Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tân Châu:
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu nông nghiệp
Thứ sáu: 01:55 ngày 26/05/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Huyện Tân Châu đang quy hoạch 4 vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP, GlobalGAP... với tổng diện tích khoảng 2.570 ha, tại các xã Tân Hoà, Tân Thành, Suối Dây và Tân Đông, trồng các loại cây ăn trái chất lượng cao, chuyên canh rau củ quả và cây công nghiệp cao sản.

Huyện Tân Châu đang hướng đến xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, hiện đại, có năng suất, chất lượng cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ; gắn phát triển nông nghiệp với phát triển công nghiệp và xây dựng nông thôn mới; từng bước hình thành vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tăng giá trị sử dụng trên đơn vị diện tích đất, nâng cao đời sống dân cư nông thôn.

Thu hoạch chanh dây tại ấp Đông Hà, xã Tân Đông, huyện Tân Châu.

Theo UBND huyện Tân Châu, giai đoạn 2017 - 2020, huyện sẽ tổ chức lấy mẫu đất phân tích để lựa chọn cây trồng thích nghi từng loại đất và phân vùng sản xuất; triển khai chứng nhận VietGAP cho 9,5 ha bưởi da xanh và 14 ha mãng cầu, phấn đấu có ít nhất 1- 2 sản phẩm được chứng nhận GlobalGAP; trình diễn 100 ha chanh dây tại xã Thạnh Đông đạt tiêu chuẩn VietGAP và xây dựng vùng nguyên liệu chanh dây để cung cấp cho nhà máy chế biến rau củ quả tại xã Thạnh Đức (huyện Gò Dầu) theo dự án phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh.

Bên cạnh đó, huyện chuyển khoảng 1.000 ha đất nông nghiệp sang thực hiện nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trước hết thu hút đầu tư phát triển vùng chuyên canh rau an toàn, cây ăn trái chất lượng cao với diện tích khoảng 200 ha. 

Đồng thời huyện sẽ phối hợp với các sở, ngành tỉnh xây dựng chợ đầu mối chuyên cung cấp các sản phẩm nông sản an toàn cho các chợ và siêu thị, dự kiến tại xã Tân Hưng; thành lập các cửa hàng kinh doanh nông sản sạch tại trung tâm các xã.

Ngoài ra, huyện đang quy hoạch 4 vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP, GlobalGAP... với tổng diện tích khoảng 2.570 ha, tại các xã Tân Hoà, Tân Thành, Suối Dây và Tân Đông, trồng các loại cây ăn trái chất lượng cao, chuyên canh rau củ quả và cây công nghiệp cao sản. Đồng thời giữ vững ổn định các vùng nguyên liệu mía, cao su, mì theo quy hoạch, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến trên địa bàn.

Cũng theo UBND huyện Tân Châu, huyện sẽ xây dựng vùng chuyên canh, tạo quỹ đất sạch để thu hút các doanh nghiệp đầu tư các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với diện tích khoảng 560 ha tại xã Tân Hội; đồng thời vận động người dân tham gia các dự án sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ trên cơ sở ưu đãi về vốn đầu tư sản xuất và đầu ra sản phẩm.

Quỹ đất công ích của các xã, thị trấn sẽ ưu tiên cho các hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân thuê để thực hiện sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng phục vụ các vùng phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với các nội dung, tiêu chí xây dựng nông thôn mới của huyện.

Mục tiêu của huyện Tân Châu là đến năm 2020 phấn đấu tỷ trọng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 4-5% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn; đến năm 2030 tỷ trọng chăn nuôi đạt 9-10% trong giá trị sản xuất nông nghiệp.

Để có nguồn nhân lực phục vụ kế hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, UBND huyện Tân Châu đang thực hiện các chính sách thu hút trí thức trẻ theo chủ trương của UBND tỉnh về công tác tại nông thôn; tăng cường công tác đào tạo, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới để nông dân chủ động trong sản xuất; đúc kết, nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với điều kiện sản xuất của nông dân; tạo đầu mối tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

THANH NHI

Tin cùng chuyên mục