Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Phát triển các ngành dịch vụ gắn liền với chuyển đổi số
Thứ sáu: 23:41 ngày 04/11/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Phát triển ngành dịch vụ có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế. Để nâng cao hiệu quả đóng góp của ngành dịch vụ, tỉnh cần phát triển dịch vụ công nghệ cao, hình thành được các ngành dịch vụ mới trên cơ sở ứng dụng công nghệ số, nền tảng số.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hành Chính sách xã hội thị xã Hoà Thành.

Theo Báo cáo quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh định hướng phát triển toàn diện các ngành dịch vụ, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội của cả nước và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Hiện nay xu hướng phát triển trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng nhấn mạnh đến sự phát triển số khi các ngân hàng đã phát triển vượt qua khỏi giai đoạn đầu tư nhiều vào các cơ sở chi nhánh và máy ATM. Ngày nay, hạ tầng dành cho ngân hàng tập trung vào công nghệ số và công nghệ di động. Do đó, để hỗ trợ cho sự phát triển của mảng dịch vụ quan trọng này, tỉnh hướng đến các chính sách, bao gồm phát triển hạ tầng viễn thông đều khắp và tiếp tục thực hiện các chuyển đổi số quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước.

Đến năm 2025, tỉnh cơ bản hoàn thành xây dựng nền tảng, các mục tiêu của chính quyền điện tử và chuyển đổi số ở một số lĩnh vực quan trọng trên cả ba vấn đề: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; ưu tiên đẩy nhanh chuyển đổi số ở một số lĩnh vực: giáo dục, y tế, nông nghiệp, du lịch, giao thông.

Đến năm 2030, hạ tầng thông tin và truyền thông trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, phát triển ổn định và thịnh vượng, thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền, đáp ứng phương thức sống mới, làm việc mới trong một môi trường số an toàn, rộng khắp.

Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đích đến là sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Tương tác với người dân nhiều hơn, triển khai xây dựng đô thị thông minh, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số từ cấp thấp nhất là cấp xã, phấn đấu mỗi người dân có một điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình một đường cáp quang internet, mỗi hộ gia đình một địa chỉ số. Hoàn thiện hạ tầng 4G, phát triển hạ tầng 5G tại các khu công nghiệp, khu du lịch, khu trung tâm hành chính, kinh tế, xã hội của tỉnh, khu đô thị thông minh.

Cải thiện chất lượng giáo dục phổ thông để đào tạo lực lượng lao động có chất lượng. Lực lượng lao động tại chỗ tham gia thị trường lao động trong các ngành dịch vụ và sản xuất có yêu cầu về trình độ ngày càng cao. Phối hợp với các ngân hàng, công ty tài chính để tổ chức các chương trình giáo dục hướng đến công chúng nhiều độ tuổi khác nhau hướng dẫn về quản lý tài chính cá nhân, kiến thức về ứng dụng thanh toán và các kiến thức khác có liên quan đến tài chính - ngân hàng - bảo hiểm.

Thực hiện tốt quy hoạch đô thị để xây dựng môi trường sống thu hút nhà đầu tư, lực lượng lao động có chất lượng cao đến làm việc và sinh sống tại Tây Ninh. Lực lượng tư nhân này tham gia thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại Tây Ninh thông qua việc làm và nhu cầu dành cho các loại hàng hoá và dịch vụ khác ở phạm vi toàn tỉnh.

Hỗ trợ các quỹ tín dụng nhân dân tiếp cận các công cụ quản lý và thanh toán hiện đại ở phạm vi toàn tỉnh. Chính sách này có thể bao gồm phối hợp với các tỉnh, thành khác trong vùng Đông Nam bộ hoặc rộng hơn có cùng mối quan tâm để giảm chi phí đầu tư bản quyền và vận hành phần mềm, cho phép các quỹ tín dụng nhân dân chuyển đổi số thành công.

Đối với ngành dịch vụ bất động sản, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đi kèm với hoạt động chính là môi giới, sàn giao dịch, tư vấn, mua bán cho thuê, thuê lại, thuê mua bất động sản. Ngành dịch vụ này gắn liền với phát triển kinh tế và chịu ảnh hưởng lớn từ khu vực kinh tế tư nhân, đồng thời chịu tác động từ quá trình chuyển đổi số và các đặc điểm cụ thể của dân cư.

Do đó, định hướng phát triển chủ yếu của mảng dịch vụ kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh có thể bao gồm tiếp tục thực hiện các quy định nhà nước trong quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản.

Ngoài ra, tỉnh có thể thực hiện chính sách đặc thù bao gồm: Thực hiện tốt chiến lược phát triển Tây Ninh bền vững và tối ưu sử dụng đất thông qua chiến lược phân vùng công nghiệp, nông nghiệp và du lịch. Với chiến lược này, các khu vực phát triển khai thác triệt để quỹ đất phù hợp và khả năng thu hút nhà đầu tư, khách hàng trong phân khúc phù hợp.

Thực hiện tốt quy hoạch đô thị và tạo ra điểm nhấn quan trọng tại các đô thị, cộng đồng dân cư; chú trọng quy hoạch phát triển các mô hình phức hợp đô thị - công nghiệp, đô thị - dịch vụ nhằm gia tăng giá trị bất động sản nhà ở và thương mại.

Người dân làm thủ tục đất đai tại Một cửa thị xã Hoà Thành.

Đặc biệt, tỉnh thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý đất đai và địa chính theo Nghị quyết về chuyển đổi số Tây Ninh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động địa chính, quản lý xây dựng trên cơ sở ban hành kế hoạch Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển Chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2025; tăng cường tuyên truyền giải thích các chủ trương, pháp lý trong giao dịch kinh doanh bất động sản đến người dân, nhà môi giới, các công ty kinh doanh bất động sản và văn phòng công chứng.

Đối với ngành dịch vụ logistic, hiện doanh thu hoạt động kho bãi tăng dần trong những năm gần đây. Tỉnh đang lập quy hoạch chi tiết 1/500 Trung tâm logistics sông Sài Gòn nhằm khai thác tối đa lợi thế trung chuyển các luồng hàng hoá nội địa, xuất khẩu và quá cảnh của vùng TP. Hồ Chí Minh; kết nối hiệu quả các phương thức vận tải từ đường bộ sang đường thuỷ nội địa và đường hàng hải; tạo điều kiện khai thác hiệu quả luồng tuyến đường thuỷ nội địa trên sông Sài Gòn, giảm sức ép vận tải đường bộ. Việc hoàn thiện các cảng cạn (ICD) sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động lưu thông hàng hoá, đẩy mạnh hoạt động giao thương với các tỉnh trong vùng Đông Nam bộ.

Đối với ngành này, tỉnh cân nhắc các chính sách về đầu tư và hoàn thiện hạ tầng, quy hoạch đất đai, cải thiện thu hút nhà đầu tư dịch vụ kho bãi, logistics. Thực hiện quy hoạch giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030 khắc phục các điểm yếu về phát triển hạ tầng giao thông và hạ tầng phục vụ cho dịch vụ logistics, bao gồm các bến cảng, bến tập trung hàng hoá, kho. Đặc biệt các phương thức kết nối vận tải thuỷ bộ. Đầu tư vào các chương trình đào tạo nhân lực tại địa phương trong giai đoạn hiện nay đến năm 2025 và 2030 về quản lý nhà nước trong lĩnh vực logistics, có thể bao gồm hợp tác với các trường đại học ở TP. Hồ Chí Minh tổ chức các khoá học ngắn hạn và chương trình cao học từ xa.

Quy hoạch đất đai cần lưu ý cân nhắc quỹ đất dự trữ cho các diện tích kho bãi khai thác lợi thế giao thông quốc tế và liên vùng trong tương lai, khi sự hội nhập kinh tế của Việt Nam theo các thoả thuận mậu dịch phát triển cao, mở ra nhiều cơ hội phát triển cho Tây Ninh. Đặc biệt, tỉnh cần xây dựng và ban hành chính sách hấp dẫn thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics quan trọng có tính chiến lược ưu tiên như Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài. Trong bối cảnh quy mô nhập khẩu nông sản từ Campuchia ngày càng gia tăng, tỉnh có thuận lợi trong việc phát triển hoạt động logistics theo chuỗi dịch vụ từ giai đoạn tiền sản xuất cho đến đưa hàng hoá ra thị trường.

Nhi Trần

Tin cùng chuyên mục