Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Phấn đấu đến năm 2020, có ít nhất 40% nông sản thực phẩm an toàn
Thứ sáu: 05:31 ngày 30/11/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Mục tiêu là đến năm 2020, Tây Ninh có ít nhất 40% sản lượng nông sản thực phẩm an toàn (bao gồm rau quả, trái cây, thịt) được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ.

 
Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp ở huyện Dương Minh Châu. Ảnh: Lê Văn Hải

Là địa phương có thế mạnh về trồng trọt, nông dân Tây Ninh đã từng bước chuyển đổi sản xuất theo hướng tập trung phục vụ công nghiệp chế biến, chuyển đổi cây trồng phù hợp với nhu cầu thị trường, nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích. Ví dụ như mô hình trồng bưởi của ông Nguyễn Văn Tỉnh (xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên) đã được một số doanh nghiệp xuất khẩu nhắm tới do có diện tích lớn (hơn 50 ha), được đầu tư theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp “sạch”. Với việc trang bị hệ thống tưới tiết kiệm, bón phân tự động, quản lý địch hại, trang trại này có khả năng cung cấp số lượng bưởi lớn trong từng đợt thu hoạch, bảo đảm tối ưu lợi nhuận và giúp doanh nghiệp thu mua xuất khẩu tiết kiệm thêm chi phí vận chuyển.

Như mô hình trồng mãng cầu của nông dân Hà Chí Mãng (xã Thạnh Tân, TP. Tây Ninh) đang sử dụng công nghệ tưới Israel với diện tích 7 ha; mô hình trồng mãng cầu VietGAP của nhà nông Huỳnh Biển Chiêu (xã Tân Hưng, huyện Tân Châu) dùng công nghệ tưới nhỏ giọt tiết kiệm với diện tích 17 ha; mô hình trồng chuối xuất khẩu Huy Long An (xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng) 75 ha, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm… 

Nông dân Nguyễn Thành Kỉnh (xã An Bình, huyện Châu Thành) đã mạnh dạn đầu tư 5 tỷ đồng làm nhà kính trồng dưa lưới (rộng 1 ha). Chỉ trong một vụ (khoảng 70 ngày), ông đã có lãi hơn 200 triệu đồng. Ông Kỉnh là một trong các nông dân được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cấp giấy chứng nhận kiến thức về an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận sử dụng an toàn, hiệu quả thuốc bảo vệ thực vật và hoá chất trong sản xuất rau quả tươi.

Có thể thấy, việc chuyển đổi cơ cấu ngành trồng trọt ở Tây Ninh theo hướng tập trung, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh gắn với thị trường và công nghiệp chế biến, phát huy thế mạnh của từng vùng gắn với chuyển đổi cây trồng phù hợp với nhu cầu thị trường, giúp tăng khả năng cạnh tranh và nâng cao giá trị gia tăng. Trong đó, giai đoạn 2016-2018, tỉnh đã giảm diện tích trồng lúa trung bình 0,3%/năm; khoai mì giảm trung bình 10,4%/năm; cao su giảm trung bình 0,9%/năm...

Ngược lại, cây ăn trái là cây trồng có diện tích tăng mạnh, tăng nhanh với tốc độ tăng bình quân là 9,1%/năm, hiện có 20.212 ha. Tăng nhiều nhất là các loại cây ăn trái quy mô tập trung, có giá trị kinh tế cao như nhãn, mãng cầu, bưởi, sầu riêng, xoài, chuối... đem lại giá trị tăng thêm từ 3-4 lần so với cây truyền thống.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Võ Đức Trong, sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh, ngành nông nghiệp Tây Ninh đã thu hút 28 dự án đầu tư trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, tổng vốn 1.940 tỷ đồng, nâng tổng số dự án nông nghiệp trên toàn tỉnh lên 57 dự án, với vốn đầu tư trên 4.040 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 39,9 triệu đồng/người/năm. 

Về chăn nuôi, từ chỗ loại bỏ dần cách thức chăn nuôi truyền thống, nông dân Tây Ninh đang dần tiếp cận công nghệ, kỹ thuật chăn nuôi mới như chăn nuôi khép kín; công nghệ bán tự động... Qua nửa nhiệm kỳ, Tây Ninh đã triển khai 40 mô hình khuyến nông theo hướng ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong canh tác; nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Tỷ lệ sử dụng giống cây trồng, vật nuôi tiên tiến được nâng lên đáng kể (trên 80%); năng suất tăng từ 5 - 10%. Chất lượng nông sản ngày càng được nâng cao; đã có 10% nông sản sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP. Giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm tỷ trọng 14,8% (tăng 31,9% so với năm 2015). 

Thời gian qua, Tây Ninh cũng đã đầu tư phát triển hệ thống kênh tiêu phục vụ quá trình chuyển đổi cây trồng (đã đưa vào sử dụng 7 kênh tiêu, 4 đê bao). Tỉnh thực hiện dự án trọng điểm tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông phục vụ tưới tiêu cho gần 17.000 ha đất nông nghiệp, cấp nước cho sản xuất công nghiệp, sinh hoạt và chăn nuôi. 

Bí thư Tỉnh uỷ Trần Lưu Quang khẳng định, nhằm bảo đảm kinh tế phát triển ổn định và bền vững, hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết X đề ra, tỉnh xác định phát triển nông nghiệp toàn diện là then chốt, xây dựng nông thôn mới là căn bản và nông dân đóng vai trò chủ thể. Vì vậy, toàn Đảng bộ tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xác định nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái là hướng phát triển trọng tâm trong thời gian tới. 

 Trước mắt, Tây Ninh triển khai thực hiện tốt các quy hoạch đã được phê duyệt như: quy hoạch định hướng phát triển vùng sản xuất nông nghiệp, quy hoạch phát triển thuỷ lợi; quy hoạch nông thôn mới… nhằm xác định vùng chuyên canh thu hút đầu tư các dự án nông nghiệp theo định hướng cơ cấu lại và phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi cây trồng có giá trị gia tăng cao. 

 
Thu hoạch chôm chôm. Ảnh: Nguyễn Tường

Tỉnh đã từng bước sản xuất theo lợi thế và nhu cầu thị trường, trong đó có thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hoá; xây dựng vùng sản xuất hàng hoá tập trung, quy mô lớn, tổ chức hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư; tăng cường năng lực cạnh tranh trong điều kiện hội nhập quốc tế và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Mục tiêu là đến năm 2020, Tây Ninh có ít nhất 40% sản lượng nông sản thực phẩm an toàn (bao gồm rau quả, trái cây, thịt) được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ.

Minh Anh

 

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục