Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Sự kiện Báo Dân Quyền, tiền thân của Báo Tây Ninh ngày nay, ra đời thể hiện nhận thức đúng đắn của lãnh đạo Đảng bộ tỉnh về chức năng, vai trò của báo chí cách mạng trong việc cổ động, hướng dẫn, tổ chức quần chúng tham gia kháng chiến, ủng hộ kháng chiến giành lại độc lập dân tộc.
Nguyên Tổng biên tập Báo Tây Ninh Văn Công Cảnh (bên phải) phỏng vấn nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010-2015. Ảnh: Đặng Hoàng Thái
Ngày 21.6 năm nay, người làm báo vinh dự, tự hào kỷ niệm 95 năm báo chí cách mạng Việt Nam ra đời. Tuy rằng báo chí đã theo chân thực dân Pháp đến nước ta từ 60 năm trước đó, nhưng bản chất chỉ là công cụ phục vụ kẻ xâm lược kìm kẹp về mặt tinh thần để dễ bề đô hộ dân tộc ta, đất nước ta.
Cho đến ngày 21.6.1925, khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cho ra mắt Báo Thanh niên bằng chữ quốc ngữ để làm tài liệu tuyên truyền, giáo dục những thanh niên yêu nước trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội), tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam, với mục đích làm báo được xác định: “Dù viết đông tây, kim cổ, trong nước hay ngoài nước, xét cho cùng đều quy tụ vào những điểm sau: Học tập kinh nghiệm lịch sử làm thế nào để đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi triệt để, giải phóng dân tộc và xây dựng lại đất nước giàu mạnh; phải có một đảng cách mạng chân chính, có học thuyết Marx-Lenin soi đường” (theo sách Tìm hiểu lịch sử báo chí Việt Nam của tác giả Hồng Chương). Từ đó, dòng báo chí cách mạng Việt Nam được khai sinh và trở thành tiếng nói yêu nước chân chính của dân tộc ta, đất nước ta cho đến ngày nay.
Tại Tây Ninh, nhiều tài liệu lịch sử còn lưu lại cho biết, khi thực dân Pháp tiến chiếm Tây Ninh năm 1866, dân số trong tỉnh mới có khoảng 11.000 người, và khi quân dân ta khởi nghĩa giành lại độc lập dân tộc trong Cách mạng tháng Tám 1945, dân số tỉnh Tây Ninh đã lên đến 200.000 người.
Suốt 80 năm ấy, toàn tỉnh ngoài 3 trường tiểu học, 1 trường ở Thị xã và 2 trường ở Trảng Bàng, Gò Dầu thì không có một thiết chế văn hoá nào. Rõ ràng với chính sách ngu dân để dễ bề cai trị, bóc lột thuộc địa, chính quyền thuộc Pháp không hề chăm lo đến đời sống văn hoá tinh thần của người dân. Có rất ít người được đi học, dù chỉ ở bậc học vỡ lòng, phần lớn dân cư không biết chữ, đọc báo cũng không được nói chi đến viết báo, làm báo.
Vậy mà chỉ sau một năm từ khi quân dân Tây Ninh đứng lên kháng chiến, quyết không để thực dân Pháp cai trị nước ta lần thứ hai, Tỉnh uỷ đã giao nhiệm vụ cho Ban Tuyên truyền tỉnh cho ra đời tờ báo Dân Quyền vào tháng 10 năm 1946 để làm phương tiện tuyên truyền, vận động toàn dân kháng chiến chống giặc, cứu nước.
Ban đầu, Báo Dân Quyền chỉ được in thô sơ bằng cách in bột, in đất sét, sau đó ngày càng lớn mạnh báo được in bằng công nghệ in typo (in chữ chì), chất lượng không kém báo in ở Sài Gòn.
Sự kiện Báo Dân Quyền, tiền thân của Báo Tây Ninh ngày nay, ra đời thể hiện nhận thức đúng đắn của lãnh đạo Đảng bộ tỉnh về chức năng, vai trò của báo chí cách mạng trong việc cổ động, hướng dẫn, tổ chức quần chúng tham gia kháng chiến, ủng hộ kháng chiến giành lại độc lập dân tộc.
Sau kháng chiến chống Pháp, đến kháng chiến chống Mỹ, tờ báo cách mạng của Đảng bộ tỉnh được tái bản sau khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam được thành lập trên địa bàn tỉnh Tây Ninh và được mang tên báo Giải phóng.
Với kinh nghiệm của những người làm báo Dân Quyền từ thời kháng Pháp, cùng với các thanh niên học sinh từ vùng đô thị bị địch tạm chiếm thoát ly ra chiến khu tham gia đội ngũ làm báo kháng chiến, tờ báo Giải phóng của Đảng bộ tỉnh Tây Ninh được xuất bản, phát hành thường xuyên vẫn bằng cách in typo sạch, đẹp đã thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền cổ động quần chúng trong tỉnh hăng hái tham gia, hoạt động kháng chiến cho đến ngày toàn thắng 30.4.1975.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, toàn dân, toàn quân Tây Ninh dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền tỉnh luôn tích cực, hăng say lao động sản xuất phát triển kinh tế, ổn định xã hội, đưa tỉnh nhà đi lên công nghiệp hoá, hiện đại hoá góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.
Trong thời bình, với nhiệm vụ chính trị được giao của cơ quan báo chí cách mạng, Báo Tây Ninh không ngừng lớn mạnh, trưởng thành. Được sự quan tâm của Tỉnh uỷ, cơ quan báo chí được nâng cao vị trí, vai trò- từ một bộ phận của Ban Tuyên huấn thời kháng chiến (Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ ngày nay) lên thành cơ quan truyền thông chính thống, trực thuộc Tỉnh uỷ.
Với tư cách “Tiếng nói của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Tây Ninh”, Báo Tây Ninh đã ra sức phấn đấu thực hiện nhiệm vụ chính trị làm cầu nối giữa Đảng bộ, Chính quyền tỉnh với Nhân dân; đưa chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với Nhân dân và phản ánh tâm tư, nguyện vọng Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Hoạt động thông tin của Báo Tây Ninh đã gặt hái nhiều kết quả suốt 45 năm từ ngày giải phóng cho đến nay.
Tất cả những nỗ lực cải tiến, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Báo Tây Ninh trong thời kỳ đổi mới được lãnh đạo Đảng bộ, Chính quyền tỉnh đánh giá cao. Trong báo cáo 10 năm thực hiện Chỉ thị 22/CT-TW ngày 31.3.1992 của Ban Bí thư Trung ương của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Tây Ninh năm 2002 có đánh giá: “Thực hiện Luật Báo chí và Chỉ thị 22/CT-TW của Ban Bí thư “Về tăng cường sự lãnh đạo và quản lý nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác báo chí, xuất bản”, hoạt động báo chí xuất bản trên địa bàn tỉnh có nhiều tiến bộ và đạt được những kết quả đáng kể”.
Về kết quả hoạt động của Báo Tây Ninh được nêu trong sách Lịch sử Đảng bộ Tây Ninh 1930-2005 do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia ấn hành năm 2010 (trang 563-564): “Báo Tây Ninh được củng cố, hoàn thiện; được Vụ Báo chí Bộ Văn hoá-Thông tin đánh giá là tờ báo có nội dung khá phong phú, đúng tôn chỉ mục đích theo tinh thần Chỉ thị 08-CT/TW của Ban Bí thư”.
Bước sang thế kỷ 21, thế kỷ của “thời đại thông tin”, cũng là giai đoạn đất nước ta mở cửa hội nhập sâu với thế giới. Những năm gần đây, với sự phát triển vũ bão của công nghệ thông tin, cùng với các loại hình báo chí truyền thống, bao gồm cả ấn bản điện tử gọi là “báo online”, trên mạng internet toàn cầu còn xuất hiện loại hình thông tin gọi là “truyền thông xã hội” mà mỗi người sử dụng điện thoại cầm tay có kết nối internet, có địa chỉ mạng xã hội “miễn phí” là có thể tự do “xuất bản” những bản tin, những đoạn video clip thông tin thật có, giả có, rất khó quản lý; đồng thời, trong đó cũng có những kẻ xấu lợi dụng mạng xã hội để chống phá nước ta.
Bên cạnh đó, khi đất nước đổi mới kinh tế, hình thành và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì hoạt động báo chí, truyền thông cũng chuyển hướng xuất bản ấn loát phẩm (báo in) theo lối sản xuất sản phẩm hàng hoá, dịch vụ.
Nghĩa là sản phẩm tinh thần của người làm báo cách mạng dần dần cũng gần trở thành một loại hàng hoá, muốn tiêu thụ được phải “thuận mua vừa bán”. Bối cảnh đó làm nảy sinh tình trạng báo chí phát triển tràn lan, cạnh tranh nhau ráo riết, khiến ngành chức năng rất khó quản lý.
Trước tình hình đó, đội ngũ làm báo Tây Ninh vẫn giữ vững quan điểm phục vụ chính trị, trung thành với tôn chỉ mục đích của báo chí cách mạng. Nhiều năm qua, tờ báo Đảng của tỉnh hiếm khi xảy ra sai sót nghiêm trọng, tác hại lợi ích chung và uy tín, thanh danh tờ báo của Đảng bộ mang tên quê hương Tây Ninh.
Đây chính là hiệu quả chính trị, hiệu quả xã hội của sự quan tâm đầu tư cho Báo Tây Ninh về mọi mặt. Điều đó ghi nhận sự đóng góp nhất định của cơ quan truyền thông của tỉnh vào sự ổn định chính trị, xã hội, phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh quốc phòng của tỉnh.
Đoàn nhà báo Campuchia thăm Báo Tây Ninh năm 2006. Ảnh: Đ.H.T
Trong tình hình báo chí cả nước hiện nay còn nhiều bất cập do tác động của kinh tế thị trường, cũng như còn có kẽ hở trong công tác quản lý báo chí, yêu cầu sắp xếp lại “đội hình” báo chí trong nước vẫn là điều cần thiết.
Tuy nhiên, yêu cầu bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, vai trò của báo chí cách mạng quan trọng không thể xem nhẹ. Đối với Báo Tây Ninh trong những năm gần đây, Đảng bộ, Chính quyền tỉnh vận dụng sáng tạo việc quản lý đầu tư phát triển cho tờ báo bằng cách “đặt mua báo” thông qua Hội đồng nhân dân tỉnh phê chuẩn dự toán ngân sách hằng năm để mua báo Tây Ninh cung cấp cho các xã, ấp, tổ tự quản trong toàn tỉnh. Mà đã “đặt hàng”, tức là “bên mua” đặt ra yêu cầu, “bên bán” phải bảo đảm chất lượng sản phẩm hàng hoá thoả mãn nhu cầu khách hàng.
Như vậy, việc “chính quyền đặt mua báo” hoàn toàn khác về bản chất với tình trạng bao cấp tràn lan, không hiệu quả, và đòi hỏi Báo Tây Ninh phải không ngừng bảo đảm chất lượng, nâng cao chất lượng thông tin trên báo. Kết quả của phương thức đầu tư này những năm qua là Báo Tây Ninh ổn định số lượng phát hành báo hàng đầu trong hàng ngũ báo đảng bộ tỉnh trên toàn quốc: 15.000 bản/kỳ phát hành (Báo Tây Ninh xuất bản 4 kỳ/tuần).
Mối “quan hệ đặt hàng” này chính là sự quan tâm lãnh đạo, hỗ trợ, tạo điều kiện của lãnh đạo Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Tây Ninh đối với Báo Tây Ninh, nhằm khích lệ Báo không ngừng phát triển, nâng cao chất lượng thông tin, không phụ lòng tin cậy của bạn đọc trao gửi cho Báo từ 74 năm qua. Những người làm Báo Tây Ninh nhất định không bao giờ quên điều đó.
Nguyễn Tấn Hùng