Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Phát triển dược liệu là kế thừa, bảo tồn nền y học cổ truyền Việt Nam
Thứ tư: 22:25 ngày 12/04/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, diễn ra vào sáng 12.4 nhằm đánh giá thực trạng nuôi trồng, khai thác, chế biến, sản xuất và sử dụng dược liệu, các sản phẩm từ dược liệu; đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể phát triển nuôi trồng, khai thác, chế biến, sản xuất dược liệu.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh có ông Phạm Văn Tân- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, ông Trần Văn Sỹ- Phó Giám đốc Sở Y tế, ông Tạ Văn Đáo- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành tỉnh có liên quan.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh.

Theo báo cáo của Bộ y tế, Việt Nam có nguồn tài nguyên dược liệu phong phú và đa dạng. Cộng đồng các dân tộc có nhiều kinh nghiệm nuôi trồng và sử dụng các loài cây, con làm thuốc. Với trên 5.000 loài cây thuốc và vốn tri thức bản địa sẽ là một kho tàng quý báu để triển khai các nghiên cứu nhằm tạo ra các sản phẩm từ dược liệu phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe và phát triển kinh tế xã hội.

Thị trường tiêu thụ dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu ở Việt Nam là rất lớn, bao gồm: Hệ thống khám chữa bệnh bằng Y học cổ truyền, gồm có 63 Bệnh viện Y học cổ truyền công lập; hệ thống bệnh viện đa khoa có Khoa Y học cổ truyền hoặc Tổ y học cổ truyền; khoảng 80% trạm y tế xã có hoạt động khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền và gần 7.000 cơ sở hành nghề y học cổ truyền tư nhân sử dụng dược liệu trong khám chữa bệnh.

Đồng thời, có 226 cơ sở sản xuất thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền được cấp số đăng ký lưu hành sử dụng dược liệu làm nguyên liệu làm thuốc trong sản xuất. Nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước ước tính khoảng 60.000- 80.000 tấn, trong đó các rất nhiều dược liệu có tiềm năng nuôi trồng được ở nước ta.

Theo kết quả điều tra đến năm 2016, Việt Nam đã ghi nhận có trên 5.000 loài thực vật được sử dụng làm thuốc; 3.948 loài thực vật và nấm, 52 loài tảo biển, 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc... Trong đó có gần 200 loài có tiềm năng khai thác và phát triển trồng để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và hướng tới xuất khẩu, như: Quế, Hồi, Hòe, Nghệ, Actiso, Sa nhân, Kim tiền thảo, Đinh lăng, Thảo quả…

Việc nuôi trồng cây dược liệu cũng làm tăng hiệu quả kinh tế cho các hộ nông dân, đặc biệt là có hiệu quả kinh tế cao hơn từ 3- 5 lần so với trồng một số loại cây trồng nông nghiệp như lúa, ngô, sắn.

Cây đinh lăng- một trong những loại cây được sử dụng làm thuốc, hiện được trồng khá nhiều tại Tây Ninh- Ảnh minh hoạ

Báo cáo cũng đề ra một số định hướng trong phát triển dược liệu thời gian tới như: Phát triển sản xuất nguyên liệu làm thuốc từ nguồn dược liệu sẵn có tại Việt Nam để phục vụ công nghiệp bào chế, sản xuất thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền; phát triển nguồn dược liệu và các vùng nuôi trồng dược liệu; bảo tồn nguồn gen và phát triển các loài dược liệu quý, hiếm, đặc hữu trở thành lĩnh vực ưu tiên trong phát triển công nghiệp Dược, giúp tận dụng được tối đa thế mạnh từ nguồn dược liệu trong nước, đồng thời phù hợp đối với năng lực thực tại của ngành Công nghiệp dược nước nhà đó là công nghiệp bào chế.

Bảo tồn nguồn gen và phát triển những loài, chủng loại dược liệu quý, hiếm, đặc hữu trên cơ sở tăng cường đầu tư kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, kết hợp với kinh nghiệm truyền thống. Cấm xuất khẩu dược liệu thuộc danh mục các loài, chủng loại dược liệu quý, hiếm, đặc hữu, phải kiểm soát khi chưa được phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để tránh tình trạng các thương lái nước ngoài cố tình thu mua tận kiệt các loài, chủng loại dược liệu quý, hiếm, đặc hữu của nước ta.

Nghiêm cấm sản xuất, pha chế, bán thuốc cổ truyền có kết hợp với hoạt chất hóa dược khi chưa được phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, nhằm ngăn chặn tình trạng nhiều “lang băm” núp bóng các bài thuốc đông y, bài thuốc gia truyền rồi trộn thuốc tân dược vào bán cho người dân, dẫn đến người bệnh phải gánh chịu hậu quả...

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, y học cổ truyền là một kho báu và ngành dược liệu Việt Nam có tiềm năng phát triển rất to lớn. Đây là thế mạnh của tất cả các địa phương, có thể phát triển dược liệu ở mọi miền của Tổ quốc với giá trị gia tăng cao, trước hết là phục vụ người dân trong nước và có thể xuất khẩu.

Thuỳ Anh

Tin cùng chuyên mục