Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Tưởng như không còn gì mới trên gò Cổ Lâm- một di tích khảo cổ học quốc gia, đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận từ tháng 12.1994.
Hình chim khắc trên đá.
Có nhận định trên là vì gò đã được các nhà khảo cổ học người Pháp phát hiện năm 1909, cách nay 115 năm. Năm ấy, chủ trì cuộc thám sát là H.Parmentier cho rằng, những kiến trúc xây gạch ở đây có thể là tàn tích của 2 ngôi đền tháp. Ông cũng tìm được các ngẫu tượng (linga và Yoni) cùng một số tượng tròn.
Đến năm 1990, các nhà khảo cổ TP. Hồ Chí Minh phối hợp Bảo tàng tỉnh tổ chức khai quật lớn trên gò, có sự tham gia của các chuyên gia Liên Xô (Liên bang Nga ngày nay). Đoàn khảo cổ đã phát hiện tới 6 phế tích kiến trúc xây gạch- có thể là 6 ngôi đền tháp.
Di tích được coi là di chỉ khảo cổ học lớn nhất trong số 11 di chỉ khảo cổ học có tại xã Thanh Điền. Ngoài tháp gạch, còn là các hiện vật: Linga, Yoni, thân và đế tượng cùng nhiều mảnh đá vỡ… Sau đó, vẫn có nhiều cuộc điều tra, thám sát diễn ra.
Ngày 5.1.2024, khi thăm lại di tích này, tổ đã phát hiện vài dấu tích lạ trên một phiến đá sa thạch vỡ. Lấy nước lau rửa sạch bụi đất bám trên mặt, trên mặt đá đen hiện ra một hình chim hầu như còn nguyên vẹn. Những đường cong mềm mại tả đuôi, cổ và cánh chim.
Cái đầu nhỏ vươn lên kiêu hãnh dường như có cả một cái mào con. Phiến đá có bề mặt gần vuông, mỗi chiều khoảng 35cm. Hình chim từ đầu tới đuôi dài khoảng 15cm, như kích thước thật của một chú chim chào mào ta thường bắt gặp.
Chim thú khắc trên đá, trong hang từ thời tiền sử vốn là chuyện không lạ với thế giới, nhất là ở các châu lục như Âu, Mỹ. Nhưng ở Việt Nam, đây có vẻ là chuyện lạ. Bởi điêu khắc ở các đền đài thường là hoa cúc, hoa sen hoặc các hoa văn trang trí. Vậy mà trên đá sa thạch gò Cổ Lâm lại có một chú chim “ngơ ngác” đứng một mình. Sự việc này cần được tìm hiểu kỹ hơn.
Rất mong ngành Văn hoá tỉnh quan tâm, trước hết là giữ gìn và bảo vệ phiến đá sa thạch vừa phát lộ. Niên đại đền tháp Cổ Lâm thì chúng ta đã biết. Đấy là vào thế kỷ thứ VIII, mà người ta hay gọi là giai đoạn “hậu Óc-eo”. Vậy là có thể con chim này đã tồn tại suốt 1.200 năm.
N.Q.V