Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách
Thứ sáu: 12:48 ngày 23/08/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Vốn tín dụng chính sách đã góp phần thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đề ra; tập trung phát triển nguồn nhân lực, giảm nghèo bền vững; bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới; ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Giải ngân vốn cho người dân ở xã Trường Hoà (ảnh Trúc Ly)

Từng là một hộ nghèo, thiếu phương tiện, thiếu vốn sản xuất, năm 2012, ông Hà Văn Mãnh, ngụ tại ấp Bình Lương, xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi dành cho hộ nghèo từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH). Nhờ đó mà ông Mãnh có vốn đầu tư chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp, thoát  nghèo, có cuộc sống ổn định.

Là một hộ dân làm nghề mộc, ông Đỗ Ngọc Hải, ngụ phường IV chia sẻ: “Nghề tiểu thủ công nghiệp rất cần vốn. Trong đó, nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội có lãi suất thấp, giúp nhiều hộ  gia đình phát triển kinh tế”.

Hiện nay, với hơn 20 chương trình tín dụng chính sách ưu đãi dành cho hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội đã được khơi thông, trở thành nguồn lực quan trọng trong công tác giảm nghèo, là “điểm tựa” cho nhiều gia đình ổn định kinh tế và thực hiện các tiêu chí thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

Theo Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Hoà Thành, trong 5 năm qua, vốn tín dụng ưu đãi đã giúp cho hơn 4.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn tạo sinh kế vươn lên thoát nghèo; gần 1.300 lượt học sinh sinh viên được vay vốn đến trường; gần 11.000 lượt hộ gia đình được vay vốn nước sạch và vệ sinh môi trường để nâng cao chất lượng sinh hoạt; hỗ trợ, tạo việc làm cho hơn 2.500 lao động có việc làm ổn định, nâng cao cuộc sống. 

Chị Phan Thị Minh Nguyệt (sinh năm 1976, ngụ ấp Trường Thọ, xã Trường Hoà) thuộc diện đối tượng hộ cận nghèo của xã. Chị được xét cho vay số tiền 50 triệu đồng. Có vốn, chị thuê mặt bằng mở một tiệm may, chuyên may áo dài và đồ công sở. Đến nay, chị đã có một lượng khách hàng ổn định, cuộc sống gia đình so với trước đây đã được cải thiện rất nhiều, bình quân thu nhập khoảng 7 triệu đồng/tháng. 

Chị Nguyệt chia sẻ: “Đây là nguồn vốn hỗ trợ rất nhiều cho người dân. Lãi suất của Ngân hàng CSXH thấp, điều kiện trả hằng tháng khá thuận lợi, chứ không áp lực nặng nề”. 

Ông Nguyễn Hữu Tài - Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Hoà cho biết, hiện nay, nguồn vốn CSXH đã trải rộng khắp các ấp trên địa bàn xã. Ngân hàng CSXH và các tổ chức đoàn thể phát huy vai trò cầu nối, đưa tín dụng ưu đãi đến với các hộ và các đối tượng chính sách khác, tạo động lực giúp xoá đói, giảm nghèo bền vững.

Từ năm 2014 đến hết tháng 6.2019, Hội Nông dân xã Trường Hoà đã bình xét trên 964 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn tín dụng ưu đãi, tổng dư nợ 17,9 tỷ đồng; tạo điều kiện cho hơn 80 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn đi học, 90 lao động có việc làm thông qua vay vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm; hỗ trợ 794 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; hoàn thành và đưa vào sử dụng 748 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn… “Chất lượng tín dụng ngày càng được nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn qua các năm ổn định. Đến tháng tháng 6.2019, Hội Nông dân xã Trường Hoà không có nợ quá hạn”- ông Tài cho biết thêm.

Tại huyện Hoà Thành, tính đến nay, nguồn vốn ngân sách huyện chuyển sang Ngân hàng CSXH được hơn 5 tỷ đồng để cho vay đối với các hộ dân trên địa bàn huyện chưa đạt tiêu chuẩn về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hỗ trợ vốn để tạo việc làm cho các đối tượng chưa có việc làm ổn định. 

Bà Nguyễn Thị Như Thuỳ - Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hoà Thành cho biết, trong năm 2018, UBND huyện đã uỷ thác nguồn vốn ngân sách huyện sang Ngân hàng CSXH là 1 tỷ 580 triệu đồng để cho vay các đối tượng là bộ đội xuất ngũ để sau khi xuất ngũ về địa phương có vốn phát triển sản xuất chăn nuôi, giúp cho các đối tượng học nghề lao động nông thôn có vốn đầu tư vào ngành nghề đã học. Đặc biệt, các đối tượng là người mãn hạn tù tái hoà nhập cộng đồng cũng là một trong những đối tượng được Ngân hàng CSXH cho vay vốn thông qua nguồn vốn ngân sách địa phương để họ có vốn làm ăn, vươn lên trong cuộc sống.

Hoạt động tín dụng chính sách xã hội của tỉnh trong giai đoạn 2014-2019 đã góp phần giúp 17.371 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho 15.146  lao động; giúp 11.057 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; xây dựng 166.008 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đề ra; tập trung phát triển nguồn nhân lực, giảm nghèo bền vững; bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới; ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Vũ Nguyệt - Trúc Ly

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục