Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Phát huy truyền thống, hướng tới nền báo chí hiện đại
Thứ hai: 00:37 ngày 05/10/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nhằm thực hiện Chiến lược phát triển thông tin quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, định hướng đến năm 2025, 80% cơ quan báo chí vận hành theo mô hình hội tụ; Báo Tây Ninh sẽ xây dựng Ðề án “Xây dựng Báo Tây Ninh theo mô hình Toà soạn hội tụ”.

Báo Tây Ninh có bề dày truyền thống 74 năm, điều đó đã quá rõ, nhưng cũng có một điều không nhiều người biết, là mãi đến 30 năm sau khi phát hành số ra mắt- năm 1976, tờ báo mới chính thức có quyết định thành lập của cơ quan chủ quản, có giấy phép xuất bản của cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí, truyền thông, có toà soạn khang trang giữa lòng đô thị trung tâm của tỉnh nhà.

Nhà báo Võ Hữu Thành, nguyên Phó tổng Biên tập, một trong số rất ít người làm báo kháng chiến kể lại: sau ngày giải phóng quê hương 30.4.1975, đoàn quân chiến thắng về tiếp quản thị xã Tây Ninh, cơ quan nào của bộ máy chính quyền cách mạng cũng có cơ quan tương ứng của chế độ cũ để tiếp nhận, riêng Báo Tây Ninh thì không.

Bởi lẽ, tỉnh Tây Ninh thời chế độ cũ tạm chiếm không hề có cơ quan báo chí. Vì thế, đội ngũ làm báo cách mạng chưa có chỗ đứng chân. Ông Sáu Tâm- nhà báo Nguyễn Ðức Tâm, lúc này xem như là người đứng đầu cơ quan báo, quảy bòng đi rảo quanh Thị xã, đến ngã tư thấy có một toà nhà khá khang trang, có “tứ cận”: trước mặt là Toà án, một bên là nghĩa địa quân đội nguỵ, một bên là khám đường rồi tới quân y viện, sau lưng cũng là nhà tù! Hỏi thăm mới biết, toà nhà ấy là trụ sở Hội đồng tỉnh của chế độ cũ, nhưng do chính quyền quân quản chưa có tổ chức Hội đồng nhân dân nên không ai tiếp quản. Thế là cơ quan báo đến trú đóng tại đấy cho đến ngày nay. Không ngờ vị trí không ai cần đến ấy, lại là vị trí “đắc địa” nhất thành phố Tây Ninh bây giờ.

“Chỗ đứng” là như thế, còn nhân sự thì sao? Hai thế hệ làm báo thời kháng chiến gần như chỉ có vài người được đào tạo nghiệp vụ, tương đương trung cấp ngày nay. Ðó là các nhà báo Nguyễn Ðức Tâm, Võ Hữu Thành- thời chống Mỹ lần lượt được đi học khoá đào tạo cán bộ báo chí của Trung ương Cục miền Nam.

Thời ấy gọi là “đi học trên R”. Sau ngày đất nước thống nhất, hoà bình trọn vẹn, chính các nhà báo kháng chiến chuyển qua thời bình đã truyền lửa cho các thế hệ sau cháy mãi suốt 45 năm qua. Nhờ vậy cho đến nay, trong bối cảnh xã hội cơ chế thị trường, tờ báo chính thống của Ðảng bộ một tỉnh hơn 1,1 triệu dân vẫn đứng vững, giữ đúng định hướng, bám chắc tôn chỉ mục đích, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị do cơ quan chủ quản- Tỉnh uỷ Tây Ninh đề ra từ thuở ban đầu. 

Gần nửa thế kỷ qua có thể chia làm hai thời kỳ với hai thế hệ làm báo tương ứng: Thời kỳ bảo vệ - xây dựng quê hương 1975-1985 và thời kỳ đổi mới - phát triển đất nước. Trong giai đoạn này không ít khó khăn, “vừa chạy vừa xếp hàng”, để từng bước nâng trình độ, bản lĩnh nghề nghiệp, xứng đáng với vai trò cơ quan ngôn luận của Ðảng bộ tỉnh, diễn đàn của nhân dân.

10 năm đó, Báo luôn đồng hành với cán bộ, chiến sĩ LLVT bảo vệ biên cương, phên giậu phía Tây Nam Tổ quốc, giữ vững trật tự trị an nội địa và người dân trong tỉnh trên mặt trận khôi phục sản xuất bảo đảm an ninh lương thực, tạo ra nông sản hàng hoá, góp phần xây dựng kinh tế của tỉnh.

Sự kiện dài hơi, đáng nhớ nhất là suốt 5 năm 1980-1985, những người làm báo Tây Ninh luôn có mặt trên công trường để thông tin, phản ánh khí thế toàn dân làm thuỷ lợi, xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội là hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng, công trình thuỷ nông lớn nhất nước ta và cả khu vực Ðông Nam Á. Có thể nói “nhất cử, nhất động” trên đại công trường rộng khắp tỉnh, từ khi bắt đầu dọn dẹp mặt bằng, đắp đập, đào kênh, xây cầu, xây cống cho đến khi mở nước tưới mát đồng ruộng đều được phản ánh đầy đủ trên mặt báo.

Bước sang thời kỳ đổi mới, phát triển kinh tế xã hội tỉnh nhà từ năm 1986 đến nay, theo dòng thời sự, Báo Tây Ninh không ngừng “cập nhật” các mặt để theo kịp bước phát triển của tỉnh, của cả nước trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Từ “cập nhật” ở đây bao hàm cả ý nghĩa chủ quan là đội ngũ làm báo không ngừng học tập, rèn luyện nghiệp vụ chuyên môn để không bị “tụt hậu” quá xa, “thua chị, kém em” trong làng báo cả nước. Nhìn lại lực lượng báo Ðảng bộ địa phương, báo chí Tây Ninh đã thực hiện liên kết đào tạo nghiệp vụ bậc đại học đầu tiên ở các tỉnh phía Nam, rồi sau này lại mở thêm lớp đại học báo chí tại tỉnh nhà.

Ðồng thời, Báo Tây Ninh thực hiện tin học hoá công việc làm báo từ những năm đầu thập niên 1990, trở thành khách hàng thuê bao internet đầu tiên của Viễn thông Tây Ninh năm 1997. Cho đến nay, bên cạnh tờ báo truyền thống, xuất bản theo phương pháp ấn loát, phát hành; báo còn thực hiện ấn bản điện tử Tây Ninh online truyền “đến tay” bạn đọc qua “xa lộ thông tin” internet.

Trong giai đoạn đổi mới kinh tế, làng báo cả nước có một luồng gió mới thổi lên từ chuyên mục “Nói và làm” của tác giả N.V.L trên Báo Nhân Dân. Tác giả này chính là người đứng đầu của Ðảng ta thời bấy giờ: Ðồng chí Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư Ðảng Cộng sản Việt Nam.

Ngọn gió mới trong lành này đã nâng chất lượng thông tin của báo chí, đưa báo chí đi sâu hơn vào cuộc sống xã hội, soi sáng đến tận các góc khuất khi xã hội còn “tranh tối, tranh sáng” của cuộc đấu tranh mới - cũ.

Báo Tây Ninh cũng có nhiều cố gắng “nâng mình lên”, với nhiều bài viết đi sâu vào đời sống chính trị xã hội. Nhiều đề tài được khai thác trong những năm đầu đổi mới cho đến nay bạn đọc vẫn còn nhớ như các sự việc cải tạo công thương nghiệp ở một khu trung tâm thương mại lớn nhất tỉnh, việc mở rộng lộ giới các con “lộ bát quái” chung quanh chợ Long Hoa, mở rộng Khu du lịch núi Bà Ðen; hay các vụ án cô giáo Hứa Thị Ảnh ngược đãi trẻ em ở Bến Củi, Dương Minh Châu, thầy giáo Trần Thanh Liêm bị hành hung ở Hiệp Ninh, Hoà Thành (nay là thành phố Tây Ninh); những vụ án tham nhũng đất đai ở các nông, lâm trường cũ trên vùng Bắc Tây Ninh.vv…

Những loạt bài phản ánh các sự việc này đều được lưu trữ đầy đủ trong các tuyển tập tác phẩm báo chí do Báo Tây Ninh xuất bản trong các dịp kỷ niệm ngày truyền thống báo chí cách mạng của tỉnh.

Cố Tổng Biên tập Báo Tây Ninh Nguyễn Ðức Tâm cùng phóng viên, cộng tác viên Báo Tây Ninh trong dịp làm báo xuân. Ảnh tư liệu P.TK

Ðặc biệt, trong những năm gần đây, để tuyên truyền kịp thời chủ trương, đường lối của Ðảng, pháp luật của Nhà nước, các lãnh đạo Báo Tây Ninh qua các thời kỳ đã quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ kế cận không chỉ về chính trị mà còn thường xuyên nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, kiến thức các lĩnh vực để các phóng viên có thể đáp ứng nhiệm vụ tuyên truyền về chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh.

Báo Tây Ninh thường xuyên mở chuyên mục Xây dựng Ðảng, Theo gương Bác… tuyên truyền về công tác xây dựng Ðảng; học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thường xuyên có những bài viết về các ngành, các địa phương tích cực thực hiện, hoàn thành các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội mà nghị quyết của Ðảng bộ tỉnh đề ra.

Bên cạnh đó, các gương người tốt, việc tốt trong các phong trào thi đua yêu nước của tỉnh được Báo Tây Ninh chú trọng, tuyên truyền có hiệu quả, tạo động lực, khí thế cho toàn thể cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang, người lao động, nhân dân trong tỉnh hoàn thành nhiệm vụ được giao, lao động sản xuất đạt hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu của Ðảng bộ tỉnh.

Tuy nhiên, nhìn lại quá trình 74 năm truyền thống của tờ báo, Báo Tây Ninh cũng còn nhiều hạn chế cần khắc phục, trong đó có việc phần nào chưa đáp ứng kịp nhu cầu tiếp cận thông tin của người đọc- nhân dân Tây Ninh; chưa có nhiều bài viết để phản bác thông tin xấu độc.

Hiện nay, một số phóng viên trẻ chưa được đào tạo chuyên ngành báo chí nên chưa đủ “vốn liếng” cần thiết, kinh nghiệm tác nghiệp, kiến thức chuyên môn để khai thác sâu những đề tài chính trị, pháp luật, kinh tế, xã hội, khoa học, công nghệ của thời kỳ tăng tốc phát triển, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, cho nên từ đó chỉ có thể phản ánh “phơn phớt” bề ngoài các đề tài nóng bỏng, bức xúc của xã hội, bạn đọc quan tâm…

Nhằm thực hiện Chiến lược phát triển thông tin quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, định hướng đến năm 2025, 80% cơ quan báo chí vận hành theo mô hình hội tụ; Báo Tây Ninh sẽ xây dựng Ðề án “Xây dựng Báo Tây Ninh theo mô hình Toà soạn hội tụ”.

Mục tiêu đặt ra là, phát triển tờ báo theo hướng hiện đại, khai thác và tận dụng triệt để mọi nguồn lực, phù hợp với xu thế chung của báo chí; xây dựng môi trường làm việc truyền thông đa phương tiện; đào tạo, bồi dưỡng những nhà báo đa kỹ năng; nâng cao chất lượng hai ấn phẩm báo in, báo điện tử, tạo nên hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ, hiệu quả; thực hiện hiệu quả nhiệm vụ tuyên truyền, là tiếng nói của Ðảng bộ, chính quyền, nhân dân Tây Ninh, góp phần nâng vị thế tờ báo với bạn đọc trong và ngoài tỉnh.

Nguyễn Tấn Hùng

Tin cùng chuyên mục