Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Luật Phòng, chống mua bán người năm 2024:
Phát huy vai trò phòng, chống mua bán người từ cơ sở
Thứ bảy: 12:44 ngày 28/12/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV đã thông qua Luật Phòng, chống mua bán người, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2025.

Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 được Quốc hội khoá XII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29.3.2011, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.1.2012. Việc ban hành đạo luật chuyên ngành về phòng, chống mua bán người tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong đấu tranh phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán và thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam, góp phần thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong công tác phòng, chống mua bán người.

Công an tuyên truyền phòng chống mua bán người

Quá trình triển khai thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật được tiến hành đồng bộ với nội dung, hình thức đa dạng, phù hợp với các đối tượng. Công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ triển khai đồng bộ, quyết liệt. Việc phát hiện, xử lý hành vi vi phạm đạt kết quả tích cực, nhiều đường dây mua bán người được phát hiện, triệt phá.

Theo báo cáo của Bộ Công an, kết quả tổng kết thi hành Luật Phòng, chống mua bán người, công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người đạt được nhiều kết quả. Từ khi Luật có hiệu lực thi hành (ngày 1.1.2012) đến ngày 15.2.2023, tổng số vụ án về mua bán người được khởi tố là 1.744 vụ với 3.059 bị can.

Việc xác định nạn nhân và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán đạt được nhiều kết quả, góp phần bảo vệ quyền con người và bảo vệ nạn nhân. Từ năm 2012 đến tháng 2.2023 đã tổ chức tiếp nhận, hỗ trợ 7.962 nạn nhân. Từ kết quả trên cho thấy, việc triển khai thi hành Luật Phòng, chống mua bán người trong thời gian qua đã giúp kiềm chế sự gia tăng của tệ nạn mua bán người, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, sau 12 năm triển khai thi hành Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 đã đặt ra yêu cầu cần thiết phải tiến hành sửa đổi, bổ sung luật này để phát huy vai trò phòng, chống mua bán người từ cơ sở và giải quyết những tồn tại, khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện, đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay và trong thời gian tới. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống mua bán người là yêu cầu cấp thiết, khách quan.

Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) gồm 8 chương, 63 điều (tăng 5 điều so với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011); trong đó, xây dựng mới 10 điều, sửa đổi, bổ sung nội dung 51 điều, bỏ 7 điều.

Hội thảo chương trình phòng chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, giải pháp tăng cường hiệu quả trong thời gian tới (ảnh minh hoạ).

Theo đó, luật mới đã sửa đổi, bổ sung quy định nguyên tắc của Nhà nước về phòng, chống mua bán người. Luật bổ sung các nguyên tắc quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên như: tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; lấy nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân làm trung tâm; bảo đảm bình đẳng giới. Tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người trên cơ sở tuân thủ Hiến pháp, phù hợp với pháp luật của Việt Nam và pháp luật, tập quán quốc tế…

Quy định mới còn bổ sung các chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người. Đó là bảo vệ và hỗ trợ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán theo quy định của pháp luật; ưu tiên ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong phòng, chống mua bán người; hỗ trợ bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho người làm công tác phòng, chống mua bán người. Hằng năm, Nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn cho công tác phòng, chống mua bán người…

Một trong những điểm mới của Luật năm 2024 là quy định các hành vi bị nghiêm cấm mạnh hơn, bao gồm cả nghiêm cấm hành vi “thoả thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai”; dung túng, bao che, tiếp tay, cản trở, can thiệp, tác động, không xử lý hoặc xử lý không đúng quy định của pháp luật đối với hành vi mua bán người; cản trở việc giải cứu tiếp nhận, bảo vệ, xác minh, hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân… Việc bổ sung này bảo đảm đầy đủ, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của công tác này trong thời gian tới; đồng thời ngăn chặn từ sớm, từ xa và xử lý hiệu quả các hành vi liên quan đến mua bán người.

Điểm mới nổi bật của Luật Phòng, chống mua bán người năm 2024 là mở rộng đối tượng được bảo vệ gồm: nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, người dưới 18 tuổi đi cùng, người thân thích của nạn nhân, cá nhân tham gia phòng, chống mua bán người hoặc hỗ trợ nạn nhân.

Ngoài ra, Luật mới đã bổ sung các chế độ hỗ trợ cho nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và người dưới 18 tuổi đi cùng như: hỗ trợ y tế, hỗ trợ phiên dịch, hỗ trợ pháp luật, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ học nghề, tư vấn việc làm, trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế trong năm đầu tiên nếu nạn nhân chưa có bảo hiểm y tế…

An Đông

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục