Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Xây dựng Đảng - Hạt nhân chính trị trong cơ quan báo chí
Phần 2: Vai trò của giáo dục chính trị đối với người làm báo
Thứ sáu: 17:43 ngày 21/06/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Báo chí cách mạng là một mặt trận chiến đấu của cách mạng. Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng.

Các cơ quan báo chí cách mạng có vai trò rất quan trọng trong việc tuyên truyền những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân. Báo chí cách mạng là một mặt trận chiến đấu của cách mạng. Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút và trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh với phóng viên Báo Việt Nam độc lập tại Thái Nguyên, tháng 1.1964

Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng, vì thế năm 2000, Bộ Chính trị đồng ý lấy ngày 21.6 hằng năm (ngày Báo Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra số đầu tiên - 21.6.1925) là Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với công chúng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, người làm báo cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, dùng cây bút làm vũ khí sắc bén chiến đấu cho mục đích vẻ vang của cách mạng.

Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), giáo dục lý luận chính trị là giáo dục, truyền bá chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước, những tri thức khoa học xã hội và nhân văn, những vấn đề về kinh tế, chính trị, tình hình trong nước và quốc tế, góp phần xây dựng thế giới quan, phương pháp luận đúng đắn để cán bộ, đảng viên xem xét và giải quyết, lý giải khoa học các sự kiện, các hiện tượng trong đời sống xã hội, trên cơ sở đó vận dụng vào công việc của mình. Giai đoạn cách mạng hiện nay đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên là phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên phải thực sự là người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hoá. Họ phải có trình độ, giác ngộ chính trị cao, có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành vô hạn với sự nghiệp cách mạng của Đảng; ra sức cống hiến để bảo vệ và phát triển nền báo chí cách mạng. Vì vậy, giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên là phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên ở các cơ quan báo chí càng có vai trò quan trọng, góp phần giáo dục, bồi dưỡng tình cảm cách mạng; cổ vũ, động viên mọi cán bộ, đảng viên phấn đấu trưởng thành, sống có văn hoá, có lý tưởng cao đẹp, có tri thức, có sức khoẻ, nhiệt tình cách mạng.

Giáo dục lý luận chính trị trực tiếp định hướng nhận thức và hướng dẫn hành động cách mạng cho cán bộ, đảng viên ở các cơ quan báo chí, góp phần xây dựng, phát triển phẩm chất, nhân cách người làm báo. Nâng cao nhận thức, định hướng tư tưởng và hướng dẫn hành động cách mạng cho cán bộ, đảng viên là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của giáo dục lý luận chính trị; giúp cán bộ, đảng viên xác định rõ mục tiêu, lý tưởng, có định hướng tư tưởng chính trị đúng đắn, đồng thời tạo cho họ khả năng lựa chọn phương hướng và biện pháp để thực hiện mục tiêu, lý tưởng đó. Không xác định rõ hoặc mất phương hướng chính trị, cán bộ, đảng viên ở các cơ quan báo chí sẽ không có khả năng phân biệt đúng sai, dễ dao động trước những biến cố chính trị, trước những khó khăn, thử thách, dễ dẫn đến lệch lạc trong viết bài, biên tập bài, tin. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Học để tin tưởng: Tin tưởng vào đoàn thể. Tin tưởng vào nhân dân. Tin tưởng vào tương lai của dân tộc. Tin tưởng vào tương lai cách mạng. Có tin tưởng thì lúc ra thực hành mới vững chắc, hăng hái, lúc gặp khó khăn mới kiên quyết, hy sinh”.

Những tờ báo Bác Hồ sáng lập và tổ chức.

Thông qua các hình thức, phương pháp tác động tư tưởng phong phú, sinh động, hấp dẫn và có tính thuyết phục cao, giáo dục lý luận chính trị vừa thực hiện được chức năng định hướng rộng (giác ngộ về mục tiêu, lý tưởng, lẽ sống, lối sống,...), vừa thực hiện chức năng định hướng hẹp (định hướng thái độ, hành vi của nhà báo trước một sự kiện, một hoạt động cụ thể nào đó...). Định hướng chính trị tư tưởng là việc làm thường xuyên của giáo dục lý luận chính trị, đặc biệt trước những biến động phức tạp của tình hình thế giới và khu vực hiện nay, mà trực tiếp là những khó khăn ngay trong quá trình làm việc, học tập, công tác cũng như trong cuộc sống thường ngày của mỗi cán bộ, đảng viên trong các cơ quan báo chí.

Giáo dục lý luận chính trị có vai trò quan trọng trong đấu tranh chống các khuynh hướng, quan điểm sai trái, tư tưởng phản động, nhận thức lệch lạc và biểu hiện hữu khuynh, tiêu cực. Hiện nay, trước sự tác động mạnh từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, của lối sống thực dụng, hưởng thụ, một số cán bộ, đảng viên trở nên thờ ơ với chính trị, cầm chừng trong công việc và tu dưỡng, rèn luyện. Đặc biệt là âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch đang tác động hằng ngày, hằng giờ đến cán bộ, đảng viên trong các cơ quan báo chí. Vì vậy, giáo dục lý luận chính trị ngày càng có vai trò quan trọng trong đấu tranh chống khuynh hướng, quan điểm sai trái, phản động; phê phán những nhận thức và hành vi không đúng của cán bộ, đảng viên, quần chúng; góp phần bảo vệ chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước.

“Nội dung giáo dục chính trị cho cán bộ, đảng viên là phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên ở các cơ quan báo chí gồm: giáo dục chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tình hình nhiệm vụ cách mạng; giáo dục làm rõ đối tượng, đối tác, bản chất, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, tinh thần cảnh giác cách mạng; giáo dục chủ nghĩa yêu nước xã hội chủ nghĩa, lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hoá của dân tộc, của Đảng, của giai cấp; giáo dục pháp luật của Nhà nước; giáo dục chuẩn mực về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; giáo dục về đạo đức người làm báo; đồng thời trang bị những kiến thức cần thiết về kinh tế, khoa học, văn hoá, xã hội...” - PGS.TS Hoàng Phúc Lâm đề xuất. Tuy nhiên, việc thực hiện nội dung, phương thức, hình thức giáo dục lý luận chính trị ở các cơ quan báo chí phần lớn còn phụ thuộc vào nội dung theo quy định, những phương thức, hình thức cơ bản, truyền thống, chưa phát huy hết tính chủ động, sáng tạo của người học và những hình thức bổ trợ khác. Trong quá trình giáo dục, người học ít được bày tỏ ý kiến cá nhân, việc định hướng nhận thức có nội dung chưa thật sâu và sát với chức trách, nhiệm vụ của đối tượng giáo dục. Tính thuyết phục, hấp dẫn của nội dung giáo dục lý luận chính trị còn chưa cao; việc phê phán những quan điểm sai trái, những hiện tượng tiêu cực trong đơn vị còn thiếu sắc bén, những biểu hiện hình thức hoá, coi nhẹ công tác giáo dục lý luận chính trị vẫn còn tồn tại ở một số ít cấp uỷ, chi bộ, cán bộ, đảng viên.

Vì sao báo chí nước nhà cần có tính Đảng?

“Không có một nền báo chí nào, dù của bất cứ một quốc gia, dân tộc nào chung chung, phi dân tộc, phi chính trị, phi xã hội...; và càng không có một nền báo chí nào dù của bất cứ tổ chức quốc tế mang tầm toàn cầu nào trừu tượng, không có tính từ, dẫu xét trên bất cứ phương diện hay góc nhìn nào, từ chính trị, kinh tế tới đạo đức hay pháp quyền. Đó là sự phát triển thống nhất trong đa dạng của báo chí, dù xét dưới bất kỳ quy mô hay tính chất nào. Nền báo chí Việt Nam hiện đại không nằm ngoài tính quy luật đó” - nhà báo Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nêu vấn đề.

Theo nhà báo Nhị Lê, cách đây hơn 79 năm, tại Hội nghị thành lập Đảng dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc, cùng với việc thông qua các văn kiện quan trọng của Đảng, hội nghị quyết định: “Ban Trung ương có thể xuất bản một tạp chí lý luận và ba tờ báo tuyên truyền”. Như vậy, ngay từ thuở cách mạng còn trứng nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh ý thức rõ, báo chí là một mặt trận để “tuyên truyền, cổ động, tổ chức và lãnh đạo cách mạng”. Vừa khai sinh, Đảng bắt tay ngay vào việc xây dựng và phát triển một nền báo chí cách mạng Việt Nam - nền báo chí phụng sự nhân dân, phụng sự dân tộc, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Đảng. Nói cách khác, báo chí “...phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dẫn. Nghĩa là, báo chí phải phục vụ tự giác trên cơ sở khoa học và sáng tạo sự nghiệp cách mạng của dân tộc, dưới ngọn cờ của Đảng. Đó cũng chính là nguyên tắc sáng tạo, là phẩm chất và ý thức tự nguyện xã hội chủ nghĩa của hệ thống báo chí và đội ngũ nhà báo nước ta. Nhận thức và hành động trái điều đó, có nghĩa là chệch hướng chính trị. Đó chính là tính đảng của nền báo chí cách mạng nước ta. Tính đảng là một thuộc tính căn bản, tiên quyết (cùng các thuộc tính quan trọng khác: tính dân tộc, tính nhân dân, tính quốc tế...) làm nên lý tưởng, sinh khí, vị thế và sức mạnh của nền báo chí cách mạng nước nhà, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, hội nhập nền báo chí thế giới.

Việt Đông

(còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục