Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Phát hiện vật thể nghi là tàu ngầm Indonesia mất tích
Thứ sáu: 09:37 ngày 23/04/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Đội cứu hộ phát hiện vật thể có "từ tính cao" trôi nổi ở độ sâu 50-100 mét phía bắc Bali, nơi tàu ngầm chở 53 người biến mất.

Tham mưu trưởng hải quân Indonesia Yudo Margono hôm nay cho biết giới chức hy vọng vật thể không xác định chính là tàu ngầm KRI Nanggala-402 đang mất tích. Lực lượng cứu hộ đang đợi một tàu hải quân với các phương tiện dò tìm dưới nước đến khu vực này trước khi họ có thể xác định thêm.

Tuy nhiên, Hải quân trước đó nhận định tàu ngầm có thể đã chìm xuống 600-700 mét, sâu hơn nhiều so với độ sâu hoạt động tối đa của tàu.

Một tàu khảo sát hải dương học được trang bị khả năng dò tìm dưới nước cũng đang trên đường đến địa điểm phát hiện thấy vết dầu loang. Theo Margono, vết dầu loang có thể do thùng nhiên liệu trên tàu bị nứt sau khi tàu chìm.

Tàu ngầm KRI Nanggala rời quân cảng Surabaya trong ảnh được công bố hôm 21/4. Ảnh: Hải quân Indonesia.

Quân đội Indonesia cho biết hơn 20 tàu hải quân, 2 tàu ngầm và 5 máy bay đang tìm kiếm khu vực ghi nhận tín hiệu tàu ngầm lần cuối. Điều kiện thời tiết thuận lợi cho công tác tìm kiếm.

Theo Margono, thủy thủ đoàn tàu ngầm KRI Nanggala có đủ dưỡng khí cho đến 3h sáng 24/4, bởi lượng oxy dự trữ đủ dùng cho 72 giờ sau khi mất điện toàn tàu. Do đó, Indonesia đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm tàu ngầm.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo hôm qua lệnh cho quân đội và các cơ quan tìm kiếm cứu nạn dồn lực tìm KRI Nanggala. Malaysia, Singapore và Ấn Độ đã điều tàu tham gia tìm kiếm cùng Indonesia. Mỹ, Australia, Đức, Pháp, Nga, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc cũng đã đề nghị hỗ trợ.

Tàu ngầm KRI Nanggala chở 53 người liên lạc lần cuối với sở chỉ huy lúc 3h sáng 21/4 để xin phép lặn xuống biển tiến hành cuộc diễn tập phóng ngư lôi trên eo biển Bali nằm giữa đảo Java và Bali. Sau khi lặn xuống biển, con tàu mất liên lạc hoàn toàn từ 4h30.

Nhiều chuyên gia quân sự cảnh báo con tàu có thể đã bị phá hủy nếu chìm xuống vùng biển có độ sâu 600-700 m. Áp suất nước biển ở độ sâu 700 m cao gấp 70 lần áp suất khí quyển ở mặt biển, trong đó mỗi mét vuông vỏ tàu sẽ phải chịu lực ép hơn 720 tấn. Các tàu ngầm thông thường khi ở độ sâu này nhiều khả năng sẽ bị biến dạng vỏ, thậm chí bị ép nát nếu thân tàu gặp sự cố.

Tàu ngầm lớp Type 209 như KRI Langgala có thể hoạt động an toàn ở độ sâu 250 m. Một số chiếc có thể lặn sâu xuống 500 m trong thử nghiệm, đây được coi là độ sâu tối đa trước khi nó bị áp lực nước ép nát.

Theo Bộ Quốc phòng Đức, con tàu nặng 1.395 tấn được đóng tại Đức năm 1977 và gia nhập hạm đội Indonesia năm 1981. Nó đã trải qua quá trình sửa chữa hai năm tại Hàn Quốc và hoàn tất năm 2012.

Nguồn VNE

Tin cùng chuyên mục