Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Phát triển ngành chăn nuôi theo hướng bền vững
Thứ ba: 21:38 ngày 28/06/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Những năm gần đây, ngành chăn nuôi ở Tây Ninh có sự chuyển biến mạnh, liên kết chặt chẽ giữa các khâu: chăn nuôi, cung cấp thức ăn, thuốc thú y, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; bảo đảm việc tham gia trong chuỗi giá trị sản xuất, điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Hàng năm, Tây Ninh có thêm nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi với qui mô lớn, hứa hẹn nhiều đột phá, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi trong nông nghiêp, đạt được mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra.

Một trang trại bò “sạch” ở Trảng Bàng (ảnh minh hoạ - An Khang).

Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, tỉnh Tây Ninh đang tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng nâng cao năng suất và chất lượng, từng bước cơ cấu lại vùng chăn nuôi, thay đổi hình thức nuôi từ nhỏ lẻ sang quy mô trang trại; ứng dụng công nghệ mới nhằm hạn chế dịch bệnh, giảm chi phí để hạ giá thành sản phẩm, tăng chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

 Thu hút nhiều dự án chăn nuôi qui mô lớn

 2 năm (2019- 2020), tỉnh thu hút 46 dự án chăn nuôi, có nhiều dự án đầu tư quy mô lớn như dự án chăn nuôi 1.000.000 gà thịt/lứa, 1.000.000 trứng/ngày. Vốn đầu tư 794 tỷ đồng. Dự án nuôi 400.000 gà đẻ trứng thương phẩm trên 29,5ha. Vốn đầu tư 261 tỷ đồng.

Năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 612 trang trại gia súc với tổng đàn hơn 192.000, 112 trang trại gia cầm với tổng đàn khoảng 5,7 triệu con. Hiện trên địa bàn tỉnh có 62 cơ sở chăn nuôi. Bao gồm: 22 cơ sở chăn nuôi gà, 39 cơ sở chăn nuôi heo, 1 cơ sở chăn nuôi bò được cấp giấy chứng nhận VietGAHP.  

Những dự án đầu tư với qui mô lớn đi vào hoạt động như: Trang trại bò sữa Vinamilk Tây Ninh tại xã Long Khánh, huyện Bến Cầu, quy mô chăn nuôi 8.000 con bò, bê; nhà máy Bel gà ở khu công nghiệp Thành Thành Công, áp dụng nhiều cải tiến trong thiết kế xây dựng và đạt tiêu chuẩn châu Âu; ấp trứng gia cầm công nghệ cao, có tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng. Nhà máy sản xuất trứng gà của công ty TNHH QL VIETNAM  tại huyện Tân Biên. Và nhiều trang trại chăn nuôi bò sửa, heo, gà thịt theo công nghệ hiện đại đã kích thích, tạo ra động lực mới góp phần đưa ngành nông nghiệp của Tây Ninh phát triển theo theo hướng hàng hóa, gắn với thị trường tiêu thụ, cân đối giữa trồng trọt và chăn nuôi.

Ông Nông Vĩnh- Quản lý Nhà máy Bel Gà cho biết: Dự án nhà máy Bel Gà được chia làm 2 giai đoạn. Hiện tại, công suất khoảng 400.000 con gà giống trong một tuần. Một tháng có khoảng 1.600.000 con đến 1.800.000 con. Tương lai công suất có thể tăng gấp đôi lên 800.000 con - 1.000.000 con/1 tuần. Theo công suất thiết kế giai đoạn 1 sẽ có trên 19 triệu gà con mỗi năm. Giai đoạn II mở rộng lên 38,4 triệu gà con mỗi năm.

Mô hình chăn nuôi khép kín, an toàn ở trang trại Tâm Lan (ảnh minh hoạ - An Khang).

Nhà máy sản xuất trứng gà của công ty TNHH QL VIETNAM  tại huyện Tân Biên được xây dựng trên diện tích 36 ha, vốn đầu tư gần 400 tỷ đồng. Trang trại chăn nuôi gà kỹ thuật cao, vệ sinh, an toàn và hiện đại bậc nhất Việt Nam.  Hiện nay, sản lượng trứng đạt hơn 600.000 trứng/ngày. Công ty đang phấn đấu đạt sản lượng 1.000.000 trứng/ ngày.

Vào cuối năm 2021, công ty Cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam khởi công xây dựng 2 trang trại chăn nuôi heo nái và heo thịt thương phẩm tại huyện Tân Châu. Đó là dự án trang trại chăn nuôi heo thịt Bắc An Khánh có diện tích hơn 16 hecta được xây dựng tại xã Suối Ngô, huyện Tân Châu, quy mô chăn nuôi 30.000 heo thịt. Dự án trang trại chăn nuôi heo nái Nam An Khánh với diện tích 18,5 hecta và quy mô chăn nuôi 5.000 heo nái, được xây dựng ấp Hội Thành, xã Tân Hội, huyện Tân Châu.

Tại huyện Châu Thành, trang trại Gà Ba Nguyên là một trong những trại gà lớn nhất của tỉnh với công nghệ lạnh hiện đại, khép kín; khâu cho ăn, uống tự động, có cảm biến nhiệt độ và độ ẩm, điều chỉnh hệ thống làm mát. Quy trình chăm sóc gà theo tiêu chuẩn quốc tế. Trại đã xuất 4 lứa gà. Trong 1 năm trại có thể nuôi 5 lứa với 1.000.000 con gà/năm.

Bà Trần Thị Hạnh- Giám đốc Trang trại Gà Ba Nguyên khẳng định: Muốn góp sức phát triển về sản xuất nông nghiệp cho Tây Ninh, muốn có thương hiệu và sản phẩm sạch. Gà được nuôi chăm sóc theo công nghệ lạnh, hiện đại, an toàn sinh học, thịt sẽ ngon hơn, chất lượng hơn. Với quy mô nuôi hiện tại là 200.000 con gà, sắp tới, trang trại gà Ba Nguyên có dự tính sẽ mở rộng.

Bò sữa được đưa vào khu vắt sữa ở trang trại Vinamilk ở Bến Cầu (ảnh minh hoạ - An Khang).

Ước tính đầu tư  gần 30 tỷ đồng thì doanh thu của trang trại gà Ba Nguyên lên khoảng 70-80 tỷ đồng/1 năm, lãi kỳ vọng là 10% thì chủ trại thu được 7-8 tỷ đồng trong một năm. Với thời gian hoàn vốn khỏang 4 năm nếu là vốn tự có, 6-7 năm nếu là vốn vay. Đây là một mô hình liên kết giữa trang trại với một công ty lớn, như công ty CP, công ty Japfa  đang phát triển rất mạnh mẽ gần đây ở tỉnh Tây Ninh. Theo đó, doanh nghiệp sẽ đầu tư trang trại, thiết bị, nhân công. Công ty đầu tư con giống, thức ăn và kỹ thuật thú y, bao tiêu sản phẩm. Chỉ tính riêng năm 2021, tỉnh đã thu hút được 37 trang trại như thế này vừa nuôi heo vừa nuôi gà. Tổng mức đầu tư lên tới khoảng 3.000 tỷ đồng.

 Kỳ vọng đột phá

6 tháng đầu năm nay 2022, ngành chức năng đã thẩm định, cho ý kiến kịp thời và đúng quy định 76 dự án đầu tư phát triển chăn nuôi (trong đó có 61 dự án nuôi chim yến), tạo điều kiện thuận lợi thu hút nhà đầu tư chuyển đổi dần sang chăn nuôi quy mô công nghiệp, bán công nghiệp, an toàn sinh học. Ủy ban nhân dân tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 3 dự án chăn nuôi với tổng mức đầu tư 384 tỷ đồng. Trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục hình thành nhiều chuỗi chăn nuôi, giết mổ theo hướng công nghệ cao, bảo quản lạnh, pha lóc, chế biến sâu các sản phẩm từ heo, bò, gà thịt.

Trong kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, Tây Ninh chú trọng phát triển đàn heo cao sản theo hướng trang trại công nghiệp, tăng đàn theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học với 550.000 con, heo hơi xuất chuồng đạt 109.000 tấn, bảo đảm an toàn dịch bệnh. Tỉnh khuyến khích phát triển trang trại nuôi bò quy mô lớn, tạo cánh đồng cỏ tập trung để có thức ăn sạch, giá trị dinh dưỡng cao.

Để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, tỉnh Tây Ninh đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp về vốn, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Một trong những chính sách nổi bật là hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2019-2025.

Bê con trong trang trại bò sữa Vinamilk ở Bến Cầu (ảnh minh hoạ - An Khang).

Tỉnh Tây Ninh xác định nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong bốn đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội. Do đó đã quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, giai đoạn 2022-2025 quy hoạch 3 vùng chăn nuôi. Giai đoạn 2026 - 2030 quy hoạch 2 vùng chăn nuôi. Hiện tỉnh cũng đang quan tâm mời gọi, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, triển khai các dự án trong đó có các dự án đầu tư vào chăn nuôi qui mô lớn, công nghệ cao để dẫn dắt nền nông nghiệp địa phương phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao bền vững.

Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh nhấn mạnh: "Trong một hai năm tới chúng ta có thể đặt kỳ vọng, chăn nuôi sẽ thu được mỗi năm trên 3.000 tỷ đồng về doanh số và trên 300 tỷ đồng về lợi nhuận. Với mức này thì chúng ta sẽ đưa tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp từ 15-17% hiện nay lên ít nhất là 30% trong vòng 2 năm tới. Như vậy làm cho cán cân giữa trồng trọt và chăn nuôi sẽ có 1 đột phá và sẽ hoàn thành được mục tiêu mà Đại Đại hội tỉnh Đảng bộ đã đề ra. Tức là nâng cao tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp theo hướng hiện đại và công nghệ cao".

Phương Nguyệt

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục