Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông giai đoạn 2 (kiên cố hoá kênh chính, kênh cấp 1, 2, 3 và kênh tiêu). Hiện nay, các cơ quan có thẩm quyền thực hiện các bước tiếp theo để sớm triển khai dự án.
Hệ thống kênh nhánh trên địa bàn xã Long Phước, huyện Bến Cầu vừa được thi công.
Nhiều lợi ích trong lĩnh vực nông nghiệp
Giai đoạn 1 của Dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông đánh dấu một “mốc son” của ngành Nông nghiệp khi đưa nước từ hồ Dầu Tiếng vượt qua sông Vàm Cỏ Đông phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Bến Cầu và thị xã Trảng Bàng.
Quan trọng hơn, Dự án đã đáp ứng nguyện vọng của người dân hai địa phương trên hàng chục năm qua. Giai đoạn 1 đang triển khai và có địa phương đã hưởng lợi như xã Hảo Đước, huyện Châu Thành khi dự án đã cung cấp nước tưới cho vài trăm héc-ta đất sản xuất.
Tuy nhiên, để dự án phát huy tối đa hiệu quả, ngành nông nghiệp nói chung, ngành thuỷ lợi nói riêng còn nhiều việc phải làm để đưa được nguồn nước từ dự án này đến tận các cánh đồng nằm ở các xã vùng xa của các địa phương phục vụ người dân sản xuất, phát triển kinh tế.
UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông giai đoạn 2 (kiên cố hoá kênh chính, kênh cấp 1, 2, 3 và kênh tiêu) để ngành nông nghiệp tiếp tục có những động thái, những sự đầu tư khoa học, bài bản nhằm phát huy hiệu quả của công trình.
Dự án được kỳ vọng khi được triển khai sẽ mang lại lợi ích kinh tế - xã hội trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp cho người dân trong khu vực thực hiện dự án, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Việc đầu tư xây dựng mới dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông giai đoạn 2 (kiên cố hoá kênh chính, kênh cấp 1, 2, 3 và kênh tiêu) nhằm phát huy tối đa hiệu quả tưới, cấp nước tưới tự chảy cho 16.953 ha đất nông nghiệp. Đồng thời dự án còn thực hiện chức năng cấp nước cho công nghiệp, sinh hoạt và chăn nuôi với lưu lượng 1m3/s, thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nâng cao chất lượng đời sống người dân của địa phương khu vực thực hiện dự án.
Theo một cán bộ công tác trong lĩnh vực thuỷ lợi, việc kiên cố hoá kênh là điều cần thiết, bởi kênh được bê tông hoá sẽ hạn chế tối đa việc thất thoát nước so với kênh đất, hạn chế tình trạng hư hỏng bờ kênh vào mùa mưa bão và nâng cao sức đẩy của dòng chảy…
Mơ ước của người dân đã thành hiện thực
Ông Trần Văn Phước, sinh sống và canh tác nông nghiệp tại xã Long Phước, huyện Bến Cầu cho biết, việc canh tác nông nghiệp trước đây của người dân chủ yếu sử dụng nước giếng bơm nên rất vất vả, tốn kém chi phí, rồi phải phụ thuộc vào thời tiết bởi vào mùa khô, nước giếng không có để bơm.
Nhà nước đầu tư hệ thống kênh thuỷ lợi trên địa bàn, không chỉ ông Đức mà nhiều nông dân khác đều vui mừng, mong hệ thống kênh sớm hoàn thành để có nước phục vụ cho sản xuất, có thể tăng vụ trồng lúa hoặc trồng các loại hoa màu khác thuận lợi.
Ông Võ Văn Xì, ngụ xã Long Phước, huyện Bến Cầu phấn khởi vì hệ thống kênh thuỷ lợi đang thi công ngang ruộng ông cho biết: "Giờ cả cánh đồng đang mong chờ hệ thống hoàn thiện để được biết cảm giác dùng nước thuỷ lợi canh tác lúa. Mấy chục năm qua canh tác lúa nhưng cứ phụ thuộc vào nguồn nước giếng, giá thành sản xuất bị đội lên dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp. Sau này có nước thuỷ lợi, nông dân sẽ chủ động canh tác lúa 3 vụ/năm, rồi người dân sẽ hưởng lợi từ hệ thống kênh tự chảy để chủ động lấy nước ra, vào cánh đồng phù hợp, nâng cao năng suất".
Ông Trần Văn Phước, ông Trần Văn Xì cùng nhiều nông dân khác tại xã Long Phước, huyện Bến Cầu đều phấn khởi chờ đợi đến ngày họ được sử dụng nguồn nước thuỷ lợi hồ Dầu Tiếng để sản xuất, khơi dậy tiềm năng nông nghiệp mà bấy lâu nay bị hạn chế do thiếu nước. Ông Trần Văn Xì chia sẻ: "Nông dân canh tác lúa mà thiếu nước là vất vả lắm, nhưng nông dân phải bám ruộng để sống nên việc có nước đầy đủ canh tác là niềm vui rất lớn".
Ông Nguyễn Thành Văn- Phó Chủ tịch UBND xã Long Khánh, huyện Bến Cầu cho biết, việc Nhà nước đầu tư hệ thống thuỷ lợi vượt sông Vàm Cỏ Đông để đưa nước về tận các xã vùng sâu, vùng biên giới của các huyện Châu Thành, Bến Cầu nông dân rất phấn khởi.
Chỉ riêng tại địa bàn xã Long Khánh, vào mùa khô hằng năm, mạch nước ngầm bị cạn kiệt không bảo đảm cung cấp nước cho người dân sản xuất nông nghiệp, vì vậy khi thực hiện dự án, người dân rất mừng do chủ động được nguồn nước tưới. Phục vụ tốt cho các vùng chuyên canh của xã đã được quy hoạch như: cây công nghiệp; nông nghiệp chất lượng cao; cánh đồng mẫu lớn chuyên trồng lúa....
Ông Nguyễn Thành Văn cho biết thêm, chính quyền địa phương sẽ vận động người dân tự mở tuyến mương kiến vào đồng ruộng để phục vụ tưới tiêu. Người dân địa phương đã hiểu được lợi ích của việc nhà nước và nhân dân cùng làm khi xây dựng nông thôn mới vào năm 2015. Do đó, đối với công trình thuỷ lợi này, qua tìm hiểu tâm tư của người dân, người dân sẽ ủng hộ để làm mương kiến dẫn nước thuỷ lợi vào đồng ruộng.
Địa phương cũng mong muốn khi người dân tự làm mương kiến dẫn nước vào đồng ruộng, về lâu dài Nhà nước có thể xem xét để bê tông hoá hệ thống mương kiến nhằm tránh thất thoát nguồn tài nguyên nước, phát huy tối đa hiệu quả của dự án thuỷ lợi đưa nước vượt sông Vàm Cỏ Đông.
Tấn Hưng