Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
Thứ năm: 00:31 ngày 09/01/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày càng nhiều tổ hợp tác, HTX nỗ lực, khắc phục khó khăn, định hướng thành viên tham gia sản xuất nông nghiệp sạch, chủ động liên kết với các thành phần kinh tế khác để phát triển, tiêu thụ sản phẩm.

Sau 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 106/NQ-CP, ngày 18.7.2023 của Chính phủ về phát triển hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh đã triển khai có hiệu quả các chính sách ưu đãi, gắn với mục tiêu phát triển HTX nông nghiệp theo định hướng bền vững cả về số lượng và chất lượng.

Thành viên HTX cây ăn trái Bàu Đồn (huyện Gò Dầu) thu hoạch sầu riêng.

Mắt xích trong chuỗi giá trị liên kết sản xuất

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, trong năm 2024, HTX nông nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 130 HTX nông nghiệp, trong đó có 31 HTX trồng trọt, 7 HTX chăn nuôi, 2 HTX nuôi trồng thuỷ sản, 10 HTX dịch vụ thuỷ lợi, 80 HTX nông nghiệp tổng hợp. Các HTX nông nghiệp từng bước trở thành mắt xích quan trọng trong phát triển chuỗi giá trị liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, tiền đề quan trọng thúc đẩy hình thành các tổ hợp sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản quy mô vừa và nhỏ hướng đến quy mô lớn.

Theo Liên minh HTX tỉnh, chất lượng nông sản hàng hoá của các HTX nông nghiệp ngày càng được nâng lên; sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm, mẫu mã, bao bì phong phú; các HTX nông nghiệp đã thu hút được nhiều doanh nghiệp liên kết đầu tư; liên kết vùng nguyên liệu, phát triển thị trường, mở rộng sản xuất, thu hút được nhiều lao động ở nông thôn tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, đã hình thành và phát triển liên kết kinh tế giữa các HTX nông nghiệp với nhau và giữa HTX nông nghiệp với doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất. Đến nay, tỉnh có 94/130 HTX hoạt động có hiệu quả; có 30/130 HTX ứng dụng công nghệ cao; có 80/130 HTX tham gia chuỗi liên kết.

Thu hoạch dưa lưới tại Hoàng Xuân Farm (thị xã Trảng Bàng).

Ngoài ra, các HTX nông nghiệp ngày càng chú trọng mở rộng dịch vụ và nâng cao chất lượng phục vụ. Từ HTX chỉ thực hiện các dịch vụ chăm sóc và thu hoạch, một số HTX đã tăng cường thêm các dịch vụ như cung ứng giống vật nuôi, cây trồng; cung ứng vật tư, phân bón, thức ăn và thuốc bảo vệ thực vật, dịch vụ tiêu thụ sản phẩm...

Nhờ đó, số lượng thành viên tham gia HTX ngày càng nhiều, tỷ lệ thành viên sử dụng dịch vụ ngày càng cao, dẫn đến hiệu quả hoạt động của HTX ngày tốt hơn, đời sống thành viên ngày một cải thiện từng bước góp phần xây dựng nông thôn mới.

Liên minh HTX tỉnh cho biết, thời gian qua, các mô hình hoạt động hiệu quả theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao được các đơn vị quan tâm thực hiện. Cụ thể như: mô hình hỗ trợ liên kết thực hiện Dự án phát triển chăn nuôi gắn với tiêu thụ bò thịt - bò sinh sản trên địa bàn thị xã Trảng Bàng, chủ đầu tư là HTX dịch vụ chăn nuôi - trồng trọt - sơ chế và đóng gói Hiệp Phát thực hiện trên địa bàn 3 phường: Lộc Hưng, An Tịnh, Gia Lộc, với quy mô liên kết gồm 38 bò cái sinh sản và 182 bò thịt.

Thương lái thu mua sầu riêng tại HTX cây ăn trái Bàu Đồn (huyện Gò Dầu).

Bên cạnh đó là mô hình liên kết phát triển vùng nguyên liệu trồng lúa gắn tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn ấp 2, xã Bàu Đồn, do HTX giống cây trồng và dịch vụ nông nghiệp xã Bàu Đồn chủ trì liên kết, hỗ trợ 3 vụ sản xuất; HTX nông nghiệp Truông Mít liên kết với Công ty TNHH Kinh doanh Đầu tư Phát triển Công nghệ Nam Việt, sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu áp dụng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ (organic) và một số HTX điển hình như: HTX rau an toàn Long Mỹ; HTX mãng cầu Thạnh Tân, HTX cây ăn trái Bàu Đồn, HTX dịch vụ nông nghiệp Phúc Lợi...

Lựa chọn nhiều mô hình HTX kiểu mới hiệu quả

Hằng năm, Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế, HTX tỉnh (Ban Chỉ đạo tỉnh) ban hành và thực hiện kế hoạch kiểm tra kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, có nội dung kiểm tra công tác triển khai lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 và công tác hỗ trợ HTX xây dựng mô hình HTX kiểu mới tại các địa phương.

Trong năm 2024, Ban Chỉ đạo các cấp lựa chọn nhiều mô hình HTX nông nghiệp phát triển bền vững, hoạt động hiệu quả cần xây dựng, nhân rộng. Điển hình như: HTX nông nghiệp Tân Tiến, ấp 2, xã Suối Ngô, huyện Tân Châu, với diện tích 136 ha đất nông nghiệp trồng cao su, mì và các loại cây khác. HTX đã tổ chức quản lý, trồng chăm sóc thu hoạch cây mì, khai thác tiêu thụ mủ cao su, cung cấp dịch vụ hướng dẫn thành viên, nông dân trồng trọt, chăn nuôi đạt năng suất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nông dân tuyển chọn trái mãng cầu tại Tổ hợp tác mãng cầu Na Suối Đá (huyện Dương Minh Châu).

Ông Cao Văn Thả- Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Phước Bình (thị xã Trảng Bàng) cho biết, HTX được lựa chọn là một trong những mô hình HTX kiểu mới hiệu quả. HTX chuyên sản xuất giống lúa xác nhận.

Thời gian qua, HTX liên kết với Tập đoàn Lộc Trời sản xuất lúa giống mới với diện tích 20 ha. Sản lượng thu hoạch sẽ bán lại cho Tập đoàn Lộc Trời hoặc thoả thuận để lại cho thành viên HTX tiếp tục sản xuất lúa thương phẩm nhằm nâng cao năng suất, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống thành viên.

Ngoài ra, HTX còn sản xuất lúa thương phẩm, liên kết với Công ty Lúa Vàng Việt sản xuất lúa OM 5451, OM 18 với tổng diện tích 174 ha; mỗi năm sản xuất 2 vụ. HTX còn liên kết với người dân ngoài thành viên HTX để mở rộng diện tích sản xuất, tạo tiền đề để mở rộng, kết nạp thành viên mới, tăng quy mô của HTX.

Ông Thả cho biết thêm, ngoài 2 loại hình hoạt động trên, HTX còn hoạt động dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp và dịch vụ đầu mối bao tiêu nông sản cho thành viên. Mỗi năm, HTX cung cấp cho thành viên trên 156 tấn phân bón và các loại thuốc bảo vệ thực vật đáp ứng khâu đầu vào trong sản xuất; đồng thời hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho thành viên mỗi năm gần 1 tấn.

Người dân thu hoạch lúa tại HTX DVNN Phước Bình (thị xã Trảng Bàng).

HTX dịch vụ thương mại nông nghiệp Tân Châu (ấp Thạnh Hiệp, xã Thạnh Đông, huyện Tân Châu) cũng là một những mô hình HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả được lựa chọn để nhân rộng. HTX này liên kết với thành viên xây dựng nhà màng, thực hiện dự án trồng và tiêu thụ dưa lưới tại xã Tân Hội, huyện Tân Châu.

Thời gian qua, Ban Chỉ đạo tỉnh đã củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức của 30 HTX nông nghiệp; hỗ trợ 1 HTX tổ chức sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP; hỗ trợ 25 HTX tham gia xúc tiến thương mại, phát triển thị trường; 6 HTX ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng cho HTX dịch vụ nông nghiệp Phước Bình xây dựng nhà kho, máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật, máy gặt đập liên hợp, máy cày và rơ-moóc với tổng kinh phí 4,9 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh; đang thẩm định 2 báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng cho HTX trên địa bàn huyện Tân Châu với mức vốn đề xuất hỗ trợ khoảng 8,7 tỷ đồng.

Hiện nay, các chính sách hỗ trợ lĩnh vực kinh tế tập thể, HTX đã được tỉnh quan tâm, cụ thể hoá bằng nghị quyết để triển khai thực hiện thuận lợi hơn; các chính sách hỗ trợ lĩnh vực nông nghiệp cũng được lồng ghép để hỗ trợ tổ hợp tác, HTX trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể.

Ngày càng nhiều tổ hợp tác, HTX nỗ lực, khắc phục khó khăn, định hướng thành viên tham gia sản xuất nông nghiệp sạch theo mô hình VietGAP, nông nghiệp hữu cơ, chủ động liên kết với các thành phần kinh tế khác để phát triển, tiêu thụ sản phẩm.

Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18.7.2023 của Chỉnh phủ về phát triển HTX nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng NTM, tồn tại một số hạn chế nhất định như: công tác triển khai thực hiện còn chậm, năng lực quản lý của HTX còn hạn chế; chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với khu vực kinh tế tập thể, HTX tuy nhiều nhưng dàn trải, phân tán, chủ yếu là lồng ghép, thiếu tập trung, chưa thống nhất, thiếu nguồn lực bảo đảm thực hiện; các chính sách về đất đai, tín dụng, hỗ trợ xây dựng hạ tầng... ít được thực hiện; tiếp cận tín dụng còn khó khăn.

Chất lượng sản phẩm được các đơn vị sản xuất chú trọng.

Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo tỉnh đề nghị các đơn vị cần tập trung phát triển mạnh mẽ, để HTX nông nghiệp giữ vai trò quan trọng trong thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn bền vững; cung cấp các dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp; thúc đẩy hình thành, phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp vùng; tổ chức quản trị tốt chất lượng, nâng cao giá trị thương hiệu nông sản; chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh; từng bước hình thành các trung tâm logistics phục vụ nông nghiệp; góp phần quan trọng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tri thức, nông nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn, tích hợp đa giá trị và phát triển bền vững; tạo thêm nhiều cơ hội việc làm, nâng cao vị thế, vai trò của người dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Nhi Trần

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục