Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Phát triển điểm bưu điện văn hoá xã thành cửa hàng tiện ích
Thứ năm: 16:10 ngày 12/10/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Mấy năm gần đây, các điểm bưu điện văn hoá xã (BÐVHX) không còn thu hút người dân đến truy cập internet hay đọc sách, báo như trước. Bởi, internet phát triển mạnh, người dân có thể đọc báo, theo dõi tin tức hằng ngày trên điện thoại thông minh. Về thông tin liên lạc, đã có mạng di động với giá cước khá rẻ, nên người dân không cần phải đến bưu điện để sử dụng dịch vụ điện thoại công cộng.

Do đó, có nhiều điểm BÐVHX hiện đóng cửa, thậm chí có điểm như ở ấp Thanh Thuận, xã Thanh Ðiền (huyện Châu Thành) trở thành nơi mua bán và sửa chữa điện thoại di động. Nhiều điểm khác trở thành nơi kinh doanh dịch vụ internet...

Phần lớn các điểm BÐVHX nằm ở khu vực đông dân cư. Vì vậy, người dân thắc mắc vì sao ngành Bưu điện không tìm kiếm giải pháp để phát huy giá trị kinh tế của các điểm BÐVHX mà lại bỏ phí?

Theo ông Nguyễn Tấn Phong- Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 80 điểm BÐVHX đang hoạt động. Năm 2017, các điểm BÐVHX cho doanh thu khả quan hơn năm 2016 và các năm trước. Tuy nhiên, do các điểm BÐVHX được xây dựng đã lâu nên đang trong tình trạng xuống cấp. Trước thực trạng trên, trong năm 2017, Bưu điện tỉnh đã cho cải tạo, sửa chữa lại 32 điểm BÐVHX và dự kiến năm 2018 sẽ cải tạo, sửa chữa những điểm còn lại.

Ông Phong cho biết thêm, trong thời gian tới, Bưu điện tỉnh có hướng chuyển đổi các điểm BÐVHX trở thành các điểm bưu điện văn hoá đa dịch vụ, gồm 3 chức năng: phục vụ văn hoá cho người dân đến tham khảo sách báo; kinh doanh bưu chính chuyển phát nhanh, chi trả lương hưu, phân phối truyền thông (gồm các sản phẩm như sim, thẻ nạp điện thoại), phát triển truyền hình vệ tinh; cửa hàng tiện ích kinh doanh một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu và nông sản sạch như rau, củ quả, trái cây... Trước mắt, kế hoạch này có thể được triển khai tại một số điểm có vị trí tương đối thuận lợi, đông dân cư. 

Tuy nhiên, điểm BÐVHX vẫn phải thực hiện tốt nhiệm vụ của mình là phục vụ văn hoá cho người dân. Ðể thu hút người dân đến điểm BÐVHX, ngoài việc trang bị một số tờ báo hằng ngày, ngành Bưu điện còn phối hợp với Thư viện tỉnh luân chuyển các đầu sách người dân quan tâm (như sách báo viết về lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi, kinh tế...) 3 tháng/lần.

Ông Võ Ðức Trong- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, mới đây, UBND tỉnh có chủ trương ký kết hợp tác với Co.opMart đưa các sản phẩm rau, trái cây vào siêu thị. Ðồng thời, Co.opMart phối hợp với Sở để chuyển các điểm BÐVHX thành các cửa hàng tiện ích ở nông thôn. Tỉnh đang làm đề án trình Chính phủ, Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam cho ý kiến, hỗ trợ tỉnh thực hiện. Ðây là tín hiệu đáng mừng, bởi rau, củ quả đạt chất lượng VietGAP được nông dân Tây Ninh trồng sẽ có thể tiêu thụ rộng rãi tại các cửa hàng tiện ích này.

Anh Liêu Tỷ Phú, Tổ trưởng Tổ liên kết sản xuất rau an toàn Ninh Bình 2, xã Bàu Năng (huyện Dương Minh Châu) cho hay, Tổ có 8 thành viên, đang canh tác hơn 6 ha hoa màu các loại. Dù rau được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, nhưng hiện chỉ bán ở chợ đầu mối mà chưa đưa hàng vào được các siêu thị, cửa hàng rau an toàn...

Do đó, nếu chủ trương trên được triển khai vào thực tế, người trồng sẽ có nơi tiêu thụ rau củ quả an toàn với giá hợp lý. Ðồng thời, người tiêu dùng ở khắp các địa phương đều dễ dàng mua được rau an toàn về dùng.

NHI TRẦN

Tin cùng chuyên mục