Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Báo Tây Ninh
Phát huy hiệu quả hệ thống đê bao sản xuất nông nghiệp
Thứ tư: 18:19 ngày 06/11/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sông Vàm Cỏ Đông chảy qua địa bàn tỉnh Tây Ninh với chiều dài 105 km, đóng vai trò rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, vận chuyển hàng hoá bằng giao thông đường thuỷ.

Tuy nhiên, hằng năm, vào mùa nước nổi, nhiều vùng đất ven sông có địa hình thấp, nước lũ lên nhanh ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân. Nhằm thích ứng với những biến đổi của khí hậu trong những năm gần đây, ngành Nông nghiệp từng bước đầu tư xây dựng hệ thống đê bao kết hợp làm đường giao thông nông thôn, vừa giúp bảo vệ các vùng sản xuất nông nghiệp, vừa góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong việc đi lại, vận chuyển, lưu thông hàng hoá, nông sản, làm thay đổi bộ mặt nông thôn.

Một tuyến đê bao tại ấp Phước Trung được đầu tư làm đường giao thông nông thôn.

Phước Chỉ là một trong hai xã vùng biên giới phía Tây của thị xã Trảng Bàng, phần lớn diện tích có địa hình thấp, kênh rạch chằng chịt, nên việc lưu thông đi lại của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, mùa lũ hằng năm thường kéo dài vài tháng, nhiều diện tích đất chìm trong biển nước, ảnh hưởng đến việc canh tác nông nghiệp. Để khắc phục những khó khăn do lũ gây ra, từ năm 2002, ngành Nông nghiệp đã đầu tư xây dựng hệ thống đê bao nhằm bảo vệ các vùng sản xuất nông nghiệp vừa kết hợp làm đường giao thông đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hoá của người dân xã Phước Chỉ.

Trước đó, vào năm 2000, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã đã xây dựng thí điểm 987m đê bao ngăn nước lũ cho khoảng 7 ha tại ấp Phước Long. Nhờ công trình đê bao, bà con nông dân trong vùng đã chủ động được thời gian xuống giống, không còn phụ thuộc vào con nước, bảo đảm 3 vụ sản xuất ổn định, nâng năng suất từ 10 tấn/năm lên 14 tấn/năm. Nông dân phát triển thêm mô hình sản xuất mới là nuôi cá trong ao và nuôi cá trên ruộng lúa. Bên cạnh đó, tuyến đê bao còn là hệ thống giao thông nội đồng, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hoá, nông sản, tránh bị thương lái lấy cớ ép giá.

Chính từ hiệu quả đạt được đó đã thúc đẩy người dân các ấp ven sông còn lại của xã cùng nhau tự nguyện đóng góp công sức, đất đai cùng với Nhà nước đầu tư thêm nhiều tuyến đê bao. Hiện nay, cả xã Phước Chỉ có 9 tuyến đê bao được đầu tư, kết hợp làm 21 tuyến đường trục chính nội đồng gần 37 km, và 8 tuyến đường trục ấp, liên ấp với chiều dài 6,34km được cứng hoá, đáp ứng yêu cầu sản xuất và vận chuyển hàng hoá. Cuộc sống người dân dần ổn định, thu nhập cao hơn, không còn lo chạy lũ, bà con an tâm hơn trong đầu tư phát triển sản xuất.

Nông dân Phước Chỉ thu hoạch lúa.

Ông Ngô Văn Bình- Phó Chủ tịch UBND xã Phước Chỉ cho biết, nhờ có hệ thống đê bao, nông dân trên địa bàn xã không còn bị lệ thuộc vào con nước (triều cường tự nhiên), nhiều diện tích đất thấp, trũng ven sông Vàm Cỏ Đông tăng được số vụ sản xuất lúa từ một vụ lên hai, ba vụ mỗi năm.

Nhiều hộ đã áp dụng mô hình nuôi cá kết hợp sản xuất lúa nâng cao thu nhập, nhiều tuyến đê bao trở thành đường giao thông nội đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và vận chuyển nông sản không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất mà còn nâng cao năng suất lúa, tăng hệ số sử dụng đất, đạt mức 103 triệu đồng/ha/năm.

Hiện địa phương vẫn còn thiếu khoảng 25 km đê bao chưa hoàn thiện, dẫn đến việc một số vùng sản xuất vẫn đối mặt với nguy cơ ngập lụt. Do nguồn lực đóng góp từ người dân còn hạn chế, thị xã Trảng Bàng đã kiến nghị tỉnh tiếp tục đầu tư để hoàn thiện hệ thống đê bao, giúp bảo vệ toàn diện hơn cho các khu vực ven sông, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Ông Trần Hoàng Ân- Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Phước Hoà cho biết, HTX có hơn 100 thành viên, với tổng diện tích sản xuất gần 250 ha lúa. Hầu hết diện tích đất sản xuất của HTX đều nằm trong hệ thống đê bao các tiểu vùng của xã.

Hệ thống đê bao vừa có tác dụng ngăn lũ sớm vừa là đường giao thông giúp cho việc đi lại, vận chuyển lúa, vật tư nông nghiệp đến tận ruộng, con em của người dân các ấp ven sông được đến trường an toàn hơn, đời sống người dân phát triển.

Theo ông Cao Ngọc Điệp, ngụ ấp Phước Trung, trước khi có đê bao, vào mùa mưa, tình trạng ngập lụt diễn ra thường xuyên, có năm lũ rút muộn, làm trễ thời vụ, diễn biến sâu rầy nhiều, ảnh hưởng đến năng suất lúa. Nhưng từ khi có hệ thống đê bao bảo vệ, nông dân có thể tăng vụ sản xuất, giảm đáng kể chi phí vận chuyển, giúp thu nhập của nông dân cải thiện rõ rệt.

Theo Phòng Kinh tế thị xã Trảng Bàng, địa phương hiện có hơn 26.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó vùng ven sông Vàm Cỏ Đông chiếm khoảng 7.000 ha, chủ yếu trồng lúa. Hệ thống đê bao đáp ứng khoảng 60% nhu cầu sản xuất nông nghiệp cho các vùng ven sông này.

Ông Nguyễn Phước Nhiên- Trưởng Phòng Kinh tế Thị xã cho biết: “Thị xã Trảng Bàng đang hướng đến phát triển vùng nông nghiệp công nghệ cao, với mục tiêu xây dựng vùng lúa chất lượng cao trên diện tích khoảng 200 ha. Hệ thống đê bao chính là nền tảng vững chắc để bảo đảm cho sự phát triển này”.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến nay, tỉnh đã hoàn thiện 24 tuyến đê với tổng chiều dài 82,844km, bảo vệ khoảng 2.709 ha đất sản xuất nông nghiệp. Xã Phước Chỉ là một trong những khu vực sản xuất nông nghiệp được đầu tư hệ thống đê bao giúp người dân yên tâm sản xuất, mở rộng diện tích trồng lúa và phát triển các loại cây trồng khác. Hệ thống đê bao giúp vùng đất ven sông trước kia thường xuyên ngập lụt trở thành những cánh đồng màu mỡ, xanh tươi quanh năm.

Bên cạnh đó, các tuyến đê bao vừa kết hợp làm hạ tầng giao thông mở ra nhiều cơ hội phát triển cho người dân, từ việc tăng năng suất lúa đến việc đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi, từng bước nâng cao giá trị nông sản.

Nhìn chung, hệ thống đê bao ven sông Vàm Cỏ Đông đã và đang chứng minh vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và phát triển vùng sản xuất nông nghiệp. Sự đầu tư kịp thời không chỉ giúp nâng cao đời sống người dân mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời giữ vững an ninh lương thực và ổn định sản xuất trước những biến động của thời tiết.

Thiện Đức

Tin cùng chuyên mục