Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Phát triển hồ Dầu Tiếng an toàn và hiệu quả
Thứ năm: 23:48 ngày 17/02/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng có vai trò rất lớn trong việc cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt cho 5 tỉnh, thành: Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Long An và TP. Hồ Chí Minh; phòng - cắt lũ, đẩy mặn và cải tạo môi trường cho hạ du.

Hồ Dầu Tiếng. Ảnh: Đ.H.T

Hơn 35 năm quản lý vận hành và khai thác, công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng đã có những đóng góp đáng kể trong phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện điều kiện môi trường cho những vùng hưởng lợi; cấp nước tưới trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp đối với 116.953 ha thuộc địa bàn tỉnh Tây Ninh (92.953 ha), TP. Hồ Chí Minh (12.000 ha), tỉnh Long An (12.000 ha); đồng thời tưới tạo nguồn cho ven sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông (93.954 ha).

Tiềm năng sẵn có

Tuy nhiên, hoạt động khai thác tài nguyên vùng lòng hồ đang diễn ra với quy mô lớn hơn, khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến an toàn công trình và môi trường nước ngày càng cao; tình trạng khai thác cát vùng lòng hồ có xu thế gia tăng, làm chất lượng nước trong hồ suy giảm, gây nguy cơ sạt lở đập và bờ hồ, ảnh hưởng đến sự an toàn của các công trình, đặc biệt là đập chính.

Ngoài ra, diện tích phần bán ngập lòng hồ khá lớn, một số diện tích đất bán ngập bị bao chiếm bởi người dân sống ven lòng hồ để phục vụ trồng hoa màu và các loại cây ngắn ngày khác. Trong quá trình sản xuất có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nên dư lượng thuốc trừ sâu này theo dòng nước thường xuyên tích tụ vào hồ; tình trạng tàu khai thác cát, sỏi, nuôi trồng thuỷ sản trái phép hoạt động trong hồ Dầu Tiếng đe doạ an toàn hồ đập và làm ô nhiễm môi trường nước.

Ngoài những nhà máy điện năng lượng mặt trời đã được xây dựng và đi vào vận hành, hiện vẫn còn nhiều đơn vị trình hồ sơ xin cấp phép xây dựng các dự án điện mới trên đất bán ngập lòng hồ. Hồ thuỷ lợi Dầu Tiếng có cảnh quan đẹp, rất thích hợp đầu tư phát triển các loại hình thể thao, giải trí dưới nước như thuyền buồm, lướt ván, du lịch sinh thái, tâm linh.

Du lịch vùng Đông Nam Bộ nói chung và khu vực hồ Dầu Tiếng nói riêng có tiềm năng khai thác và phát triển rất lớn, với những nét đặc sắc riêng để du khách trong và ngoài nước khám phá, đầu tư và phát triển.

Các hình thức du lịch chủ yếu gồm: du lịch sinh thái tự nhiên, văn hoá và tâm linh, du lịch theo đường sông… Trong tổng thể phát triển kinh tế du lịch của các tỉnh vùng Đông Nam Bộ đều có sự gắn kết tới thắng cảnh hồ Dầu Tiếng- là hồ nhân tạo lớn nhất Việt Nam.

Trong những năm qua, tỉnh luôn quan tâm, chú trọng đến việc kêu gọi đầu tư phát triển hoạt động du lịch tại khu vực hồ Dầu Tiếng. Năm 2008, UBND tỉnh ra Quyết định số 2673/QĐ-UBND ngày 14.11.2008 phê duyệt dự án “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch sinh thái Hồ Dầu Tiếng” với định hướng phát triển du lịch: Hình thành các vị trí trung tâm dịch vụ du lịch tại các điểm nút là cửa ngõ tiếp cận vào khu vực du lịch bờ hồ. Hình thành tuyến dân cư và định hướng cho họ hoạt động kinh doanh du lịch như sản xuất các loại mặt hàng phục vụ du lịch…

Đặc biệt, phải có chính sách giáo dục người dân về lối sống văn hóa trong giao lưu phục vụ du lịch. Kêu gọi đầu tư các khu vực du lịch hình thành bên trong hồ gồm: đảo Nhím, cù lao Sỉn, cù lao Tân Thiết, Tân Hoà, Bà Chiêm, Tà Dơ, Đồng Kèn và dọc bờ phía Nam của hồ.

Mặc dù đã có quyết định đầu tư phát triển du lịch vùng hồ Dầu Tiếng, nhưng đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào triển khai hoạt động kinh doanh du lịch tại đây. Riêng đối với môi trường, tại một số điểm tiếp cận với lòng hồ đã xuất hiện rác thải khó tiêu huỷ như: túi nylon, đồ hộp đựng đồ ăn, thức uống… cần có sự kiểm tra, giám sát để hạn chế tình trạng xả rác và có kế hoạch thu gom, xử lý rác để tránh ảnh hưởng tới môi trường nước của hồ.

Khai thác và sử dụng

Những năm gần đây, hệ thống công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà, dưới sự quản lý vận hành của Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà phục vụ cấp nước, chống lũ, đẩy mặn và cải tạo môi trường cho vùng hạ du lưu vực sông Sài Gòn và Vàm Cỏ Đông.

Thời gian qua, tỉnh đánh giá tiềm năng, xác định quy mô khai thác và phục hồi nguồn lợi thuỷ sản; xác định các loại hình khai thác, nuôi trồng thuỷ sản nhằm khai thác tối đa tiềm năng mà vẫn bảo vệ nguồn nước và môi trường của hồ.

Với dung tích 1,58 tỷ mét khối nước, diện tích mặt nước 2.700 ha, hồ Dầu Tiếng có điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên cũng như nuôi trồng. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều diện tích đất dọc các tuyến kênh đã chuyển đổi sang mô hình nuôi trồng thuỷ sản. Trong hồ có 54 loài cá, trong đó có 10 loài có giá trị kinh tế cao thuộc 9 bộ, 19 họ và 2 loài tôm, như: cá lăng, bống tượng, mè, rô biển...

Hằng năm, tỉnh trích ngân sách từ 500-700 triệu đồng để thả hàng chục triệu con cá giống các loại vào hồ Dầu Tiếng, nhằm tái tạo nguồn lợi thuỷ sản, trữ lượng cá tăng giúp tăng thêm giá trị đánh bắt cho người dân. Theo đánh giá, những loài cá được thả xuống hồ đều phát triển nhanh do môi trường sống tốt, nguồn thức ăn phong phú. Sản lượng thuỷ sản đánh bắt được hằng năm ở hồ tăng lên đáng kể, bình quân trên 1.000 tấn/năm.

Cùng với việc thả cá giống để tái tạo nguồn thuỷ sản trong hồ, lực lượng quản lý hồ đã làm tốt công tác ngăn chặn ngư dân sử dụng các phương tiện đánh bắt huỷ diệt, đồng thời có trách nhiệm tổ chức quản lý ngư dân khai thác thuỷ sản trong hồ, bảo vệ nguồn cá giống tự nhiên, cá bố mẹ sắp sinh sản, bảo vệ các bãi cá đẻ, chấp hành các quy định về cấm đánh bắt cá trong mùa cá đẻ.

Ngoài ra, tỉnh xây dựng định hướng khai thác cát lòng hồ, xác định các khu vực khai thác cát để bảo đảm an toàn cho hồ chứa, đập chính và đập phụ, xác định thời gian khai thác tránh nguy cơ xảy ra sạt lở mùa lũ, đánh giá ảnh hưởng của hoạt động khai thác cát đến phát triển du lịch sinh thái hồ Dầu Tiếng; giám sát việc khai thác cát nhằm bảo đảm an toàn công trình và vệ sinh nguồn nước.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để thực hiện công tác phối hợp quản lý, bảo vệ, khai thác tiềm năng và hiệu quả đa mục tiêu hồ thuỷ lợi Dầu Tiếng tương xứng với vị trí, vai trò của hồ chứa nước Dầu Tiếng trong phát triển kinh tế của các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Long An và Thành phố Hồ Chí Minh, Sở này đã phối hợp đơn vị tư vấn, chuẩn bị nội dung, xây dựng đề cương và dự toán Đề án Phát triển tổng thể đa mục tiêu hồ thuỷ lợi Dầu Tiếng, đến nay, cơ bản đã hoàn thiện.

Để thực hiện có hiệu quả Đề án Phát triển tổng thể đa mục tiêu hồ thuỷ lợi Dầu Tiếng, cần tập trung khai thác tiềm năng đất đai vùng bán ngập và vùng phụ cận hồ chứa nước để phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp theo hướng sinh thái, bảo vệ môi trường và tạo cảnh quan du lịch; khai thác các giá trị về cảnh quan thiên nhiên, văn hoá, bản sắc địa phương đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch của tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước với vùng Đông Nam Bộ; hình thành điểm du lịch quốc gia hồ chứa nước Dầu Tiếng kết nối với Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, điểm du lịch quốc gia Căn cứ Trung ương Cục miền Nam và vùng lân cận; phát triển hiệu quả tài nguyên năng lượng sạch, bảo đảm an toàn hồ đập, bảo vệ sinh thái và cảnh quan.

Nhi Trần

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục