Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Bệnh tay chân miệng:
Phát hiện kịp thời, chăm sóc đúng cách
Thứ tư: 16:51 ngày 20/07/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Bệnh tay chân miệng (TCM) ở trẻ em có nhiều biến chứng nguy hiểm, diễn biến rất nhanh chỉ trong vòng vài giờ. Do đó, người nhà bệnh nhân cần nhận biết sớm và chăm sóc trẻ mắc bệnh đúng cách để tránh biến chứng nặng.

Một bệnh nhi mắc TCM đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh.

Nhận biết sớm các triệu chứng

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Tây Ninh, tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 485 ca TCM, riêng tháng 5 vừa qua có 262 ca, chiếm hơn 50% số ca mắc từ đầu năm đến nay. Mặc dù số ca mắc có tỷ lệ giảm so với cùng kỳ năm 2021, chưa ghi nhận trường hợp tử vong, tuy nhiên, bệnh TCM có nguy cơ tạo thành ổ dịch lớn, đặc biệt giai đoạn giao mùa.

Tại Bệnh viện đa khoa Tây Ninh, trong 2 tháng trở lại đây, trung bình mỗi ngày tiếp nhận từ 8-10 ca trẻ mắc TCM, đỉnh điểm hơn 15 ca/ngày. Hầu hết các ca mắc chỉ ở mức độ 2-2B, chưa có trường hợp biến chứng nặng phải chuyển viện.

Chị Nguyễn Thị Vân (38 tuổi, ngụ  xã Tân Hưng, huyện Tân Châu) có con trai 5 tuổi mắc TCM đang điều trị tại bệnh viện, do phải đi làm nên vợ chồng chị gửi con ở nhà trẻ tư nhân trong dịp hè. Cách đây 2 ngày, con trai chị có dấu hiệu biếng ăn, sốt nhẹ, nên mua thuốc hạ sốt tại nhà. 

“Qua ngày thứ hai, cháu sốt cao hơn và bắt đầu nổi nhiều mụn nước trên tay, chân, gây ngứa, gia đình liền đưa cháu đến Bệnh viện Đa khoa. Tại đây, các bác sĩ nói cháu bị bệnh tay chân miệng, phải ở lại tiếp tục theo dõi và điều trị”- chị Vân bày tỏ. Chị có 3 người con, thường xuyên theo dõi qua báo, đài trong việc cham sóc con cái và cách nhận biết các loại bệnh thông thường, trong đó có bệnh TCM ở trẻ: “Sau khi theo dõi, thấy đây là bệnh truyền nhiễm có thể biến chứng nặng, nên chúng tôi không thể chủ quan, đưa con đến bệnh viện để được điều trị kịp thời”.

Theo bác sĩ CKI Đặng Phước Điền- Phó trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh, TCM là bệnh truyền nhiễm do virus gây nên, có nguồn lây từ người sang người qua tiêu hoá hoặc tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ của người bệnh. Bệnh rất hay gặp ở đối tượng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi do hệ miễn dịch của trẻ còn non yếu, chưa đủ sức chống lại tác nhân gây bệnh.

Trẻ mắc bệnh TCM thường có các biểu hiện của bệnh như sốt và tổn thương ở da, nhưng cũng có một số trẻ chỉ có biểu hiện loét miệng, vị trí thường loét ở vùng hầu, họng có thể ở hai bên má môi và lưỡi  hoặc nổi nốt nhỏ ở mông hay bẹn, nếu gia đình không chú ý thì rất khó phát hiện và có một số phụ huynh cũng chủ quan và cho rằng đó là dấu hiệu của các bệnh thông thường như loét miệng do nhiệt, sốt phát ban hoặc côn trùng cắn...

“Chính vì những loét đó bé sẽ ăn uống kém bé sẽ bỏ ăn, bỏ bú và chảy nước miếng nhiều. Một số trẻ có triệu chứng sốt nhẹ và uống thuốc và sẽ hết, tuy nhiên, có môt số trẻ sốt cao không hạ đây là dấu hiệu nặng cần đưa bé đi bệnh viện để điều trị”- bác sĩ Điền nói.

Chăm sóc trẻ đúng cách

Trên thực tế, bệnh TCM vẫn có thể gặp ở trẻ lớn hơn hoặc người trưởng thành. Bệnh xuất hiện quanh năm, nhiều ở giai đoạn từ tháng 3-5 và tháng 9-12. Giải thích thêm về diễn biến của bệnh, bác sĩ Điền cho biết, về cơ bản, bệnh TCM không mấy nguy hại và có thể tự khỏi trong vòng 2 tuần, nhưng bệnh cũng có thể có biến chứng nguy hiểm, đặc biệt diễn biến rất nhanh chỉ trong vòng vài giờ. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng nặng như sốc, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, thậm chí dẫn đến tử vong.

Tuy nhiên, nếu bảo đảm việc chăm sóc trẻ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ thì nguy cơ gặp phải các biến chứng của bệnh này sẽ rất thấp. “Bệnh tay chân miệng ở trẻ là một bệnh truyền nhiễm gây ra những biểu hiện nhẹ. Đối với bệnh này, không có phương pháp đặc trị nào. Cách điều trị bệnh tại nhà hữu hiệu nhất là chăm sóc cho bé thật tốt”- ông nói.

Theo bác sĩ, khi trẻ mắc bệnh, ngoài thuốc hạ sốt, gia đình nên cho bé uống nước thường xuyên để phòng ngừa tình trạng mất nước, súc miệng bằng các loại nước dành riêng cho người bị TCM hoặc nước muối pha loãng. Tắm rửa, vệ sinh nhẹ nhàng cho trẻ bằng nước sạch để tránh tình trạng nhiễm khuẩn lan rộng, ngoài ra, phải rửa tay thường xuyên, đúng cách. Đối với các vết loét, có thể bôi Xanh methylen giúp hạn chế tình trạng nhiễm trùng.

“Tuyệt đối không dùng aspirin cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.Vì Aspirin có thể gây ra hội dứng Reye ở trẻ em, một căn bệnh hiếm gặp nhưng có thể gây tử vong. Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế, để được tư vấn về cách chăm sóc, cách phát hiện triệu chứng nặng, qua đó đưa trẻ đến điều trị kịp thời. Không nên tìm hiểu trên mạng rồi tự ý dùng thuốc, có thể khiến bệnh của trẻ nặng thêm”- bác sĩ Điền nhấn mạnh.

Nổi mụn nước trên tay, chân là một trong những dấu hiệu dễ nhận biết bệnh tay chân miệng.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Bệnh TCM là bệnh rất phổ biến đối với trẻ nhỏ. Bệnh có thể lây trực tiếp thông qua đường tiêu hoá khi các bé ăn uống chung hoặc tiếp xúc với dịch tiết từ trẻ mắc bệnh hoặc lây gián tiếp qua bàn tay hoặc cầm, nắm vật dụng bị nhiễm virus (thường là đồ chơi, bàn ghế hay tay nắm cửa), sau đó trẻ vô tình cho tay vào miệng. Mặc dù là bệnh lành tính, xuất hiện quanh năm những đến nay vẫn chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh TCM. Mỗi lần trẻ nhiễm bệnh chỉ tạo ra kháng thể với một loại virus nhất định, trẻ có thể mắc bệnh trở lại nếu bị nhiễm virus khác thuộc nhóm Enterovirus. Do đó, chú trọng phòng bệnh trong cộng đồng là biện pháp tốt nhất để bảo vệ trẻ và gia đình. Trong tuần đầu tiên, kể từ khi xuất hiện các biểu hiện của bệnh TCM, bé sẽ rất dễ lây cho người khác. Tuy nhiên, virus vẫn có thể lây truyền trong vài tuần sau đó.

Hiện đang là thời điểm mưa, thời tiết thay đổi bất thường, trẻ cũng đang được ở nhà nghỉ hè, vì vậy, các cha mẹ cần lưu ý theo dõi sức khoẻ con em mình, tránh tiếp xúc nguồn bệnh. Bác sĩ Đặng Phước Điền khuyên, người lớn và trẻ em nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, cho trẻ ăn và trước khi gần trẻ. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

“Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Nếu trẻ mắc bệnh phải cách ly trẻ, đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán, điều trị kịp thời. Đặc biệt, không đưa trẻ đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10-14 ngày đầu của bệnh. Điều này sẽ chủ động phòng tránh bệnh TCM cho con em của mình”- bác sĩ Điền nhấn mạnh.

Ngọc Bích – Tâm Giang

Tin cùng chuyên mục