Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Phía sau việc Hoàng tử Andrew và Harry không mặc quân phục
Thứ tư: 10:31 ngày 14/09/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Tang lễ nữ hoàng Anh đã tuân theo thông lệ truyền thống, thay vì có những thay đổi như khi Nữ hoàng Elizabeth II tổ chức lễ tang cho Hoàng thân Philip vào năm 2021.

Câu chuyện xoay quanh người con thứ ba của Nữ hoàng Elizabeth II rộ lên khi Hoàng tử Andrew, Công tước xứ York, mặc trên mình bộ âu phục, khác biệt với những bộ quân phục của ba người con còn lại - Vua Charles III, Công chúa Anne và Hoàng tử Edward.

Không chỉ Hoàng tử Andrew, Hoàng tử Harry, cháu của cố nữ hoàng Anh, cũng sẽ không được mặc quân phục trong suốt tang lễ.

Việc hai hoàng tử không mặc quân phục là lẽ tất yếu theo quy định hoàng gia, song nguyên nhân dẫn tới việc này từng tốn không ít giấy mực của truyền thông và nổ ra nhiều làn sóng trái chiều.

Quy định hoàng gia

Theo quy định về lễ phục hoàng gia, những thành viên đảm nhận công việc hoàng gia hay từng phục vụ trong quân đội sẽ mặc quân phục trong các sự kiện như Lễ diễu hành của Quân đội Hoàng gia (Trooping the Colour), Ngày Tưởng niệm và tang lễ cấp nhà nước.

Do đó, những người không còn đảm nhận vai trò hoàng gia như Hoàng tử Harry và Hoàng tử Andrew không được phép mặc quân phục là điều tất yếu.

Hồi tháng 6, hai hoàng tử cũng không xuất hiện ở ban công Điện Buckingham cùng gia đình hoàng gia khi mừng Đại lễ Bạch kim của Nữ hoàng Elizabeth II.

Hoàng tử Andrew mặc âu phục trong lễ rước linh cữu nữ hoàng Anh đến nhà thờ St. Giles ngày 12/9. Ảnh: AFP.

Trong lễ tang của Hoàng thân Philip vào tháng 4/2021, nữ hoàng Anh đã quy định tất cả thành viên hoàng gia sẽ mặc âu phục thay vì quân phục, để "mọi người đều bình đẳng”.

Việc phá vỡ truyền thống lâu đời như vậy diễn ra trong bối cảnh hoàng gia xác nhận sẽ không tổ chức quốc tang cho Hoàng thân Philip do những quy định giãn cách trong đại dịch Covid-19. Tuy vậy, giới quan sát cho rằng quyết định này cũng phần nào đến từ việc Hoàng tử Harry và Hoàng tử Andrew vào thời điểm đó đang vướng vào những tranh cãi, theo Independent.

Hoàng tử Harry khi đó đã bị thu hồi các tước hiệu, và vấp phải ý kiến trái chiều vì trở về Anh sau khi thông báo sẽ rời hoàng gia và sống ở Bắc Mỹ. Còn ông Andrew đang vướng phải những cáo buộc quấy rối tình dục, dù thời điểm đó ông chưa bị thu hồi tước hiệu.

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định tính chất của tang lễ Nữ hoàng Elizabeth II là rất khác.

“Đây là quốc tang của một vị quân vương từ năm 1952”, biên tập viên Roya Nikkhah của tờ Sunday Times nói. “Đây là sự kiện lớn, do đó Vua Charles III sẽ muốn mọi thứ phải hoàn toàn chính xác về mặt nghi thức. Do đó các thành viên không làm công việc hoàng gia sẽ không được mặc quân phục".

Ngoại lệ cho Hoàng tử Andrew

Dù vậy, Điện Buckingham xác nhận Hoàng tử Andrew vẫn sẽ được phép mặc quân phục khi túc trực cùng các thành viên hoàng gia trong lễ viếng nữ hoàng tại Đại sảnh Westminster, nhằm thể hiện sự tôn trọng dành cho nữ hoàng.

Đây là truyền thống bắt nguồn từ năm 1936, khi những người con của Vua George V đứng canh gác bên linh cữu ông. Từ đó, truyền thống "Các hoàng tử Canh thức" (Vigil of the Princes) ra đời và tồn tại đến ngày nay.

Tuy vậy, lễ tang nữ hoàng Anh mới là lần thứ ba nghi thức này được áp dụng, sau tang lễ của Vua George V và Vương hậu Elizabeth Bowes-Lyon, mẹ của cố nữ hoàng.

Trong nhiều tháng qua, những người thân cận với Hoàng tử Andrew nói rằng vị công tước xứ York có nguyện vọng trở lại đảm nhận công việc hoàng gia.


Hoàng tử Andrew (phải) trong bộ quân phục khi giữ chức đại tá quân cận vệ Grenadier, đứng cạnh Nữ hoàng Elizabeth II trong lễ diễu binh năm 2019. Ảnh: Sunday Times.

Tuy vậy, những đồn đoán nhanh chóng bị dập tắt khi nguồn tin từ Điện Buckingham nói rằng không có chuyện ông Andrew sẽ được trở lại làm công việc hoàng gia, dù bây giờ hay sau này, theo Sunday Times.

Trước đây, nữ hoàng luôn dành tình cảm đặc biệt cho Hoàng tử Andrew. Bà từng để công tước xứ York dẫn mình đến ghế ngồi trong lễ tang Hoàng thân Philip.

Nhưng khi nữ hoàng qua đời, cơ hội quay trở lại công việc hoàng gia của ông Andrew hầu như tiêu tan. Vua Charles III trước đây luôn cương quyết không để cho những tranh cãi liên quan đến Hoàng tử Andrew ảnh hưởng đến danh tiếng gia đình. Người con kế vị là Hoàng tử William cũng ủng hộ quyết định của vua cha.

Do đó, lễ tang của nữ hoàng sẽ là một trong những dịp hiếm hoi ông được phép mặc lại bộ quân phục.

Truyền thông cho biết nhiều khả năng ông Andrew sẽ mặc quân phục phó đô đốc, quân hàm duy nhất ông đang nắm giữ, sau khi Nữ hoàng Elizabeth II thu hồi các tước hiệu quân đội danh dự, bao gồm đại tá đội cận vệ Grenadier. Ông cũng từ bỏ danh hiệu Điện hạ Vương gia (His Royal Highness) vào tháng 1 trước khi giải quyết các bê bối pháp lý.

Ông từng suýt được thăng chức thành đô đốc vào năm 2020, nhưng điều đó đã không xảy ra sau khi ông trả lời phỏng vấn BBC và bảo vệ mối quan hệ của mình với nhà tài phiệt Jeffrey Epstein, người vướng vào bê bối quấy rối tình dục.

Vào tháng 2, công tước xứ York đã trả khoảng 12 triệu bảng Anh để hòa giải đơn kiện của người tố cáo, bà Virginia Giuffre, sau nhiều tháng tranh cãi pháp lý. Ông khẳng định mình không làm gì sai trái.

Những bê bối kéo dài hơn 2 năm khiến Hoàng tử Andrew không đảm nhận các công việc hoàng gia, dẫn tới quyết định bị thu hồi tước hiệu.

Hoàng tử Harry tươi cười khi bà Elizabeth II đến dự diễu binh vào năm 2006. Ảnh: PA.

Quyết định "đau đớn" cho Hoàng tử Harry

Việc ưu ái cho Hoàng tử Andrew mặc quân phục có thể khiến Hoàng tử Harry hụt hẫng, đặc biệt khi ông từng có 10 năm phục vụ quân đội, theo Independent. Một nguồn tin đã xác nhận ông Harry sẽ không mặc quân phục trong bất kỳ hoạt động nào tại lễ tang.

Quyết định này có thể gây "đau đớn" cho ông Harry, khi ông từng hai lần hoạt động ở Afghanistan cũng như tham gia nhiều hoạt động nghĩa vụ quân sự, theo bà Nikkhah.

Hồi năm 2021, Hoàng tử Harry cũng nói rằng mình cảm thấy buồn khi bị nữ hoàng thu hồi các tước hiệu quân đội danh dự, bao gồm quân hàm đại tướng Thủy quân lục chiến Hoàng gia, sau khi ông và vợ Meghan Markle năm 2020 thông báo từ bỏ vai trò hoàng gia và quyết định sống tại Bắc Mỹ.

Nữ hoàng Elizabeth II khi đó đã xác nhận rằng nếu một thành viên từ bỏ công việc hoàng gia, họ không còn thích hợp đảm bảo các trách nhiệm và chức vị của hoàng tộc. Do đó các tước vị, chức vị danh dự trong quân đội và vai trò bảo trợ hoàng gia của Hoàng tử Harry và vợ Markle sẽ bị thu hồi.

Nguồn Zing

Tin cùng chuyên mục