Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Phát triển báo chí đa kênh, đa nền tảng để tiếp cận công chúng
Chủ nhật: 08:39 ngày 13/11/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Chiều 12.11, trong khuôn khổ hội nghị Nâng cao chất lượng báo Đảng toàn quốc do Báo Nhân Dân phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, Hội thảo “Phát triển báo chí đa kênh, đa nền tảng để tiếp cận công chúng” diễn ra với sự tham gia của nhiều nhà báo có tên tuổi.

Đại biểu dự hội thảo.

Đến dự có ông Nguyễn Trọng Nghĩa- Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.

Ông Nguyễn Bá- Tổng Biên tập Tạp chí Thông tin và Truyền thông chia sẻ quan điểm “độc giả ở đâu thì báo chí phải ở đấy”- đó là nguyên tắc đã được báo chí quốc tế khẳng định. Một trong những slogan gần đây của Báo Nhân Dân là “Ở đâu có nhân dân, ở đó có Báo Nhân Dân” - đó là một chiến lược quan trọng để tiếp cận, giữ độc giả để từ đó đưa thông tin của Đảng và Nhà nước đến với Nhân dân.

Người đọc đã và đang tiếp tục chuyển dịch từ các nền tảng truyền thống như báo in, truyền hình và cả báo điện tử lên các nền tảng mạng xã hội. Bạn đọc của hệ thống báo Đảng cũng không nằm ngoài xu thế đó. Vì thế, việc chuyển đổi, đưa nội dung của báo lên các nền tảng mạng xã hội là một việc cấp thiết để nhanh chóng làm chủ thông tin trên không gian mạng.

Ông Nguyễn Hồng Sâm- Tổng Giám đốc Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Tổng Biên tập Báo điện tử Chính phủ cho rằng, trong bối cảnh xã hội số, thông tin số ngày nay, công tác truyền thông về chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; truyền thông chính sách, phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống dịch bệnh ngày càng trở nên quan trọng, cấp thiết. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4, người làm truyền thông phải chủ động, tận dụng mạng xã hội.

Ở Việt Nam hiện nay, Trang Thông tin Chính phủ là một trong những điển hình sinh động nhất về tính hiệu quả, linh hoạt trong việc tận dụng mạng xã hội phục vụ truyền thông về đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước và chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…

Các trang mạng nước ngoài như fojo.se (Thuỵ Điển), reportingasean.net (được tài trợ bởi một tổ chức phi chính phủ nhằm nâng cao kỹ năng truyền thông hoạt động tại Philippines và châu Á – Thái Bình Dương) phân tích sâu về những mặt tích cực của Facebook Thông tin Chính phủ và việc Việt Nam sử dụng trang này như là một công cụ hữu ích để truyền thông phòng, chống dịch bệnh.

Trong gần 2 năm đại dịch Covid-19 (2020-2021), phóng viên nước ngoài gần như không thể vào Việt Nam. Vì thế, báo chí trong nước cùng với những nền tảng mạng xã hội, trong đó có trang “Thông tin Chính phủ” trên facebook đã đóng vai trò to lớn trong việc giúp cho cộng đồng quốc tế hiểu và trân trọng bản lĩnh, trí tuệ và thành tựu phát triển của Việt Nam dưới sự dẫn dắt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Đồng thời, tạo ra dư luận xã hội tốt trong nước về quan hệ hữu nghị của Việt Nam với bạn bè quốc tế, cho thấy vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Ông Sâm cũng cho rằng, việc chủ động tham gia mạng xã hội không chỉ đơn thuần là lập ra một trang fanpage đại diện cho cơ quan mình để truyền tải các nội dung. Việc chủ động tham gia mạng xã hội cũng cần lắng nghe “hơi thở, tiếng lòng của nhân dân”, những vấn đề mà người dân thực sự quan tâm, có ảnh hưởng sâu sát tới đời sống của họ, đồng thời cần tuyệt đối tránh khuynh hướng “lá cải”, “câu view”, hay “chạy theo” thị hiếu của một bộ phận công chúng…

Việc chủ động tham gia mạng xã hội cần sự an toàn, linh hoạt, nhạy bén, hiệu quả. Tuy nhiên, mạng xã hội không thể thay thế chức năng của báo chí. Báo chí vẫn là kênh không thể thay thế và luôn cần được chú trọng. Trong nhiều trường hợp, đây chính là nguồn gốc, “ngòi nổ” cho một số luồng thông tin trên mạng xã hội.

Bà Phan Thanh Phong– Vụ trưởng, Trưởng Ban Nhân Dân hàng tháng, Báo Nhân Dân cho biết, khi xu hướng số hoá phát triển mạnh, không chỉ các đài phát thanh mà hầu hết các cơ quan báo chí của Việt Nam hiện nay cũng đã và đang chuyển đổi sang công nghệ số. Nếu như 10 năm về trước, phát thanh chỉ được sử dụng trong các cơ quan báo chí phát thanh thì khoảng 5 năm trở lại đây, việc số hoá phát thanh được áp dụng rộng rãi.

Toạ đàm tại phiên thảo luận chủ đề 6: Phát triển báo chí đa kênh, đa nền tảng để tiếp cận công chúng.

Xu thế tiếp cận mới cũng đã buộc các cơ quan báo chí tìm những cách đi mới để tiếp cận và thu hút độc giả một cách nhanh nhất, nhiều nhất và hiệu quả nhất. Các nền tảng streamming trên mạng là đích đến của nhiều cơ quan báo chí, bắt đầu bằng các nền tảng nghe nhạc trực tuyến chất lượng cao với hàng triệu người dùng là một trong những cách thức nhiều cơ quan truyền thông lựa chọn để tiếp cận độc giả.

Nghe theo nhu cầu và có thể chủ động tương tác chính là bản chất của các nền tảng phát thanh số. Vì vậy, vấn đề là việc cơ quan báo chí cần tận dụng được những đặc điểm khác với phát thanh truyền thống đó để có tư duy sản phẩm phù hợp và tạo ra những sản phẩm đổi mới sáng tạo, chất lượng cao.

Muốn vậy, việc tất yếu là phải thăm dò nhu cầu và thị hiếu, chọn được đúng người dùng rồi thì phải lập quy trình để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, thậm chí có sự khác biệt rõ ràng so với các sản phẩm cùng thể loại, cùng phân khúc trên thị trường.

Sản phẩm đưa ra rồi thì phải nghĩ đến chuyện chăm sóc khách hàng để nắm bắt phản hồi của họ, tiếp tục cải thiện và cải tiến chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, phải nghĩ ra những sản phẩm sáng tạo mới, nhắm đến những khách hàng mới, chứ không thể chỉ bám lấy một sản phẩm, cho dù đạt được những thành công nhất định.

An Khang

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục