Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Nhân Ngày Sách Việt Nam 21.4
Phát triển văn hoá đọc trong giới trẻ
Thứ tư: 08:17 ngày 21/04/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Công nghệ phát triển, sự xuất hiện của nhiều kênh thông tin giải trí trên mạng internet đã hình thành thói quen đọc tin tức trên mạng. Sự phong phú của vô số kênh thông tin trên internet, truyền hình, mạng xã hội… làm cho giới trẻ bị cuốn hút, dẫn đến việc lười đọc.

Ðông đảo thiếu nhi tham gia Chương trình góc trao đổi sách của Hội đồng Ðội thị xã Hoà Thành.

Công nghệ phát triển, sự xuất hiện của nhiều kênh thông tin giải trí trên mạng internet đã hình thành thói quen đọc tin tức trên mạng. Sự phong phú của vô số kênh thông tin trên internet, truyền hình, mạng xã hội… làm cho giới trẻ bị cuốn hút, dẫn đến việc lười đọc.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít bạn trẻ yêu thích đọc sách, báo. Với các bạn, mỗi cuốn sách như một người bạn dẫn dắt, đồng hành đến những chân trời mới.

Ðọc sách là phương pháp học tập hữu hiệu

Anh Nguyễn Thanh Quang (SN 1991, ngụ phường Hiệp Tân, thị xã Hoà Thành) chia sẻ, thời sinh viên, một lần tình cờ vào hiệu sách cũ và mua một quyển văn học, anh cảm thấy thích thú, từ đó yêu thích đọc sách. Ðối với anh, đọc sách không chỉ để giải trí mà còn là một sự trải nghiệm, trau dồi kiến thức. Mỗi năm anh đọc trung bình từ 15-20 đầu sách các loại, trong đó chủ yếu là thể loại văn học, sách giáo dục kỹ năng sống, sách chuyên ngành...

Ðể thoả niềm đam mê đọc sách, anh Quang thành lập nhóm đọc sách khoảng 10 người đến từ khắp nơi trong nước, làm việc ở nhiều ngành nghề khác nhau. Mỗi tháng, nhóm chọn đọc chung một cuốn sách, gặp nhau một lần để thảo luận và trao đổi về cuốn sách đó; giới thiệu những quyển sách mà mỗi cá nhân đọc được cho mọi người biết và tham khảo trên fanpage của nhóm. Ðến nay, fanpage của nhóm nhận được nhiều phản hồi tích cực từ đông đảo bạn trẻ.

Theo anh Quang, người đọc cần tìm hiểu thể loại sách mà mình yêu thích, biết mình nên đọc sách gì và đọc sách để làm gì. Có như vậy, người đọc mới nuôi dưỡng được tình yêu đối với sách. “Sách là kho tàng kiến thức vô tận.

Ðọc sách không những giúp tôi trau dồi kiến thức chuyên môn trong công việc mà còn là cách để tôi giải toả căng thẳng sau những giờ làm việc mệt mỏi. Ngày cuối tuần, chỉ cần một tách cà phê, một quyển sách yêu thích, với tôi, đó đã là thiên đường”- anh Quang nói.

Lâm Nhật Quang, học sinh lớp 11 Văn, Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha cho biết, em đam mê đọc sách sau những lần tìm đọc sách văn học phục vụ việc học. Qua 1 năm học, Quang đọc được hơn 20 đầu sách thuộc các thể loại như: văn học, phê bình văn học, văn học nước ngoài...

Ngoài đọc sách, báo in, Quang còn tìm hiểu sách, báo trên mạng internet. “Ðối với em, đọc sách là một phương pháp học tập hữu hiệu. Nhờ đọc sách, em rèn luyện được khả năng sử dụng từ ngữ phong phú, giúp học tốt môn Văn học và tiến bộ hơn trong viết lách.

“Ðể hình thành thói quen đọc sách, người đọc cần có sự chọn lọc, phải tìm được thể loại sách mình yêu thích. Ðối với em, những câu chữ trong sách luôn thấm thía hơn những câu nói giao tiếp. Chính vì vậy, em thích đọc sách, báo hơn xem phim ảnh vì nó mang đến cảm xúc chân thật hơn”- Quang chia sẻ.

Chương trình Góc trao đổi sách của Hội đồng Ðội thị xã Hoà Thành thu hút sự tham gia của đông đảo các em thiếu nhi.

Hình thành thói quen đọc cho người trẻ

Ông Bùi Minh Tuấn- Giám đốc Thư viện tỉnh nhận định: giới trẻ bây giờ vẫn thích đọc sách nhưng lại không có kỹ năng đọc. Các bạn không biết lựa chọn đầu sách phù hợp. Nếu xác định mục đích đọc để làm gì, đọc như thế nào thì bạn trẻ sẽ lựa chọn được cho mình cuốn sách ưng ý, từ đó có thể phát huy được giá trị mà sách mang lại.

Ðể hình thành thói quen đọc sách cho người trẻ, theo ông Bùi Minh Tuấn, các bạn cần tiếp cận sách một cách đúng đắn, hình thành văn hoá đọc cho bản thân; người đọc nên tìm sách ở những nơi có uy tín, như thư viện, nhà sách lớn, tránh tiếp cận sách lậu, sách mang những thông tin không cần thiết. Khi đọc, nên sàng lọc thông tin, chọn sách đúng ngành nghề, phù hợp với lứa tuổi. Ðọc sách không cần đọc nhiều, nên đọc những gì có ích cho bản thân.

“Bạn trẻ cần tập “sống chậm” với từng con chữ trên sách, báo để tìm thấy những giá trị tri thức vô tận của chúng. Các bạn nên cân đối thời gian cho việc đọc sách bên cạnh những trò chơi giải trí hiện đại, hình thành thói quen tốt, giúp phát triển tri thức”- ông Tuấn chia sẻ.

Theo ông Tuấn, thói quen đọc sách nên được hình thành từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường, giúp các em bổ sung kiến thức trong học tập, trau dồi kỹ năng đọc viết… Ðể phát triển văn hoá đọc trong giới trẻ, Thư viện tỉnh tổ chức nhiều hoạt động như: các buổi đọc chung tại Thư viện; mô hình Tủ sách lưu động cho trẻ em vùng sâu, vùng xa; phối hợp các trường học đưa học sinh đến tham quan, tìm hiểu thư viện; khuyến khích các mô hình thư viện, tủ sách tư nhân để các bạn trẻ dễ tiếp cận sách…

Ðặc biệt, để bạn đọc dễ tiếp cận với sách, Thư viện tỉnh đang triển khai chương trình chuyển đổi công nghệ số ngành Thư viện với hàng ngàn đầu sách điện tử được kiểm duyệt một cách cẩn thận, bảo đảm việc đọc sách mọi lúc, mọi nơi của các bạn trẻ.

Các bạn đoàn viên, thiếu nhi đọc sách tại thư viện Trường tiểu học Trường Hoà B, thị xã Hoà Thành.

Anh Nguyễn Tiến Tân- Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết, để phát triển văn hoá đọc trong giới trẻ, Tỉnh đoàn, Hội đồng Ðội tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động như: mô hình “Mỗi ngày một câu chuyện đẹp, một cuốn sách hay, một tấm gương sáng”; mô hình “Góc trao đổi sách”; phối hợp Câu lạc bộ Ban Liên lạc cựu cán bộ Ðoàn Thanh niên Việt Nam phía Nam tặng 2.000 đầu sách cho các trường học vùng sâu, vùng xa…

Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn còn phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam 21.4 với tên gọi “Sách- người bạn của tôi” giới thiệu những quyển sách hay, ý nghĩa, bổ ích cho các bạn trẻ, kêu gọi đoàn viên thanh niên tích cực đọc sách, phát triển tri thức, kỹ năng. Chương trình dự kiến thực hiện 20 số, phát sóng trên fanpage của Tỉnh đoàn, bắt đầu vào ngày 21.4.2021.

Ngọc Bích

Tin cùng chuyên mục