Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Phía sau bản án tử hình
Thứ bảy: 08:07 ngày 02/12/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chỉ vì không cần phải lao động vất vả mà vẫn kiếm được nhiều tiền, không ít người bất chấp tất cả, kể cả mạng sống để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Khi hối hận thì đã muộn màng. Hệ luỵ mà họ để lại là nỗi đau khôn tả của người thân.

Các bị cáo trong đường dây “vận chuyển trái phép chất ma tuý” tại phiên toà sáng ngày 30.11

Ngày 30.11, TAND tỉnh tuyên sơ thẩm mức án tử hình về tội “Vận chuyển trái phép chất ma tuý” đối với 5 bị cáo: Nguyễn Hồng Phước (còn gọi là Sò Em, 27 tuổi); Nguyễn Văn Tuấn (25 tuổi, cùng ngụ xã An Thạnh, huyện Bến Cầu); Nguyễn Duy Khánh (35 tuổi, ngụ xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu); Võ Tấn Phượng (39 tuổi, ngụ huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh). Riêng Phan Văn Khanh (50 tuổi, ngụ xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, có 1 tiền án về tội “Buôn lậu” rượu ngoại) còn bị Hội đồng xét xử tuyên phạt 6 tháng tù về tội “Vận chuyển hàng cấm”, tổng hợp hình phạt chung cả 2 tội danh là tử hình; Lâm Gia Đạt (25 tuổi, ngụ xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu) bị tuyên mức án tù chung thân về cùng hành vi “Vận chuyển trái phép chất ma tuý”.

Theo cáo trạng, Nguyễn Hồng Phước, Võ Tấn Phượng, Nguyễn Duy Khánh, Phan Văn Khanh, Nguyễn Văn Tuấn, Lâm Gia Đạt từng tham gia vận chuyển ma tuý từ Campuchia về Việt Nam, đem đến Thành phố Hồ Chí Minh giao cho người khác để hưởng lợi.

Trong đó, Phước là người tổ chức, chịu trách nhiệm liên hệ với người Campuchia để nhận ma tuý, thuê Tuấn, Khanh đem về Việt Nam giao lại cho Phước để Phước giao lại cho Phượng và Khánh vận chuyển đến Thành phố Hồ Chí Minh, Đạt là người canh đường.

Ngày 1.8.2022, Khanh vận chuyển ma tuý loại Ketamine, khối lượng 19.651,9791g, được đựng trong một thùng giấy có 50 bao thuốc lá điếu hiệu Hero xếp phía trên thùng ma tuý để nguỵ trang từ Campuchia về Việt Nam giao cho Tuấn.

Tuấn giao lại cho Phước, Phước giao cho Khánh chở Phượng áp tải ma tuý vận chuyển đến Thành phố Hồ Chí Minh giao cho người khác, Đạt canh đường thì bị bắt quả tang.

Tại phiên toà, phần lớn các bị cáo đều thành khẩn khai báo và cho biết dù nghi vấn hàng hoá trong thùng hàng được thuê vận chuyển là ma tuý, nhưng vì tiền, các bị cáo vẫn cố tình vi phạm pháp luật.

Khối lượng ma tuý quá lớn, hơn nữa trong vụ án này, các bị cáo có tổ chức, phân công vai trò cụ thể cho từng người trong quá trình vận chuyển, dù ghi nhận những ý kiến của các luật sự bào chữa như trình độ học vấn thấp, hoàn cảnh gia đình khó khăn, con còn nhỏ… nhưng các bị cáo có nhiều tình tiết tăng nặng nên Hội đồng xét xử không thể áp dụng tình tiết giảm nhẹ.

Mặt khác, ma tuý đang là vấn đề nhức nhối của xã hội, những tác hại và hệ luỵ của ma tuý gây ra cho xã hội không thể cân đong đo đếm được, cần phải có mức hình phạt nghiêm khắc để răn đe và ngăn ngừa tội phạm liên quan đến ma tuý.

Nói lời sau cùng, các bị cáo đều mong muốn Hội đồng xét xử xem xét cho cơ hội làm lại cuộc đời. Họ nghẹn ngào, ăn năn trước viễn cảnh vợ con thân sơ, thất sở, mặc cảm với xã hội vì có chồng, có cha là tử tội. Thế nhưng, đã quá muộn màng, cái giá phải trả cho lòng tham là 5 án tử hình và một án chung thân.

Phiên toà kết thúc, các bị cáo được áp giải về trại giam. Tiếng còi hụ xe tù vang lên hoà cùng tiếng khóc nấc của người thân. Có người vợ không còn đứng vững để bước đi mà phải có người dìu; có người mẹ ngồi bệt xuống đất ôm mặt khóc thảm thiết…

Vợ của một bị cáo nói trong tiếng nấc, giờ chị phải bán khô, mắm phụ cho người bà con để kiếm tiền nuôi hai đứa con còn nhỏ, đứa lớn 10 tuổi, đứa nhỏ mới 4 tuổi.

Chị không biết rồi đây cuộc sống của mẹ con chị như thế nào khi mà gánh nặng cuộc sống đè nặng lên đôi vai người mẹ trẻ. Tuy nhiên, chị vẫn hỏi luật sư bào chữa về khả năng chồng chị kháng cáo lên cấp phúc thẩm.

Khi dắt tay hai đứa con nhỏ rời toà về nhà ở một huyện biên giới, chị nói: “Dù sao cũng tình nghĩa vợ chồng, giờ em chỉ biết cầu nguyện cho chồng em, biết đâu có một phép màu nào đó”.

Tầm Hoan

Tin cùng chuyên mục