Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Sáng ngày 20-8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đi kiểm tra công tác phòng chống dịch tại phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Lực lượng chức năng dùng máy phun mù nóng để phun hóa chất diệt muỗi tại một công trình xây dựng trên đường Thụy Khuê (Q. Tây Hồ, Hà Nội) - Ảnh: CHÍ TUỆ.
Một số nơi đến kiểm tra là công trường, trường học và khu dân cư đều không phát hiện ra muỗi trưởng thành. Nhưng bất ngờ ngay trong thời điểm này, các chuyên gia Viện Sốt rét - Côn trùng - Kí sinh trùng T.Ư đã phát hiện ra 5 ổ bọ gậy tại hai nhà dân ở ngõ 282 Thụy Khuê.
Đáng lưu ý, 5 ổ bọ gậy này đều tồn tại trong lọ nước đựng cây cảnh ở trong nhà và ngoài sân, trong khi các gia đình tại đây đều cho rằng không có bọ gậy, không có muỗi do vừa phun thuốc diệt muỗi.
Các chuyên gia có mặt đã xác định những ổ bọ gậy này ở độ tuổi 3 đến 4 ngày, chỉ vài ngày nữa là có thể trở thành muỗi trưởng thành.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến quan sát hai bình chứa bọ gậy vừa được lực lượng chức năng phát hiện tại hai hộ gia đình trên địa bàn phường Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội - Ảnh: CHÍ TUỆ.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến lưu ý ngoài ý thức vệ sinh của người dân, còn phụ thuộc kinh nghiệm phát hiện nơi chứa nước thành ổ bọ gậy của cán bộ y tế dự phòng.
Trong khi đó, công tác phun diệt muỗi cũng cần phải lưu ý phun đúng kĩ thuật, pha đúng tỉ lệ hóa chất và phun theo chiều gió.
"Trước khi phun phải thông báo với người dân mở hết cửa trong nhà ra. Công tác chuẩn bị rất quan trọng và lưu ý phải phun theo chiều gió, nếu phun ngược chiều gió, coi như không có hiệu quả", bà Tiến lưu ý.
Trong khi đó, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện số ca mắc tại Hà Nội không tăng lên trong hai tuần vừa qua, vẫn ở khoảng 3.340 ca, nhưng biểu đồ dịch tễ sốt xuất huyết không có thay đổi.
Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra quy trình pha hóa chất của các cán bộ trung tâm y tế dự phòng quận Tây Hồ, Hà Nội - Ảnh: CHÍ TUỆ
Từ đầu tuần, Hà Nội đã tiến hành phân 3 mức độ vùng dịch tễ ( đỏ, da cam, vàng), căn cứ trên số ca bệnh, tỷ lệ mắc bệnh trên 100.000 dân, mật độ muỗi, bọ gậy, phân lập virus...
Và hiện 12 quận, huyện của Hà Nội vẫn ở trong mức báo độ đỏ về sốt xuất huyết. Một số quận, huyện vẫn là điểm nóng sốt xuất huyết với số ca sốt xuất huyết cao: Đống Đa, Hoàng Mai, Hà Đông, Thanh Xuân... tập trung đến 90% bệnh nhân toàn thành phố.
Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 18.838 ca sốt xuất huyết và có 7 ca tử vong.
Nguồn TTO