Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Trong năm 2024, cơ sở hạ tầng thiết yếu cấp xã được quan tâm đầu tư làm thay đổi bộ mặt của nông thôn, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương.
Thời gian qua, Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh được được triển khai đồng bộ; việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội (KT-XH) gắn với xây dựng NTM luôn được các địa phương trên địa bàn tỉnh quan tâm tổ chức thực hiện và đạt nhiều kết quả nổi bật.
Tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn đồng bộ, hiện đại
Trong năm 2024, cơ sở hạ tầng thiết yếu cấp xã được quan tâm đầu tư (giao thông, trường học, trạm y tế, cơ sở vật chất văn hóa...) làm thay đổi bộ mặt của nông thôn, tạo nền tảng cho phát triển KT-XH của nhiều địa phương.
Theo đó, các cấp, các ngành đã hoàn thiện và nâng cao hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn xã, hạ tầng giao thông kết nối liên xã, liên huyện. Có 4.772 km đường giao thông nông thôn đã được đầu tư, trong đó: trên 800km đường trục xã; 868km đường trục ấp; 1.322km đường ngõ, xóm; 1.778km đường nội đồng.
Theo UBND xã Trường Đông (thị xã Hoà Thành), nhờ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, cùng sự chung tay, góp sức của Nhân dân đã giúp cho địa phương có thêm những con đường mới rộng rãi, khang trang, tạo thuận lợi cho hoạt động giao thương, buôn bán và sinh hoạt của Nhân dân. Không chỉ có đường giao thông nông thôn, trong những năm qua, các công trình hạ tầng thiết yếu được đầu tư xây dựng theo hướng đạt chuẩn. Mặc dù xã Trường Đông đã về đích NTM kiểu mẫu nhưng đó chưa phải là mục tiêu cuối cùng. Mục đích của chương trình xây dựng NTM, NTM kiểu mẫu là làm cho đời sống của người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao; để đạt được mục đích đó, hạ tầng KT-XH chính là một trong những yếu tố mang tính quyết định, trong thời gian tới cần được đầu tư tốt hơn.
Bên cạnh đó, các cấp các ngành phấn đấu hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống thủy lợi và phòng chống thiên tai cấp xã, huyện, bảo đảm bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động của các xã trên địa bàn tỉnh đạt từ 80% trở lên; diện tích tưới đạt 152.065 ha, tăng gần 1.800ha so với diện tích tưới năm 2023 và tiêu thoát nước kịp thời, phát huy hiệu quả công trình thủy lợi hiện có; cấp nước công nghiệp khoảng 7,7 triệu m3 (tăng 0,35 triệu m3 so với năm 2023); thực hiện kiên cố hoá trên 8.800m kênh thủy lợi với kinh phí khoảng 13,9 tỷ đồng, góp phần tạo cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn.
Công tác cải tạo và nâng cấp hệ thống lưới điện nông thôn theo hướng an toàn, tin cậy, ổn định và bảo đảm mỹ quan được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Toàn tỉnh có 267km đường dây 220kV, 3 trạm biến áp 220kV; 408km đường dây 110kV, 25 TBA 110kV; 3.715km đường dây trung áp; 12.852 TBA; khoảng 5.382km đường dây hạ áp. Hệ thống điện liên huyện, xã đồng bộ với hệ thống điện các huyện, xã theo quy hoạch, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật của cả hệ thống.
Trong phong trào thi đua xây dựng NTM, các đơn vị quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, chợ an toàn thực phẩm cấp xã. Trong năm, trên địa bàn tỉnh đã khởi công đầu tư xây dựng mới 2 chợ (chợ Thanh Phước, huyện Gò Dầu và chợ Tân Hiệp, huyện Tân Châu); xây mới trên nền chợ cũ 2 chợ (chợ Phước Minh, huyện Dương Minh Châu và chợ Bến Sỏi, huyện Châu Thành); sửa chữa, cải tạo 7 chợ với tổng nguồn vốn đầu tư trên 17,6 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
Ngoài ra, từng bước phát triển, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng số, chuyển đổi số trong nông nghiệp. Đến nay, có 71/71 xã có điểm phục vụ bưu chính; các trang thiết bị phù hợp với yêu cầu cung ứng và sử dụng dịch vụ, thường xuyên mở cửa bảo đảm giờ hoạt động theo quy định; có dịch vụ viễn thông, điện thoại di động sử dụng 3G, 4G, wifi, internet… các dịch vụ đều đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Các đơn vị đẩy mạnh công tác đưa nước sạch nông thôn đến người dân, xây dựng, hoàn thiện các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, bảo đảm chất lượng đạt chuẩn theo quy định. Hiện trên địa bàn tỉnh có 79 công trình cấp nước, với công suất thực tế 11.266m3/23.269m3/ngày.đêm, cấp nước cho 25.218/27.995 hộ dân, đa số công trình cấp nước có công nghệ xử lý nước đơn giản, quy mô, công suất nhỏ, công suất thiết kế từ 50m3 đến 500m3/ngày.đêm, hoạt động liên tục 16 giờ/ngày (từ 5 giờ đến 21 giờ), cấp nước cho khu vực dân cư tập trung từ 50-500 hộ dân.
Phấn đấu có thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới
Tuy đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng trong quá trình xây dựng NTM còn một số khó khăn. Tiến độ hoàn thành các tiêu chí còn chậm, chất lượng đạt chuẩn và công tác duy trì bền vững kết quả sau đạt chuẩn còn nhiều hạn chế. Nhiều địa phương đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí NTM ở giai đoạn trước, đến nay chưa đáp ứng được một số yêu cầu của Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025. Một số công trình hạ tầng chưa thực sự được quan tâm, duy tu, bảo dưỡng thường xuyên nên xuống cấp.
Bên cạnh đó, nguồn ngân sách Nhà nước đầu tư Chương trình còn thấp so với nhu cầu thực tế của địa phương; việc huy động các nguồn lực vào đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu còn thấp, nhất là việc huy động nguồn lực của doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn rất khiêm tốn.
Kế hoạch năm 2025, tỉnh duy trì 68/71 xã đã đạt chuẩn NTM, 26/71 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 4/71 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Tất cả các xã đã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao giai đoạn 2010-2021 sẽ tiếp tục thực hiện nâng chất lượng tiêu chí, đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia giai đoạn 2021-2025. Phấn đấu có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 71/71 xã.
Để phong trào xây dựng NTM trong thời gian tới đạt hiệu quả và mục tiêu đề ra, UBND tỉnh đề nghị các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân nông thôn, nâng cao chất lượng các cuộc vận động, phong trào thi đua xây dựng NTM.
Đồng thời chỉ đạo các địa phương, căn cứ các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình giai đoạn 2021-2025, để chủ động lựa chọn nội dung, nhiệm vụ ưu tiên, tập trung chỉ đạo và bố trí đủ nguồn lực để thực hiện, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch năm 2025.
Trong đó, chú trọng phát triển hạ tầng KT-XH cơ bản đồng bộ, bảo đảm kết nối nông thôn - đô thị và các vùng; đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững, hiện đại, gắn với nhiệm vụ xây dựng NTM và đô thị hóa; định hướng các vùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn đầu tư hạ tầng nhằm thúc đẩy phát triển một số vùng sản xuất chuyên canh cây ăn trái chất lượng cao, góp phần chuyển đổi số trong nông nghiệp; bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển kinh tế du lịch nông thôn; giữ gìn an ninh, trật tự xã hội và quốc phòng trên địa bàn nông thôn.
Mặt khác, tăng cường và đa dạng hoá các nguồn vốn huy động để thực hiện Chương trình. Hướng dẫn, đôn đốc các địa phương chủ động lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn theo quy định cơ chế đầu tư, cơ chế tài chính của Trung ương về Chương trình MTQG xây dựng NTM; huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp đối với các công trình có khả năng thu hồi vốn trực tiếp.
Tăng cường các hình thức hợp tác công tư và xã hội hoá để thu hút đầu tư vào bảo vệ và xử lý môi trường, giao thông nông thôn, hạ tầng thương mại, cung cấp nước sạch, dịch vụ văn hóa - thể thao, dịch vụ y tế; có giải pháp khắc phục, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản trong Chương trình MTQG xây dựng NTM, công khai các khoản đóng góp của dân theo nguyên tắc tự nguyện, không được huy động quá sức dân.
Năm 2024, tỉnh có 3 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 68/71 xã (chiếm 95,7%), đạt 100% so với kế hoạch năm 2024, gồm các xã: Tân Hiệp (huyện Tân Châu), Phước Minh (huyện Dương Minh Châu), Long Vĩnh (huyện Châu Thành). Có 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (xã Tân Bình, thành phố Tây Ninh); nâng tổng số xã đạt NTM nâng cao lên 26/71 xã, tỷ lệ 36,6%, vượt 1,4% so với kế hoạch năm 2024. 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (xã Bình Minh, thành phố Tây Ninh); nâng tổng số xã đạt NTM kiểu mẫu lên 4/71 xã, chiếm 5,6%, đạt 100% so kế hoạch năm 2024. Dự kiến huyện Bến Cầu đạt chuẩn NTM, nâng tổng số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM đến cuối năm 2024 là 4 đơn vị. |
Nhi Trần