Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Phản ứng của các nước khi Mỹ rút khỏi hiệp ước hạt nhân với Nga
Thứ hai: 19:44 ngày 22/10/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Các đồng minh của Mỹ cũng có những phản ứng khác nhau trước việc Tổng thống Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp ước hạt nhân với Nga.

Cựu Lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbache và cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan ký kết INF vào ngày 8-12-1987. (Ảnh: Reuters)

Đức mới đây bày tỏ quan ngại về hậu quả của việc Mỹ rút khỏi INF.

"Hiệp ước đã tồn tại 30 năm là trụ cột quan trọng trong cấu trúc an ninh của châu Âu", Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói hôm 21-10, đồng thời kêu gọi Mỹ cân nhắc tới hậu quả đối với cả châu Âu và các nỗ lực giải trừ vũ khí trong tương lai sau quyết định rút khỏi INF. 

Trong khi đó, Anh lại có quan điểm ngược lại khi tuyên bố ủng hộ việc Mỹ rút khỏi INF.

"Mỹ là đồng minh thân cận và lâu dài của Anh, vì thế tất nhiên chúng tôi triệt để ủng hộ quyết định của Tổng thống Trump về việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước để gửi đi thông điệp tới Nga rằng nên tôn trọng các nghĩa vụ trong hiệp ước mà họ đã ký kết", Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson cho hay. 

Ông Williamson khẳng định chính Nga đã vi phạm hiệp ước và biến INF trở thành "trò cười". 

Trong khi đó, ông Zhao Tong, chuyên gia an ninh hạt nhân thuộc Trung tâm chính sách toàn cầu Carnegie - Tsinghua cho rằng, quyết định của Tổng thống Trump sẽ dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang mới với sự tham gia của các quốc gia khác ngoài Nga và Mỹ. 

"Quyết định này sẽ làm suy yếu nghiêm trọng chế độ kiểm soát vũ khí hiện tại, vốn đã tồn tại một cách èo uột ngay từ những ngày đầu", ông Zhao Tong cho hay. 

Theo ông Zhao, việc Mỹ rút khỏi INF sẽ khiến các nước khác quan tâm hơn đến việc phát triển và triển khai các tên lửa tầm trung và tầm ngắn, cũng như tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang ngày càng tăng giữa các cường quốc.

Bình luận về nguyên nhân khiến Mỹ đưa ra quyết định này, ông Zhao cho rằng Washington đang lo ngại về kho vũ khí tầm trung mà Trung Quốc đang phát triển trong nỗ lực mở rộng ảnh hưởng ở Thái Bình Dương của Bắc Kinh.

Bản thân Tổng thống Trump cũng nhắc tới Trung Quốc khi đề cập tới lý do ông rút khỏi INF trong cuộc phỏng vấn với báo giới hôm 21-10. 

"Trừ khi Nga và Trung Quốc tới và nói hãy thông minh lên và không ai trong chúng ta phát triển loại vũ khí này. Nhưng giờ thì Nga đang làm điều đó, Trung Quốc cũng đang làm điều đó và chỉ có chúng ta tôn trọng hiệp ước, đó là điều không thể chấp nhận được", ông Trump nói. 

Phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ năm 2017,  Đô đốc Harry Harris, người đứng đầu Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ nói rằng khoảng 95% lực lượng tên lửa của Trung Quốc sẽ vi phạm Hiệp ước INF nếu họ là một bên trong hiệp ước. 

"Thực tế này rất quan trọng bởi Mỹ không thể có năng lực tương đương vì Washington luôn tuân thủ nghiêm ngặt INF", ông này cho hay.

Nguồn VTC News

Tin cùng chuyên mục