Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Pháp cứu châu Âu còn Đức trả tiền?
Thứ ba: 20:00 ngày 16/05/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tỏ ra có nhiều điểm chung trong việc củng cố châu Âu nhưng người Đức sợ bị thiệt.

phap cuu chau au con duc tra tien

Bà Merkel đón tiếp ông Macron chiều ngày 15-5 tại Berlin - Ảnh: AFP

Hiếm có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào được người dân Đức đón tiếp niềm nở như tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Chiều ngày 15-5, hàng trăm người dân Berlin ủng hộ EU đã vẫy cờ EU, cờ Đức và cờ Pháp chào đón ông.

Ba đề xuất của ông Macron

Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của một tân tổng thống luôn mang tính chất biểu tượng, thể hiện xu hướng đối ngoại của tân tổng thống ấy. Tổng thống Emmanuel Macron đã chọn nước Đức làm điểm đến nước ngoài đầu tiên còn vì truyền thống của Pháp và Đức.

Năm 2005, bà Angela Merkel vừa được bầu làm thủ tướng Đức đã đến thăm nước Pháp đầu tiên. Ở Pháp, từ thời ông Nicolas Sarkozy nhậm chức năm 2007 đến nay, các tân tổng thống vẫn thường chọn Đức trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên.

Đối với ông Macron, chuyến công du đến Đức hôm 15-5 để hội đàm với Thủ tướng Merkel còn mang ý nghĩa khác. Ông mong muốn củng cố tình hữu nghị của “cặp đôi hoàn hảo” Pháp-Đức nhằm cố kết tính chất liên minh trong EU mà ông đã từng hô hào trong tranh cử.

Ông mang đến Đức ba đề xuất. Một là thiết lập ngân sách chung trong khu vực đồng tiền chung euro do Nghị viện châu Âu kiểm soát và lập một vị trí bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro.

Mục đích nhằm hỗ trợ các nước có nền kinh tế ì ạch để thu hẹp khoảng cách giữa các nước thành viên EU.

Hai là thiết lập một đạo luật về kinh doanh trong phạm vi EU, theo đó sẽ tạo điều kiện mở cửa thị trường công cho các doanh nghiệp dành tối thiểu 50% công suất sản xuất tại châu Âu. Đạo luật này tương tự như luật mua sắm hàng Mỹ của Mỹ (Buy American Act).

Ba là tạo hành lang pháp lý về lao động biệt phái để thúc đẩy các doanh nghiệp ở nước này có thể điều động nhân viên đến một nước khác trong EU.

Xây dựng lại châu Âu

Tại cuộc hội đàm với Tổng thống Emmanuel Macron hôm 15-5, về quan hệ song phương, Thủ tướng nước chủ nhà Angela Merkel đã kêu gọi trước mắt cần củng cố quan hệ hai nước.

Hai bên nhất trí tổ chức cuộc họp hội đồng các bộ trưởng Pháp-Đức đầu tiên vào đầu tháng 7 tới sau bầu cử Quốc hội Pháp.

Đối với EU, bà Merkel và ông Macron bày tỏ mong muốn “thiết lập tinh thần năng động mới” trong bối cảnh các khủng hoảng và thách thức như chủ nghĩa dân túy đang đe dọa châu Âu.

Hai bên xác định “cần thời gian xây dựng lại châu Âu” và nêu khả năng có thể thay đổi các hiệp ước châu Âu liên quan đến khu vực đồng euro.

Hai bên quyết định sẽ cùng trao đổi ngay các dự án chung ngắn hạn cho EU và khu vực đồng euro đồng thời thiết lập lộ trình trung hạn củng cố EU.

Bà Merkel tuyên bố rất dè dặt: “Đầu tiên phải làm những gì chúng ta có thể làm”. Sau đó, bà trấn an: “Có thể sửa đổi các hiệp ước nếu việc này mang lại ý nghĩa. Chúng ta phải củng cố khu vực euro… Nếu phải sửa đổi, tôi sẵn sàng làm. Nhưng chúng ta cần phải minh định vì sao chúng ta phải sửa đổi (các hiệp ước)”.

Ông Macron tin rằng có thể xoay chuyển tình hình cho dù sửa đổi các hiệp ước EU vốn là điều cấm kỵ đối với Pháp. Để đánh tan nỗi lo ngại của Đức, ông tuyên bố bản thân ông phản đối trái phiếu châu Âu và chính sách biến nợ riêng thành nợ chung trong EU.

Sức ép bầu cử Đức

Tuyên bố của bà Merkel và ông Macron có vẻ “đồng thanh tương ứng” nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều khó khăn để Đức và Pháp đưa ra được chương trình hành động chung cụ thể.

Sau khi Đức nhẹ nhõm trước thất bại của đảng cực hữu của bà Marine Le Pen, dư luận Đức tiếp tục lo ngại các đề xuất của ông Macron.

Cuối tuần trước ở Đức, báo Der Spiegel từng bình luận: “Emmanuel Macron cứu châu Âu… còn nước Đức phải trả tiền”.

Ông Macron có thể tin cậy vào đảng Dân chủ-Xã hội Đức (SPD) và Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel. Thế nhưng đảng Liên minh dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) luôn nghi ngờ ông Macron muốn khuyến khích san sẻ gánh nặng nợ trong khối EU.

Trong khi đó, Thủ tướng Merkel trung thành với nguyên tắc chính phủ đồng thuận nên luôn tìm cách thỏa hiệp giữa hai luồng quan điểm này.

Đối với các đề xuất của ông Macron, Đức không mặn mà bởi đã từng có kinh nghiệm Pháp thẳng thừng bác bỏ dự thảo Hiến pháp châu Âu vào năm 2005.

Có thể hiểu được thái độ dè dặt của bà Merkel. Với sức ép từ cuộc bầu cử Quốc hội vào ngày 24-9 tới, bà khó có thể tuyên bố điều gì mạnh mẽ hơn.

Sau khi mệt nhọc thoát ra khỏi vấn đề khủng hoảng người di cư gây nhiều tranh cãi, bà chỉ muốn tránh nêu vấn đề tình đoàn kết châu Âu bởi đây là vấn đề gai góc đối với cử tri Đức.

Nói tóm lại, nếu như muốn xúc tiến các đề xuất cải cách sâu rộng EU, có lẽ ông Macron phải chờ đợi thêm sáu tháng nữa.

Nguồn TTO

Tin cùng chuyên mục