Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Phan Thị Thúy Anh đỗ 4 trường Đại học: Niềm vui và nỗi lo song hành
Chủ nhật: 17:06 ngày 19/09/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sau thời gian chờ đợi. Có lẽ đây là niềm vui lớn nhất trong đời của em Phan Thị Thúy Anh và gia đình. Liên tiếp các thông tin gửi tới báo em đỗ đến 4 trường đại học theo nguyện vọng đã đăng ký. Với thông tin quá tuyệt vời này đối với Thúy Anh và gia đình là một niềm vui không gì tả nổi.

Thành tích học tập của em Phan Thị Thúy Anh

Tuy nhiên, sau niềm vui là nhưng đêm dài em không ngủ được. Cứ liên tưởng đến ngày bước chân vào cổng trường đại học và cạnh đó là nổi lo học phí- tiền đâu để đóng học phí. Niềm mơ ước bấy lâu của gia đình nay đã thành hiện thực. Đây cũng là sự kỳ vọng của các chú, bác lãnh đạo tỉnh, các vị ân nhân, mạnh thường quân từng nhắn nhủ em trong ngày trao học bổng cách đây 2 năm.

Hai năm trước, cũng vào thời điểm cả nước khai giảng năm học 2018 - 2019, tại hội trường Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh, ông Phạm Văn Tân- Chủ tịch UBND tỉnh trao học bổng cho các em học sinh nghèo vượt khó, trong đó có em Phan Thị Thúy Anh, Chủ tịch UBND tỉnh nhắn nhủ các em “Phải cố gắng học tập để trở thành con ngoan trò giỏi, trở thành người công dân có ích cho xã hội”.

Trong buổi lễ đó, Thúy Anh vinh dự được báo cáo điển hình về thành tích học tập và nói về hoàn cảnh khó khăn của gia đình. Qua tìm hiểu thực tế về hoàn cảnh của Thúy Anh, các cô, chú lãnh đạo, mạnh thường quân cùng chung tay giúp đỡ để em có điều kiệm chăm lo cha, mẹ bệnh tật và tiếp tục học tập. Trong đó có Công ty TNHH Tân Ngọc Lực, bà Nguyễn Thị Nhàn- Chủ nhiệm CLB Phụ nữ từ thiện và nhiều cô chú không muốn nêu tên.

Chị Thảo nhận hỗ trợ từ các mạnh thường quân, chính quyền địa phương (ảnh chụp trước ngày 27.4.2021)

Em Phan Thị Thúy Anh cũng đã vinh dự được Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh chọn tham dự Chương trình “Thắp sáng những ước mơ” lần thứ 6 năm 2019 tại Hà Nội do Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam phối hợp Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Công ty TNHH Văn hóa Truyền thông New tổ chức.

Nhà của em ở ấp Ninh Đức, phường Ninh Thạnh, Tp. Tây Ninh. Câu chuyện của Thúy Anh được nêu lại ở bài viết này bởi hoàn cảnh gia đình em rất khó khăn, nhưng em đã cố gắng vượt qua nghịch cảnh, để có thành tích xuất sắc trong suốt 12 năm học phổ thông. 3 năm cuối cấp 3 em là học sinh giỏi của Trường THPT Chuyên Hoàng Lê Kha. Nghị lực vượt khó của em đáng được ghi nhận.

Cha Thúy Anh là ông Phan Thanh Sơn, thợ điện ô tô, thu nhập cũng tương đối, cuộc sống gia đình khá ổn định, nhưng không may trong một lần đi làm về tối bị tai nạn giao thông với thương tích vô cùng nghiêm trọng, chấn thương sọ não phải mỗ ráp sọ. Hơn 1 năm điều trị Bệnh viện Chợ Rẫy, rồi về Bệnh viện đa khoa tỉnh, kết quả giám định ông bị thương tật 82%, liệt nửa thân người. Thời gian đầu ông còn ngồi xe lăn, sau nằm liệt giường, thần kinh bất ổn. Nói không rõ lời nên hay tức giận, thường xuyên la hét. Ông đã nằm một chỗ từ khi Thúy Anh mới vào lớp một.   

Mẹ em ngày đêm chăm lo sức khỏe cho cha, vừa phải lao động để có thu nhập nuôi các con. Bà là thợ may, thêu, vắt sổ lành nghề nên thu nhập cũng khá. Nhưng cuộc sống lại một lần nữa cướp đi sự yên bình của gia đình Thúy Anh. Mẹ em phát hiện bị bệnh ung thư. Từ đó sức khỏe ngày càng yếu dần, không còn đảm đang được công việc cắt, may như trước, phải thường xuyên đi điều trị tại Bệnh viện Ung Bướu Tp. Hồ Chí Minh. Dù có mua BHYT nhưng mỗi lần đi bệnh viện cũng phải tốn gần 2 triệu đồng.

Ông Phạm Văn Tân- nguyên Chủ tịch UBND tỉnh trao học bổng cho em Anh năm học 2019-2020 (ảnh chụp trước ngày 27.4.2021)

Nợ nần chồng chất, vì lo thuốc thang cho 2 người bệnh hiểm nghèo (mà trước đây là 2 lao động chính trong gia đình), kinh tế kiệt quệ nên cha mẹ em phải bán căn nhà duy nhất đang ở. Người chủ mới nhân hậu nên cho gia đình ở tạm lại trong căn nhà đã bán.

Trong hoàn cảnh khó khăn như thế, nhưng Thúy Anh đã nỗ lực hết sức để thực hiện ước mơ vào Đại học, để sau này có việc làm ổn định lo cho gia đình, chăm sóc chu đáo cho cha, mẹ. Ước mơ của em đã thành hiện thực, không chỉ một trường, mà em đỗ đến 4 trường đại học. Nhưng sau những khoảnh khắc vỡ òa ấy là nỗi lo lớn hơn, làm sao để có tiền đóng học phí, chi phí cho việc học.

Em Phan Thị Thúy Anh (thứ hai từ phải sang) tham dự Chương trình “Thắp sáng những ước mơ” lần thứ 6 năm 2019 tại Hà Nội (ảnh chụp trước ngày 27.4.2021)

Thúy Anh buồn bã cho biết, sau nhiều ngày đắn đo suy nghĩ, em và mẹ chọn đăng ký học Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Dù là trường công nhưng học phí cũng gần 25 triệu đồng cho năm học đầu tiên, chưa kể những chi phí dụng cụ học tập. Một số tiền quá lớn đối với hoàn cảnh gia đình em hiện tại.  

Em chợt nghĩ về căn bệnh hiểm nghèo của mẹ, rồi nỗi đau trầm kha của cha và người anh đã nghỉ học giữa chừng để làm công nhân nhưng do dịch bệnh cũng đang thất nghiệp. Bất giác em cảm thấy con đường phía trước rất chông chênh.

Giấy báo trúng tuyển Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh

Em Phan Thị Thúy Anh đã nỗ lực phấn đấu vượt khó làm tròn lời hứa với cha, mẹ, thầy cô, các cô, chú lãnh đạo tỉnh và các ân nhân, những tấm lòng hảo tâm đã trao cho em học bổng và niềm tin. Em đã đỗ đại học. Một hạt giống tốt rất cần sự chăm bón để nảy mầm. Mong các nhà hảo tâm chấp cánh để ước mơ của em được bay cao, để “trở thành người công dân có ích cho xã hội” như kỳ vọng của nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân.

Mai Hưng Long

Tin cùng chuyên mục