Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi kết luận hội nghị trực tuyến về Phát triển thị trường khoa học và công nghệ (KHCN) đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập diễn ra vào chiều 23.9.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh.
Cùng chủ trì hội nghị có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt.
Tham dự tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh có Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, các doanh nghiệp tiêu biểu về ứng dụng KHCN trên địa bàn.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đến vai trò của thị trường trong phát triển kinh tế, cùng với sự điều tiết của nhà nước (với các công cụ) trong việc can thiệp vào thị trường nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.
“Thị trường KHCN nước ta là một trong những yếu tố quan trọng trong thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, Thủ tướng nhấn mạnh. Từ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, thị trường KHCN bước đầu đã hình thành, phát triển và đạt những kết quả nhất định. Tuy nhiên, so với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và so với các thị trường khác, thị trường KHCN phát triển chậm hơn, còn nhiều vướng mắc, chưa gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng với nhu cầu sản xuất kinh doanh, kết nối cung cầu.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030) xác định phát triển mạnh thị trường KHCN gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về KHCN kết nối có hiệu quả các sàn giao dịch công nghệ quốc gia, các trung tâm ứng dụng chuyển giao tiến bộ KHCN ở các địa phương.
Do vậy, theo Thủ tướng, phát triển mạnh thị trường KHCN là một trong những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu thúc đẩy phát triển KHCN đổi mới sáng tạo để đạt bức phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang phát triển mạnh mẽ.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, nhu cầu và năng lực tiếp cận, hấp thụ và làm chủ công nghệ mới, công nghệ tiên tiến của các doanh nghiệp ngày càng tăng cao và cải thiện. Giá trị giao dịch hàng hóa khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020 tăng bình quân hàng năm, đạt 20,9%, một số lĩnh vực tăng mạnh như chế biến thực phẩm tăng 24,2%, tài chính ngân hàng tăng 24,9%, chế biến gỗ tăng 27,4%. Đặc biệt, lĩnh vực điện tử máy tính tăng 30,5%. Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị trung bình giai đoạn 2016-2020 đạt 12,47% (tăng 16,82% so với giai đoạn 2011-2015).
Hiện nay, có hơn 800 tổ chức trung gian thị trường khoa học và công nghệ đã hình thành và đi vào hoạt động. Số lượng sàn giao dịch công nghệ đã có sự phát triển mạnh mẽ. Các địa phương đều quan tâm công tác phát triển thị trường này thông qua việc kiện toàn bộ máy quản lý về doanh nghiệp và thị trường KHCN, thúc đẩy hoạt động chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KHCN, hoạt động xúc tiến thị trường KHCN.
Cũng theo Bộ Khoa học và Công nghệ, còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển thị trường KHCN. Cụ thể là các vướng mắc về quyền tài sản và xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ KHCN; về định giá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ. Thị trường KHCN còn thiếu vắng các tổ chức trung gian có uy tín, kinh nghiệm. Việc giao dịch mua bán công nghệ hiện nay chủ yếu được diễn ra dưới hình thức hợp đồng mua sắm máy móc, thiết bị, vật tư, trong đó yếu tố chuyển giao công nghệ còn rất hạn chế hoặc không có.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để phát triển thị trường KHCN trong thời gian tới, trên cơ sở lấy khoa học là nền tảng, nhà khoa học là động lực, doanh nghiệp là trung tâm, phù hợp với bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Trong đó, cần tập trung nâng cao nhận thức về thị trường KHCN; tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách để thị trường KHCN phát triển đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nghị đúng theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng.
Các bộ, ngành, địa phương cần thúc đẩy phát triển nguồn cung và cầu của thị trường này, nâng cao năng lực hấp thu, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, đẩy mạnh hợp tác giữa doanh nghiệp và viện nghiên cứu, trường đại học; đẩy mạnh kết nối cung cầu, người mua và người bán, sản xuất và tiêu dùng.
Bên cạnh đó, xây dựng chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo, xây dụng, chia sẻ dữ liệu lớn để phát triển trí tuệ nhân tạo; đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái KHCN, thị trường KHCN đồng bộ và toàn diện hơn nữa.
C.T