Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Đó là một trong số những mục tiêu quan trọng đã được xác định tại Đại hội đại biểu lần thứ III Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam diễn ra ngày 18/11 tại Hà Nội. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tới dự.
Theo báo cáo tại đại hội, nhiệm kỳ 2013-2018, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã phát triển được thêm 11 Hội địa phương, 11 chi hội và 1 trung tâm trực thuộc. Tính đến nay, Hội đã có 18 Hội cấp tỉnh, 42 chi hội, 6 trung tâm trực thuộc với hơn 50.000 hội viên trải rộng trên khắp 38 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Quang cảnh Đại hội - Ảnh: Minh Châu
Trong 5 năm, Hội đã đóng góp vào nhiều các văn bản quy phạm pháp luật và chính sách liên quan tới trẻ em được đánh giá có chất lượng, một số nội dung đã được tiếp thu; triển khai được 256 cuộc truyền thông tại cộng đồng cho hơn 41 nghìn người lớn và trẻ em với nhiều nội dung về luật trẻ em, kỹ năng làm việc với trẻ em, phòng chống xâm hại và bạo lực trẻ em; tiếp nhận trên 500 đơn thư, email, điện thoại trực tiếp của công dân phản ánh và nhờ tư vấn về các vấn đề liên quan đến vi phạm quyền trẻ em; thực hiện 1.359 buổi tư vấn tâm lý và pháp luật cho 5.658 trẻ và 2.333 người lớn.
Đồng thời, vận động được trên 327 tỷ đồng hỗ trợ cho trên 1,5 triệu trẻ em với nhiều chương trình thiết thực, ý nghĩa như: Thắp sáng những ước mơ; bảo vệ trẻ em có nguy cơ bỏ học; phòng chống đuối nước bảo vệ sinh mạng trẻ em; nước sạch cho phụ nữ và trẻ em…
Phát huy thành tích đó, trong nhiệm kỳ 2018-2023, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đặt ra mục tiêu tăng thêm từ 15 - 20 hội, chi hội địa phương; trên 50% cán bộ Hội địa phương được tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực bảo vệ quyền trẻ em; tăng 10% số người lớn và trẻ em tại cộng đồng được truyền thông về pháp luật và những văn bản, chính sách liên quan tới bảo vệ quyền trẻ em bằng nhiều hình thức khác nhau; vận động nguồn lực từ các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ từ 400 - 500 tỷ đồng; trên 2 triệu trẻ em được hưởng lợi từ các sự kiện, chương trình do Hội triển khai...
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam - Ảnh: Minh Châu.
Ghi nhận những kết quả mà Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đạt được trong thời gian qua, phát biểu tại Đại hội, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà đánh giá cao việc các cấp Hội đã lắng nghe trẻ em bằng nhiều hình thức khác nhau, đưa ra những khuyến nghị thiết thực đóng góp vào việc xây dựng các văn bản pháp luật, chính sách, chương trình liên quan tới trẻ em. Với đội ngũ luật sư chuyên trách về bảo vệ trẻ em, Hội đã phối hợp với các ngành giải quyết thỏa đáng nhiều vụ việc bảo vệ quyền của trẻ em.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà mong muốn trong nhiệm kỳ III, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tiếp tục thực hiện tốt việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, đảm bảo các quy định của Luật Trẻ em được triển khai, tổ chức có hiệu quả; phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền về phòng, chống vi phạm quyền của trẻ em; phối hợp với ngành xây dựng các chương trình, đề án nhằm giải quyết những vấn đề lớn, cấp bách về bảo vệ quyền trẻ em.
Thường xuyên thu thập thông tin, tổng hợp tình hình trẻ bị xâm hại, việc xử lý các hành vi này, phản ánh, kiến nghị xử lý nghiêm minh, kịp thời; tăng cường các hoạt động phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, vi phạm các quyền trẻ em; tiếp tục tập hợp, thu hút luật sư tham gia bảo vệ quyền trẻ em, bào chữa miễn phí các vụ việc, phạm tội xâm hại trẻ em; chú trọng phát triển tổ chức, hội viên; tăng cường hợp tác với các đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước nhằm trao đổi, chia sẻ thông tin, vận động nguồn lực xã hội, tham gia xây dựng chính sách để bảo vệ, chăm sóc, giáo dục và thực hiện tốt hơn các quyền của trẻ em.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2018-2023 gồm 48 ủy viên. Chủ tịch Hội sẽ được Ban Chấp hành bầu sau Đại hội.
Tại Đại hội, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba vì có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ quyền trẻ em./.
Nguồn CPV