Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Phát triển chuỗi công nghiệp - đô thị Mộc Bài - Thành phố Hồ Chí Minh gắn với hành lang kinh tế Xuyên Á
Thứ hai: 17:03 ngày 23/01/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Mộc Bài là Khu kinh tế cửa khẩu trên bộ lớn nhất cả nước, nằm trên trục đường Xuyên Á, tuyến hành lang phía Nam quan trọng của Tiểu vùng Mekong, kết nối Thành phố Hồ Chí Minh - Phnom Penh - Bangkok nên có độ mở giao thương lớn.

Các phương tiện chờ thông quan tại Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài. Ảnh: Lê Quân

Với những tiềm năng, thế mạnh, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài có đủ dư địa và các điều kiện cần thiết để xây dựng và phát triển theo mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ hiện đại, xanh, bền vững và đảm nhận vai trò động lực, điểm kết nối quan trọng vào quá trình thúc đẩy sự phát triển chung của vùng Đông Nam bộ, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Vùng Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Khi Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài phát triển sẽ tạo ra nguồn lực, động lực và tiềm lực kinh tế lớn, góp phần củng cố quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước trên tuyến biên giới phía Tây Nam.

Nhiều tiềm năng, lợi thế

Thực hiện Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 23.11.2022 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7.10.2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Tây Ninh đã có định hướng phát triển Chuỗi công nghiệp - đô thị Mộc Bài - Thành phố Hồ Chí Minh gắn với hành lang kinh tế Xuyên Á gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh.

Theo UBND tỉnh, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài có vai trò cửa ngõ có vị trí địa lý quan trọng về quốc phòng an ninh và đối ngoại, có tiềm năng và lợi thế lớn về kinh tế để trở thành giao điểm của trục giao thông quốc tế và quốc gia ở phía Tây Nam Tổ quốc.

Đây là cửa ngõ quan trọng kết nối, giao thương thương mại, trung chuyển hàng hoá, dịch vụ, du lịch với Vương quốc Campuchia; với Tổ chức Hợp tác các nước Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS), Tổ chức Hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam (CLMV), Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) với châu Á và quốc tế. Đồng thời, Mộc Bài còn có vị trí chiến lược trọng yếu về quốc phòng, an ninh của đất nước.

Kết quả nghiên cứu, phân tích, đánh giá cho thấy, tiềm năng, lợi thế của Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài thể hiện rõ bởi nhiều yếu tố rất riêng biệt và cần được khai thác phù hợp. Trước tiên là lợi thế về vị trí nằm trên hành lang kinh tế châu Á, quốc tế.

Mộc Bài là Khu kinh tế cửa khẩu trên bộ lớn nhất cả nước, nằm trên trục đường Xuyên Á, tuyến hành lang phía Nam quan trọng của Tiểu vùng Mekong, kết nối Thành phố Hồ Chí Minh - Phnom Penh - Bangkok nên có độ mở giao thương lớn. Vì vậy, Mộc Bài có thể trở thành điểm trung chuyển quan trọng kết nối chuỗi sản xuất giữa vùng Đông Nam bộ - Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài - Vương quốc Campuchia và GMS, châu Á và quốc tế trong bối cảnh Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đi vào thực hiện.

Các vị lãnh đạo, các nhà khoa học chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo về phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài tổ chức tại Tây Ninh vào tháng 8.2022

Mộc Bài còn có lợi thế “cửa mở” nằm trong vùng động lực tăng trưởng cao. Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - vùng kinh tế năng động, có tốc độ phát triển nhanh với đầu tàu kinh tế là Thành phố Hồ Chí Minh. Việc cảng Cái Mép - Thị Vải, sân bay Long Thành và Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài được đầu tư đồng bộ sẽ hình thành vùng tam giác, bộ ba cửa khẩu, cảng quan trọng hội đủ yếu tố “đường biển - đường hàng không - đường bộ” của vùng và khu vực.

Ngoài ra, tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài hình thành sẽ góp phần khẳng định, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, vai trò, tầm quan trọng của Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đối với sự phát triển của vùng Đông Nam bộ.

Một lợi thế khác của Mộc Bài là diện tích đủ lớn. Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài nằm trên địa bàn 6 xã và 1 thị trấn với tổng diện tích 21.284 ha, dư địa đất đai đủ lớn cho đầu tư phát triển, hội đủ điều kiện, cơ hội để phát triển theo mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ hiện đại, xanh, bền vững, mang tầm quốc tế.

Để tăng cường tính kết nối chặt chẽ với vùng Đông Nam bộ và Thành phố Hồ Chí Minh, thúc đẩy mạnh mẽ lợi thế liên kết, ngoài tuyến cao tốc Mộc Bài - Thành phố Hồ Chí Minh, trong tương lai có thể nghiên cứu hình thành đường sắt tốc độ cao Mộc Bài - Thành phố Hồ Chí Minh để tạo liên thông, kết nối đồng bộ hai nơi này, đặc biệt là với sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Long Thành, cảng Cái Mép - Thị Vải.

Hiện nay, Tây Ninh đang đề xuất các cơ quan Trung ương có liên quan sớm xúc tiến quy hoạch sân bay tại Tây Ninh - là cảng hàng không, sân bay dân dụng vệ tinh, giải toả áp lực cho sân bay Tân Sơn Nhất - Thành phố Hồ Chí Minh cũng như tạo sự kết nối quan trọng giữa Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen- là điểm đến hàng đầu của khu vực Đông Nam bộ và cả nước với các điểm du lịch trong nước và quốc tế cũng như góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại quốc gia.

Với các lợi thế, tiềm năng đó, Tây Ninh định hướng phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài theo mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ hiện đại, xanh, bền vững nhằm hiện thực hoá lợi thế kết nối trong nước và quốc tế. Để bảo đảm thành công trong xây dựng khu kinh tế “kiểu mới” ở Mộc Bài, Tây Ninh hoàn toàn có thể học hỏi và áp dụng kinh nghiệm quốc tế, bảo đảm sự đồng bộ hợp lý về kết nối chính sách, kết nối hạ tầng và kết nối doanh nghiệp; khả năng kết nối hạ tầng “cứng” và hạ tầng “mềm” (thị trường, thể chế, con người, tri thức và hội nhập quốc tế...).

Lễ chào cờ tại Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài. Ảnh: Huỳnh Thanh Liêm

Cần sớm khắc phục hạn chế, khó khăn

Cũng theo UBND tỉnh, bên cạnh tiềm năng, lợi thế, cơ hội lớn để phát triển, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài theo mô hình mới công nghiệp - đô thị - dịch vụ hiện đại, xanh, bền vững, cũng đặt ra những khó khăn, thách thức cần quan tâm như:

Trước hết là việc hoàn thiện và phát triển đồng bộ hạ tầng kết nối, nhất là hiện thực hoá và sớm hoàn thành tuyến cao tốc Mộc Bài - Thành phố Hồ Chí Minh - dự án giao thông quan trọng, huyết mạch mang tính chiến lược về kinh tế, đối ngoại, quốc phòng, an ninh của Vùng và quốc gia.

Công nhân làm việc tại Công ty Việt Nam - Mộc Bài. Ảnh: Vũ Nguyệt

Kế đến là cần có cơ chế, chính sách vượt trội để tạo đột phá phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài theo mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ hiện đại, xanh và bền vững - nhất là cơ chế chính sách vượt trội, đặc thù về chính sách đất đai, về phân cấp, uỷ quyền; về ưu đãi đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các doanh nghiệp hàng đầu, doanh nghiệp là hạt nhân của chuỗi sản xuất, phân phối.

Người dân làm thủ tục nhập cảnh tại Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài. Ảnh: Thiên Di

Bên cạnh đó, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài cũng cần được quan tâm thu hút và phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao; cần khẳng định và bảo đảm tính ổn định giữa quy hoạch và cơ chế chính sách.

Trong khuôn khổ hội nghị công bố Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 23.11.2022 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7.10.2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư Vùng do Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì diễn ra sáng 26.11.2022 tại Bà Rịa - Vũng Tàu, lãnh đạo tỉnh Tây Ninh có báo cáo tham luận về định hướng phát triển chuỗi công nghiệp - đô thị Mộc Bài.

 Theo đó, lãnh đạo tỉnh Tây Ninh quyết tâm tận dụng thời cơ, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức để khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương; tích cực chủ động tham gia quá trình thúc đẩy toàn diện liên kết vùng, quyết tâm cùng các tỉnh, thành phố trong Vùng Đông Nam bộ triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ.

“Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7.10.2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là Nghị quyết mang tính chiến lược, đặc biệt quan trọng, sẽ tạo ra cú hích, động lực mới quan trọng để vùng Đông Nam bộ khai thác tiềm năng, lợi thế; tạo đột phá, thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng Đông Nam bộ phát triển nhanh và bền vững; phát huy mạnh mẽ vai trò vùng kinh tế năng động, đầu tàu kinh tế quốc gia”- báo cáo tham luận nêu.

A.K

Tin cùng chuyên mục