Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Phát triển phân bón hữu cơ, hướng đến nền nông nghiệp sạch
Chủ nhật: 12:30 ngày 01/03/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Vừa qua, UBND tỉnh đã có văn bản về việc tăng cường phát triển và sử dụng phân bón hữu cơ. Theo đó, tỉnh ưu tiên các dự án khuyến nông sử dụng phân bón hữu cơ; đẩy mạnh phát triển và sử dụng phân bón hữu cơ, xây dựng mô hình sản xuất - sử dụng phân bón hữu cơ phù hợp, hiệu quả.

Bón phân cho cây mía (ảnh minh hoạ).

Thời gian qua, các cấp, các ngành đã có nhiều giải pháp để phát triển phân bón hữu cơ. Tuy nhiên, việc sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ chưa tương xứng với nguồn nguyên liệu sẵn có.

Mãng cầu là một trong những trái cây đặc sản và chủ lực của tỉnh Tây Ninh. Theo Sở NN&PTNT, trên địa bàn tỉnh có trên 5.000 ha mãng cầu, phân bố tập trung tại TP. Tây Ninh và các huyện Tân Châu, Dương Minh Châu... Dự kiến đến năm 2030, tỉnh có 6.000 ha mãng cầu. Hiện có khoảng 164 ha mãng cầu thực hiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhìn chung, các diện tích canh tác mãng cầu đều áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật (tưới phun tự động, tuốt lá mãng cầu để cây ra trái theo thời gian mong muốn, chủ động được mùa vụ).

Vấn đề là ở chỗ, đa phần nông dân canh tác theo tập quán, chưa hiểu được tầm quan trọng của việc sản xuất theo quy trình VietGAP hay GlobalGAP, vẫn còn tình trạng lạm dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nên chưa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Do thâm canh, tăng vụ nên nông dân gặp khó khăn trong phòng trừ dịch hại như ruồi đục trái.

Một nông dân trồng mãng cầu ở khu vực xã Thạnh Tân (TP. Tây Ninh) cho biết, do lợi nhuận, người tiêu dùng lại thích trái lớn, trắng, đẹp và nhằm tăng năng suất mà nông dân sử dụng thuốc BVTV vô tội vạ. Bên cạnh đó, do cây mãng cầu nhiều sâu bệnh nên nông dân phun thuốc nhiều và có khuynh hướng sử dụng lượng thuốc pha tăng gấp nhiều lần so với hướng dẫn sử dụng. Việc lạm dụng thuốc BVTV, phân bón vô cơ cùng với chất kích thích tăng trưởng làm cây bị suy kiệt, bị nhiều loại bệnh; dư lượng thuốc BVTV tồn dư cao trong sản phẩm; đất bị chai cứng và gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.

Ông Hà Chí Mãng- Giám đốc HTX mãng cầu Thạnh Tân (TP. Tây Ninh) cho biết, để trái mãng cầu Bà Đen có uy tín, mở rộng thị trường, đòi hỏi nông dân và các ngành chuyên môn phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ thương hiệu, vừa nâng cao chất lượng, giá trị, vừa bảo đảm sức khoẻ người tiêu dùng bằng cách từng bước thay đổi tập quán canh tác theo quy trình sản xuất mãng cầu sạch (theo tiêu chuẩn GAP) và hướng đến việc sản xuất hữu cơ (Organic).

Xác định HTX là tác nhân chính trong chuỗi liên kết để phát triển sản xuất - kinh doanh sản phẩm mãng cầu Bà Đen - Tây Ninh theo hướng VietGAP hiệu quả và bền vững, trong những năm qua, HTX ứng dụng công nghệ và tham gia chuỗi giá trị sản xuất. Đến nay, HTX đã đạt được một số kết quả nhất định như: cung ứng vật tư nông nghiệp, tư vấn kỹ thuật cho các thành viên cũng như các hộ nông dân trong vùng; tham gia tiêu thụ sản phẩm; từng bước sử dụng phân bón hữu cơ và dùng thuốc sinh học trong quá trình sản xuất.

“Việc sản xuất sản phẩm sạch và hướng đến sản xuất hữu cơ hiện nay có những khó khăn, nhất là về thị trường tiêu thụ nên nông dân chưa mặn mà. Bên cạnh đó, trình độ sản xuất và ứng dụng khoa học kỹ thuật của người nông dân khi tham gia sản xuất sản phẩm sạch và hướng đến sản xuất hữu cơ còn nhiều hạn chế nên chất lượng sản phẩm, năng suất chưa cao; chi phí trong việc cấp giấy chứng nhận sản phẩm cao làm tăng chi phí sản xuất và tăng giá thành sản phẩm”- ông Mãng chia sẻ.

Ông Mãng mong rằng Nhà nước sớm có chính sách hỗ trợ tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ; đẩy mạnh công tác quản lý, kiểm tra thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn… để từ đó phát triển nền nông nghiệp hữu cơ. Mặt khác, thị trường cũng cần có đủ thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học để người nông dân được thuận lợi trong quá trình canh tác.

Theo Trung tâm Khoa học và Công nghệ (thuộc Sở KH&CN), trên địa bàn tỉnh có khoảng 21.000 ha cây ăn trái. Trong những năm gần đây, tỉnh đã xây dựng đề án chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp để nghiên cứu, đánh giá lại sản xuất. Trong đó, tỉnh xác định loại cây trồng có lợi thế để duy trì, mở rộng diện tích và có giải pháp khuyến khích thu hẹp những cây trồng không lợi thế, kém hiệu quả.

Hiện tại, phương thức sản xuất cây ăn trái theo hướng hữu cơ vẫn chưa được nông dân mặn mà áp dụng. Việc phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ nói chung và cây ăn trái hữu cơ nói riêng là hoàn toàn đúng đắn, vì chỉ có nông nghiệp hữu cơ mới bền vững. Trong tương lai, đây sẽ là xu hướng, là tất yếu, nên cần được phổ biến và nhân rộng để nông dân tiếp cận và mạnh dạn đầu tư, tăng giá trị nông sản.

Phát biểu tại một hội thảo về trồng cây ăn trái theo hướng nông nghiệp hữu cơ được tổ chức ở Tây Ninh, TS. Nguyễn Đăng Nghĩa- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn nông nghiệp nhiệt đới cho biết, Tây Ninh là một trong số các tỉnh thuộc vùng Đông Nam bộ đang chú trọng chuyển đổi và tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng ưu tiên phát triển cây ăn trái nhiệt đới. Một số loại cây ăn trái có hiệu quả kinh tế cao đã được tăng diện tích như bưởi, sầu riêng, xoài, chuối, mãng cầu... đem lại giá trị tăng thêm từ 3 - 4 lần so với cây truyền thống. Tỉnh cần xác định nhóm cây ăn trái phù hợp và có lợi thế, từ đó xây dựng chuỗi liên kết “tổ chức trồng, bảo quản chế biến và tiêu thụ sản phẩm” một cách chắc chắn, bền vững.

Theo TS. Nguyễn Đăng Nghĩa, cần phải xây dựng kỹ thuật canh tác cây ăn trái tại Tây Ninh theo hướng canh tác hữu cơ, nghĩa là phải có kế hoạch để “hữu cơ hoá” kỹ thuật canh tác đối với các loại cây ăn trái có lợi thế, đặc thù của tỉnh. Để thực hiện được điều này, ngành nông nghiệp Tây Ninh cần có sự chuẩn bị các nguồn vật tư đầu vào như các chủng loại phân bón và thuốc BVTV phù hợp với kỹ thuật canh tác theo hướng hữu cơ. Bên cạnh đó, khuyến khích các doanh nghiệp, trang trại, gia trại tự khai thác các nguồn nguyên liệu có nhiều ở Tây Ninh để chế biến phân hữu cơ phục vụ cho chương trình này.

Nguồn nguyên liệu có lợi thế ở Tây Ninh có thể kể đến như: than bùn; bã mía và bã khoai mì; bánh dầu, thân lá và vỏ đậu phộng; rơm rạ và vỏ trấu; thân lá của bèo lục bình; phế phụ phẩm của nhà máy chế biến trái cây; thân lá và cùi bắp. Nguồn nguyên liệu trên có thể sử dụng công nghệ ủ men vi sinh hoặc dùng sản xuất than sinh học (Biochar) để bón cho đất trồng.

TRÚC LY

Tin cùng chuyên mục