Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Phấn đấu 100% chợ đầu mối được quy hoạch và kiểm soát an toàn thực phẩm
Thứ sáu: 20:30 ngày 12/05/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 988/KH-UBND về Năm cao điểm hành động vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2017.

Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 1.400 cơ sở trong đó có 240 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung; 769 cơ sở, kinh doanh vật tư nông nghiệp; 295 cơ sở, chế biến thực phẩm; 60 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm.

Tổng diện tích của các cơ sở trồng rau tập trung là 5.000 ha và có gần 20.000 hộ nhỏ lẻ (chăn nuôi, trồng rau, củ quả), các quầy, sạp kinh doanh thịt, rau, củ, quả tại 103 chợ.

Nhằm nâng cao trách nhiệm, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tạo bước chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 988/KH-UBND về Năm cao điểm hành động vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2017.

Kế hoạch này cũng nhằm thực hiện Quyết định số 235/QĐ-BNN-QLCL ngày 24.1.2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Kế hoạch Năm cao điểm hành động vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Người tiêu dùng lựa chọn rau củ quả tại siêu thị- Ảnh minh hoạ

Mục tiêu của Kế hoạch là quản lý, kiểm tra chặt chẽ vật tư nông nghiệp, hàng gian, hàng giả, kém chất lượng thuộc ngành Nông nghiệp quản lý; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm; giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tồn dư hoá chất, kháng sinh trong sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm, đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và hướng đến thị trường xuất khẩu.

Các chỉ tiêu của Kế hoạch gồm: Vận động ít nhất 50% hộ sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nông sản và 100% hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông sản ký cam kết sản xuất, kinh doanh an toàn; đến cuối năm 2017, tỷ lệ mẫu giám sát vi phạm quy định về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau củ quả, tồn dư hoá chất, kháng sinh trong các loại sản phẩm thịt, thuỷ sản, ô nhiễm vi sinh giảm 10% so với năm 2016.

Tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thuỷ sản được kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm (xếp loại A, B) tăng 10% so với năm 2016 và không còn cơ sở loại C sau hai lần kiểm tra.

100% các chợ đầu mối cung cấp mặt hàng nông sản, thuỷ sản được quy hoạch và kiểm soát an toàn thực phẩm. Phát triển vùng rau an toàn với quy mô 90 ha đạt chứng nhận VietGap tại các vùng sản xuất chuyên canh, luỹ kế cuối năm 2017 diện tích đạt chứng nhận VietGap là 160 ha.

Tất cả các xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và phường, thị trấn được công nhận đô thị văn minh phải đạt tiêu chí an toàn thực phẩm; mỗi xã nông thôn mới phải có ít nhất một cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn. 

Triển khai nhân rộng mô hình Chuỗi cung ứng thịt, rau quả an toàn ít nhất 1 điểm tại mỗi huyện và thành phố Tây Ninh. Tổ chức liên kết sản xuất - tiêu thụ thịt an toàn vào siêu thị, cửa hàng thực phẩm an toàn, trường học. Kiểm tra, giám sát, cấp giấy xác nhận sản phẩm an toàn và công khai tại nơi bày bán cho người tiêu dùng.

Kế hoạch đề ra 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm về cơ chế, chính sách pháp luật; thông tin, truyền thông về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn; giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm; tổ chức sản xuất kết nối với tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn; tổ chức nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ công chức.

UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch hành động Năm an toàn vệ sinh thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2017, đảm bảo thực hiện đúng tiến độ, hiệu quả.

Thuỳ Anh

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục