Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo đột phá cho tăng trưởng kinh tế
Thứ sáu: 08:51 ngày 10/11/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN), thời gian qua, hoạt động nghiên cứu khoa học bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

Đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao tại hội thảo “Phát huy vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh”.

Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh triển khai 42 nhiệm vụ KH&CN, gồm 2 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, 28 nhiệm vụ cấp tỉnh, 12 nhiệm vụ cấp cơ sở; đã nghiệm thu và đưa vào ứng dụng 29 nhiệm vụ nhằm phục vụ thực tiễn công tác quản lý của các ngành, hoạt động sản xuất và đời sống của người dân tại địa phương.

Việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản của địa phương cùng với chính sách hỗ trợ của tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi giúp các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, góp phần quảng bá sản phẩm đặc sản địa phương ra thị trường trong nước và quốc tế.

Công tác phát triển doanh nghiệp KH&CN bước đầu có sự quan tâm, tìm hiểu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 3 doanh nghiệp KH&CN, 7 tổ chức hoạt động KH&CN được thành lập (gồm 1 tổ chức KH&CN công lập; 4 tổ chức KH&CN ngoài công lập và 2 chi nhánh của tổ chức KH&CN).

Đại biểu tham quan các gian hàng tại Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được tổ chức vào tháng 5.2023 (ảnh: Ngọc Bích)

Đóng góp của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng kinh tế thông qua tốc độ tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong giai đoạn 2016-2020 đạt mức 36,69% (tăng so với giai đoạn 2011-2015 là 30,12%); các dự án nâng cao tiềm lực về KH&CN được triển khai với tổng mức đầu tư trên 18 tỷ đồng; các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được ban hành góp phần quan trọng vào đổi mới công tác quản lý, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá, dịch vụ, cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Sở KH&CN đánh giá, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh đã có những bước tiến nhất định trong quá trình xây dựng, kết nối và hoàn thiện các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bước đầu nhận được sự quan tâm, phối hợp tích cực của các sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp nhất định trong tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội của tỉnh, hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, chưa thực sự trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; các giải pháp trong tăng trưởng và phát triển của từng ngành, lĩnh vực với mức độ tham gia đóng góp của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn hạn chế và chưa chủ đạo.

Bên cạnh đó, kinh phí đầu tư cho KH&CN của tỉnh còn thấp so với tổng chi ngân sách của tỉnh, thấp hơn mức 2% (mức do Luật KH&CN 2013 quy định), trung bình giai đoạn 2015-2023 đạt 0,65%. Việc huy động nguồn lực của xã hội, nhất là từ doanh nghiệp vào hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn hạn chế. Hoạt động đổi mới sáng tạo của tỉnh còn trong giai đoạn khởi đầu, sơ khai, chủ yếu mới chỉ tuyên truyền, hội thảo và tổ chức các cuộc thi tại các đoàn thể và hiệp hội.

Ngày 31.3.2023, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU về phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030. Nghị quyết xác định các chỉ tiêu cụ thể cần đạt được đến năm 2025 (7 mục tiêu) và năm 2030 (13 mục tiêu), tập trung vào các mục tiêu chính như: đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế và thúc đẩy phát triển một số ngành chủ lực của tỉnh; tăng đầu tư cho các hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; cơ cấu lại và nâng cao năng lực của các tổ chức KH&CN; thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; nâng cao chất lượng, số lượng công bố bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, hoạt động dịch vụ sự nghiệp công.

Nhằm đạt được các mục tiêu đề ra, Nghị quyết số 08-NQ/TU tập trung vào các nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội trong tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; đổi mới cơ chế hoạt động, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; chủ động đẩy mạnh hợp tác, thu hút, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tăng cường các hoạt động tôn vinh, truyền thông, nâng cao nhận thức.

Theo Sở KH&CN, để khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thật sự là lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực của ngành KH&CN mà còn rất cần sự vào cuộc chủ động, tích cực, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, từ đó góp phần đưa Tây Ninh trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030, hoàn thành thắng lợi mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã đề ra.

 Để cụ thể hoá các nhóm nhiệm vụ giải pháp trên, cần triển khai đồng bộ các giải pháp trọng tâm, trong đó, người đứng đầu các cấp, các ngành chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo phát triển, ứng dụng KH&CN để nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của ngành, địa phương; gắn mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng cấp, từng ngành; đưa phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là một nội dung chính trong kế hoạch phát triển của từng ngành, địa phương.

Các sở, ban, ngành, địa phương quan tâm đúng mức về vai trò, tầm quan trọng của phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; xem đây là nhiệm vụ chính trị, là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Các sở, ngành, đơn vị liên quan phối hợp Sở KH&CN trong xây dựng, triển khai các cơ chế chính sách liên quan đến phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh về các nhiệm vụ KH&CN; trong việc quản lý các nguồn lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; kết nối, hình thành cơ sở dữ liệu của tỉnh về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Chú trọng ứng dụng các mô hình, giải pháp đổi mới sáng tạo, công nghệ số và các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trúc Ly

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh