuật đại chúng mới dành cho số đông nhưng cũng không phải mọi nghệ thuật tinh hoa đều có thể được đại chúng hoá. Xét từ phương diện kinh tế, sẽ tồn tại sự phân cực tương tự như trong điện ảnh giữa một bên là phim độc lập, phim art house được sản xuất trên cơ sở sự tài trợ của các quỹ phát triển điện ảnh và một bên là blockbuster được đầu tư tài chính với những mục tiêu rất cụ thể về doanh thu phòng vé và lợi nhuận.

Văn học nghệ thuật có thể tạo nên những giá trị tinh thần cho một khu vực địa lý và nhờ đó góp phần tạo nên giá trị nội dung cho các sản phẩm du lịch. Văn học nghệ thuật cũng có thể góp phần quảng bá cho ẩm thực, một lĩnh vực quan trọng của công nghiệp văn hoá hoặc tạo thành chất liệu và được các ngành thủ công mỹ nghệ, thiết kế, thời trang… khai thác.

Việt Đông

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục