Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Với việc cung cấp vốn ban đầu cho nông dân có điều kiện sản xuất, duy trì và phát triển mô hình, vươn lên thoát nghèo, Quỹ HTND trở thành điểm tựa, giúp cho trên 3.000 hội viên nông dân có công ăn việc làm, tạo thêm nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trao vốn Quỹ HTND cho hội viên nông dân phường Hiệp Ninh, TP. Tây Ninh.
Những năm qua, Quỹ Hỗ trợ nông dân (Quỹ HTND) các cấp đã góp phần thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp, tạo diện mạo mới cho nông thôn. Với việc cung cấp vốn ban đầu cho nông dân có điều kiện sản xuất, duy trì và phát triển mô hình, vươn lên thoát nghèo, Quỹ HTND trở thành điểm tựa, giúp cho trên 3.000 hội viên nông dân có công ăn việc làm, tạo thêm nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Phát triển nguồn vốn Quỹ HTND
Thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng vốn Quỹ HTND cấp trên giao, Hội Nông dân các cấp đã vận động các doanh nghiệp, mạnh thường quân, hội viên nông dân và nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ủng hộ Quỹ HTND. Đặc biệt, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh còn nhận được nguồn vốn uỷ thác từ ngân sách tỉnh, huyện tạo điều kiện cho hội viên nông dân có vốn sản xuất. Trong năm 2021, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã tăng trưởng nguồn vốn Quỹ HTND với khoảng 9,3 tỷ đồng, đạt 155% so với chỉ tiêu Trung ương giao.
Thực hiện Kết luận số 61-KL/TW ngày 3.12.2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 673/QĐ-TTg ngày 10.5.2011 của Thủ tướng Chính phủ, Hội Nông dân tỉnh và 9/9 huyện, thị xã, thành phố đã ký quy chế liên tịch với UBND cùng cấp.
Trong năm 2021, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh được ngân sách Tỉnh uỷ thác 5 tỷ đồng thông qua Đề án bổ sung vốn Quỹ HTND. Hội Nông dân cấp huyện, xã đã nỗ lực trong công tác tham mưu với UBND các cấp, tuy nhiên, do ngân sách địa phương còn khó khăn nên mức hỗ trợ cho Hội Nông dân cấp huyện chỉ đạt 500 triệu đồng, cấp xã chưa hỗ trợ tăng nguồn vốn Quỹ HTND. Ngoài ra, tại một số địa phương, lãnh đạo UBND xã đã giới thiệu các tổ chức, cá nhân ủng hộ Quỹ HTND.
Đến cuối tháng 10.2021, tổng nguồn vốn do ngân sách uỷ thác khoảng 19,4 tỷ đồng, trong đó, cấp tỉnh 17 tỷ đồng; cấp huyện trên 2,3 tỷ đồng (Hoà Thành, Dương Minh Châu, TP. Tây Ninh, Gò Dầu, Tân Châu, Bến Cầu, Châu Thành và Trảng Bàng); cấp xã 125 triệu đồng (11 xã).
Tổng nguồn vốn đến cuối tháng 10.2021 khoảng 65,3 tỷ đồng. Có 9/9 Hội Nông dân huyện, thị xã, thành phố xây dựng được Quỹ HTND. Trong đó, nguồn vốn đạt mức 1 tỷ đồng trở lên (huyện Dương Minh Châu); nguồn vốn từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng (TP. Tây Ninh, Hoà Thành, Tân Châu); 94/94 Hội Nông dân xã, phường, thị trấn xây dựng được nguồn vốn chuyển lên huyện quản lý gần 25 tỷ đồng.
Trong năm 2021, Quỹ HTND các cấp trong tỉnh đã thẩm định và giải ngân cho trên 1.800 hộ vay với tổng số tiền 32,6 tỷ đồng/107 dự án. Phương thức cho vay thực hiện theo mô hình dự án nhóm hộ. Nguồn vốn được đầu tư cho những hội viên nông dân có nhu cầu mua bán nhỏ lẻ, sản xuất kinh doanh hoa kiểng, trồng trọt (mãng cầu, cao su, thanh long ruột đỏ, ớt, lúa, mì, rau, bưởi da xanh); chăn nuôi (bò, dê, heo, gà), nuôi thuỷ sản (ba ba, cá lóc bông); làm các ngành nghề truyền thống (đan lát, sản xuất đồ gỗ).
Theo Hội Nông dân tỉnh, việc hỗ trợ vốn cho nông dân thông qua các dự án của Quỹ HTND đã mang lại quyền lợi thiết thực cho nông dân, giúp nông dân nhận thấy được những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về công tác giảm nghèo và làm giàu, chính sách đối với nông dân sống ở khu vực nông thôn, từ đó, tin tưởng tuyệt đối vào đường lối lãnh đạo của Đảng và thúc đẩy nhiều nông dân tự nguyện vào tổ chức Hội.
Trong năm 2021, các cấp Hội đã phát triển được 1.128 hội viên, tổng số hội viên hiện nay trên 108.000 hội viên. Ngoài ra, nguồn vốn vay đến với hội viên nông dân được các cấp chính quyền đánh giá cao, uy tín của Hội trong hệ thống chính trị ở cơ sở được nâng lên rõ nét.
Nông dân thị xã Hoà Thành phát triển sản xuất từ nguồn vốn vay tín dụng nông nghiệp, nông thôn.
Phối hợp nâng cao hiệu quả, chất lượng cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách
Năm 2021, Hội Nông dân tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phối hợp nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả, chất lượng cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; chỉ đạo huyện và cơ sở tập trung xử lý nợ quá hạn, thu hồi nợ đến hạn.
Tổng dư nợ đến cuối tháng 10.2021 đạt trên 1.300 tỷ đồng/gần 50.000 hộ (với 11 chương trình tín dụng), tăng khoảng 4,54% so với cuối năm 2020. Tổng số tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) do Hội Nông dân thành lập và quản lý là 1.221 tổ/49.821 thành viên tham gia.
Hội Nông dân các huyện, thành phố đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội và chính quyền địa phương thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ TK&VV. Kết quả đánh giá, xếp loại trong năm 2021, có 794 tổ xếp loại tốt; 278 tổ xếp loại khá; 128 tổ xếp loại trung bình; 21 tổ xếp loại yếu.
Định kỳ hai tháng/lần đối với cấp huyện, ba tháng/lần đối với cấp tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, huyện, thành phố đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức họp giao ban để kịp thời trao đổi thông tin và tình hình thực hiện công tác uỷ thác, từ đó, hai ngành có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực phát sinh, tạo điều kiện để vốn tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng thuận lợi nhất.
Thực hiện văn bản thoả thuận liên ngành giữa Hội Nông dân Việt Nam với Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam về việc triển khai thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9.6.2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 7.9.2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55, hai đơn vị đã ký ban hành Kế hoạch số 01/KHLT-HND-NH ngày 25.10.2016 về việc thực hiện thoả thuận liên ngành. Đến nay, 9/9 huyện, thành Hội đã ký kết phối hợp cho vay với Ngân hàng NN&PTNT và 94/94 xã, phường, thị trấn đều có dư nợ uỷ thác với Ngân hàng Nông nghiệp.
Hội Nông dân tỉnh đánh giá, thông qua nguồn vốn của Quỹ HTND cùng với sự kết hợp giữa Hội và Ngân hàng NN&PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đã đạt được một số hiệu quả nhất định về kinh tế, nhiều hộ nông dân được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên khá giàu, cải thiện được cuộc sống, từ đó tác động tích cực đến công tác Hội và các phong trào thi đua trong nông dân.
Nhiều hộ hội viên nông dân không những xoá được nghèo mà còn tạo thêm được nhiều việc làm cho lao động địa phương. Đây chính là một trong những yếu tố khẳng định vai trò, vị trí của tổ chức Hội trong đời sống xã hội.
Các hộ nông dân vay vốn từ Quỹ HTND được các tổ bình xét công khai tại cơ sở, giúp cho bà con hiểu được ý nghĩa, trách nhiệm và quyền lợi của mình, từ đó, chí thú làm ăn, trả vốn, phí đúng thời hạn và rất tích cực trong việc ủng hộ lại nguồn vốn Quỹ sau mỗi đợt giải ngân.
Mặt khác, cho vay mô hình qua tổ vay vốn và tổ TK&VV đã tạo điều kiện cho công tác tín dụng của Ngân hàng NN&PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt được xã hội hoá, ngày càng có sự gắn bó mật thiết giữa người nông dân với cán bộ Hội, cán bộ ngân hàng, qua đó ngăn chặn, hạn chế được tình trạng cho vay nặng lãi, “cò tín dụng” ở nông thôn, giúp ổn định trật tự xã hội.
Bên cạnh các kết quả đạt được, công tác vận động Quỹ còn gặp khó khăn do tình hình dịch Covid- 19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của hội viên, nông dân; sự tăng trưởng vốn ở các đơn vị không đồng đều, không tương xứng với tiềm năng sẵn có của địa phương; việc hỗ trợ tăng nguồn vốn quỹ HTND từ ngân sách huyện, xã còn hạn chế. Bên cạnh đó, nhu cầu vốn của hội viên nông dân rất lớn mà nguồn vốn quỹ HTND còn hạn chế, do đó, rất cần sự quan tâm, tạo điều kiện của Hội cấp trên hỗ trợ thêm nguồn vốn để giải quyết cho nông dân vay.
Trong thời gian tới, Hội Nông dân các cấp sẽ tiếp tục tham mưu cấp uỷ, chính quyền địa phương bổ sung vốn Quỹ HTND từ ngân sách theo Quyết định số 673/QĐ-TTg ngày 10.5.2011 của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường quán triệt mục đích, ý nghĩa của Quỹ HTND để nâng cao nhận thức cho hội viên, nông dân, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận động tăng trưởng nguồn vốn Quỹ HTND; thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, kịp thời khắc phục những hạn chế và có giải pháp chỉ đạo sâu sát hơn.
Phối hợp với Ngân hàng NN&PTNT thực hiện tốt chương trình liên tịch, văn bản thoả thuận, kiểm tra việc thực hiện Nghị định 55/2015/NĐ-CP và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ đối với các huyện, thị xã, thành phố; tập trung thu hồi, xử lý nợ xấu, nợ tồn đọng, phấn đấu giữ tỷ lệ nợ xấu luôn dưới mức 1%.
Trong công tác phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội, giảm tỷ lệ nợ quá hạn, xử lý tốt nợ đến hạn, không để nợ quá hạn tăng đột biến (phối hợp xử lý nợ quá hạn dưới hoặc bằng 0,2%); tăng cường công tác vận động thu tiết kiệm đối với hộ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội; phấn đấu tăng tổ xếp loại tốt, khá, giảm tổ trung bình, không có tổ yếu. Đồng thời, tiếp tục triển khai công tác phối hợp đồng bộ với Ngân hàng Bưu điện Liên Việt tại 9/9 huyện, thị xã thành phố, 94/94 xã, phường, thị trấn.
Trong năm 2021, Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh phối hợp thẩm định và giải ngân cho 17.270 thành viên với tổng số tiền khoảng 1.739 tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay qua tổ vay vốn do Hội Nông dân quản lý đến cuối tháng 10.2021 khoảng 2.364 tỷ đồng với trên 28.000 hộ vay/1.080 tổ; dư nợ tăng 2,41% so với cuối năm 2020.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh còn phối hợp với Ngân hàng Bưu điện Liên Việt trong thực hiện chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn: cho nông dân vay vốn được 760 hộ, số tiền vay khoảng 191,5 tỷ đồng; dư nợ tăng 26,77% so với cuối năm 2020 do mở rộng đối tượng vay và nhiều hộ được vay với mức vay cao hơn trước.
Trúc Ly