Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng đã đi vào cuộc sống
Thứ hai: 06:07 ngày 27/08/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngày 23.8 vừa qua, UBND tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm thi hành Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Ðại tá Lê Hồng Vương- Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh xung quanh vấn đề thực hiện Pháp lệnh BÐBP tại Tây Ninh.

Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh và Prey Veng và lực lượng BVBG 2 nước khảo sát khu vực biên giới Tân Nam - Meancheay chuẩn bị nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế.

Phóng viên (PV): Xin Ðại tá Lê Hồng Vương chia sẻ với độc giả Báo Tây Ninh về tầm quan trọng của Pháp lệnh BÐBP; cũng như việc triển khai và thực hiện pháp lệnh BÐBP trên địa bàn biên giới tỉnh Tây Ninh đạt được những kết quả nổi bật nào?

Ðại tá Lê Hồng Vương: Ngày 28.3.1997, Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành Pháp lệnh BÐBP (có hiệu lực từ ngày 7.4.1997), cụ thể hoá đường lối, chủ trương của Ðảng, Hiến pháp năm 1992 trong việc quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quốc phòng an ninh.

Pháp lệnh xác định biên giới quốc gia là quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm, xây dựng và bảo vệ biên giới quốc gia là nhiệm vụ của toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân, trong đó BÐBP làm nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh, trật tự biên giới quốc gia trên đất liền, các hải đảo, vùng biển và tại các cửa khẩu theo phạm vi nhiệm vụ do pháp luật quy định, và là một lực lượng thành viên trong khu vực phòng thủ tỉnh, huyện biên giới, sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu chống gây xung đột vũ trang và chiến tranh xâm lược.

Có thể nói sự ra đời của Pháp lệnh BÐBP là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng lực lượng BÐBP chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đánh dấu một bước phát triển quan trọng đối với lực lượng BÐBP cả nước nói chung, Tây Ninh nói riêng trong sự nghiệp quản lý bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Ngay sau khi Pháp lệnh có hiệu lực, Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh đã chủ động, tích cực tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai, tiến hành tổ chức hội nghị quán triệt, phổ biến pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn thi hành cho các cấp uỷ Ðảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang và nhân dân trên khu vực biên giới; Phối hợp với LLVT tỉnh nhà và quần chúng nhân dân trên địa bàn biên giới xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện biên giới, kết hợp phát triển kinh tế ngày càng vững mạnh.

Với vai trò nòng cốt, chuyên trách trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới, thời gian qua, BÐBP tỉnh đã phát huy được vai trò tiên phong trong việc giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; nắm chắc tình hình địa bàn, âm mưu ý đồ, phương thức thủ đoạn hoạt động của địch, các đối tượng tội phạm, tiến hành đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng; kịp thời tham mưu cho Ðảng uỷ, Bộ Tư lệnh BÐBP, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đề ra nhiều chủ trương, đối sách trong đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại ý đồ chống phá cách mạng Việt Nam, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của các thế lực thù địch, góp phần giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, phục vụ đường lối đổi mới của Ðảng, củng cố QPAN, phát triển KT-XH, xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.

Trong đó nhiều mặt công tác có chuyển biến mạnh mẽ kể từ khi có Pháp lệnh BÐBP, điển hình như: việc củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng vững mạnh, đến nay, đã có 928 tổ tuần tra nhân dân, tổ tự quản đường biên cột mốc, tổ tự quản an ninh trật tự xóm ấp… với trên 28.300 thành viên tham gia.

Các sở, ban, ngành triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển kinh tế, xã hội, chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng, xây dựng các mô hình gắn với xoá đói, giảm nghèo, góp phần từng bước nâng cao đời sống vật chất cho nhân dân ở khu vực biên giới.

Trong đó, một số cuộc vận động, chương trình, dự án, phong trào mà BÐBP tham gia trực tiếp và đạt hiệu quả cao như: “BÐBP chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Mái ấm biên cương”, “Quân y về làng”, “Nâng bước em đến trường”, “Tết biên phòng ấm lòng dân biên giới”, “Ðồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Nước ngọt vùng biên”, “Biên cương xanh” với tổng kinh phí đầu tư xây dựng, hỗ trợ trên 30 tỷ đồng. Những việc làm trên góp phần thực hiện thắng lợi các nội dung của “Ngày biên phòng toàn dân” trên biên giới Tây Ninh.

Trong công tác phân giới, cắm mốc, thời gian qua, Tây Ninh luôn thực hiện đúng theo chủ trương và chỉ đạo của cấp trên, đến nay đã phân giới được trên 220km đường biên giới, xác định được 94/101 vị trí mốc với 102/109 cột mốc và xây dựng hoàn chỉnh được 102/109 cột mốc.

Trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về an ninh quốc gia, từ năm 1997 đến nay, BÐBP tỉnh đã xác lập 5 chuyên án, 64 kế hoạch nghiệp vụ, bắt giữ 5 vụ, 5 đối tượng là thành viên các tổ chức phản động “Phục hưng Việt Nam”, “Ðảng Dân chủ Việt Nam”, “Ðảng Người Việt yêu người Việt”.

Trong công tác đấu tranh phòng, chống ma tuý và tội phạm, đã bắt giữ được 93 vụ/131 đối tượng phạm tội mua bán, vận chuyển trái phép ma tuý, vũ khí qua biên giới, tang vật thu giữ trên 17kg heroin, trên 3kg ma tuý đá, 77.255 viên ma tuý tổng hợp, 22 khẩu súng, 168 viên đạn; bắt giữ trên 1.120 vụ buôn lậu và gian lận thương mại, thu giữ 1,2 triệu USD, 6 tỷ đồng tiền Việt Nam, trên 700.000 gói thuốc lá nhập lậu và nhiều hàng hoá nhập lậu khác…

Trong công tác quản lý xuất nhập cảnh, thời gian qua, các đơn vị trực thuộc BÐBP Tây Ninh đã làm thủ tục đăng ký xuất, nhập cảnh cho gần 23 triệu lượt hành khách quốc tế, gần 2.600.000 phương tiện các loại, làm thủ tục xuất nhập cảnh vùng biên cho trên 11.800.000 lượt cư dân 2 bên biên giới, qua đó đã phát hiện, ngăn chặn được trên 1.000 vụ, với trên 1.300 đối tượng thuộc diện bị cấm nhập, cấm xuất, bị truy nã và hộ chiếu hết giá trị.

Ngoài ra, với vai trò là lực lượng thành viên trong khu vực phòng thủ tỉnh, huyện biên giới được quy định trong Pháp lệnh BÐBP, BÐBP tỉnh đã xây dựng đầy đủ hệ thống văn kiện tác chiến phòng thủ theo quy định, tổ chức xây dựng các công trình chiến đấu và các công trình phục vụ cho công tác sẵn sàng chiến đấu trong khu vực phòng thủ, đồng thời tham gia các đợt diễn tập phòng thủ trên địa bàn tỉnh nhà.

Cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Vàm Trảng Trâu kiểm tra cột mốc 134.

PV: Trên cương vị Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh, ông có đề xuất, kiến nghị gì sau 20 năm thực hiện pháp lệnh?

Ðại tá Lê Hồng Vương: Qua thực tiễn 20 năm thi hành Pháp lệnh BÐBP tại địa phương, tôi có một số kiến nghị, đề xuất như sau:

- Giữ vững chức năng, nhiệm vụ và ổn định về tổ chức của Bộ đội Biên phòng nhằm nâng cao năng lực bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, vùng biển, đảo.

Quan tâm, ưu tiên mọi nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng - an ninh, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành vững mạnh; đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói, giảm nghèo, tạo điều kiện thuận lợi cho quy hoạch bố trí dân cư, ổn định đời sống cho đồng bào các dân tộc khu vực biên giới.

- Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, tổ chức của BÐBP theo tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-TW của Bộ Chính trị, Thông báo Kết luận số 165/TB-TW, đề nghị giữ nguyên mô hình tổ chức BÐBP theo 3 cấp như hiện nay, bảo đảm ổn định lâu dài nhằm giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội liên hoàn khép kín giữa biên giới và nội địa.

- Nghiên cứu xây dựng các quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi hoạt động, cơ cấu tổ chức của Bộ đội Biên phòng thành Luật Biên phòng Việt Nam để tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho Bộ đội Biên phòng, các cơ quan chức năng trong xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích quốc gia trên biên giới trong thời kỳ hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa.

- Tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cấp, các ngành về biên giới quốc gia và xây dựng Bộ đội Biên phòng; quan tâm xây dựng khu vực biên giới vững mạnh về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.

- Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu vực biên giới, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu tiên, ưu đãi phù hợp để phát triển kinh tế vùng biên giới, các khu kinh tế cửa khẩu nhằm thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế, hợp tác phát triển với các nước láng giềng, trong khu vực; xây dựng thế trận biên phòng toàn dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững chắc; tiếp tục đầu tư xây dựng, củng cố hệ thống đồn, trạm biên phòng, các công trình biên giới.

- Quan tâm về chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng và tăng cường đầu tư các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, hiện đại, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của BÐBP; tiếp tục đầu tư xây dựng, củng cố cơ sở kỹ thuật để Bộ đội Biên phòng đủ sức hoàn thành nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong giai đoạn cách mạng mới.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Lê Quân

Tin cùng chuyên mục