Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Phiên dịch ngoại giao- kết nối những miền văn hoá
Thứ hai: 17:03 ngày 23/01/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong những cuộc gặp gỡ giữa hai bên, có vai trò vô cùng quan trọng của những phiên dịch viên ngoại giao.

Ông Thân Trọng Minh với những bằng khen, hình ảnh gắn liền với công tác ngoại giao 40 năm qua.

Là một tỉnh biên giới, công tác ngoại giao luôn là nhiệm vụ chính trị được lãnh đạo tỉnh quan tâm. Những buổi ký kết hợp tác, trao đổi thông tin hay viếng thăm nhân dịp lễ, tết… giữa các ban, ngành từ tỉnh, huyện đến xã thường xuyên được hai bên tổ chức. Và trong những cuộc gặp gỡ ấy, có vai trò vô cùng quan trọng của những phiên dịch viên ngoại giao. Họ không chỉ là người chuyển ngữ, thông ngôn mà còn kết nối những miền văn hoá, con người và trái tim; mang đến sự thấu hiểu và sẻ chia giữa các quốc gia, dân tộc.

Hơn 40 năm làm công tác ngoại giao

Một buổi chiều, trong căn nhà nhỏ tại ấp Bình Hoà, xã Thái Bình, huyện Châu Thành, ông Thân Trọng Minh ngồi soạn lại tờ giấy thông hành, quyển hộ chiếu đã ngả màu thời gian; những kỷ niệm chương gắn liền với 40 năm công tác trong lĩnh vực ngoại giao của mình.

Ông Minh nhớ lại, năm 1979, khi đang là giáo viên tại Tà Nông (xã Hoà Thạnh, huyện Châu Thành), ông viết đơn tình nguyện tham gia nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia. Trước đó, gia đình ông sinh sống ở gần biên giới, từ khi mới năm, sáu tuổi, cậu bé Thân Trọng Minh đã thành thạo cả tiếng Việt lẫn tiếng Campuchia. Vì vậy, khi sang đất bạn, ông Minh được cử làm phiên dịch tổng hợp cho đoàn chuyên gia Việt Nam tại tỉnh Kampong Cham.

Từ kiến thức của bản thân cũng như học hỏi từ người dân bản địa, ông Minh ngày càng thành thạo tiếng Khmer. Ông đã giúp các chuyên gia truyền đạt những kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, các kiến thức về y tế, giáo dục lẫn quân sự đến với cán bộ, người dân Campuchia. Những thành tựu của đất nước “Chùa Tháp” hôm nay, có một phần đóng góp của người con quê hương Tây Ninh- Thân Trọng Minh. Ông đã được nhà nước Campuchia tặng Huân chương Lao động hạng Nhất.

Năm 1989, ông Minh về lại quê hương, làm việc tại Văn phòng UBND tỉnh, sau chuyển sang Sở Ngoại vụ, phụ trách Phòng Quan hệ hợp tác quốc tế. Dù là phiên dịch cho lãnh đạo tỉnh hay lãnh đạo Sở, ông Minh đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Hơn 30 năm làm nghề phiên dịch, ông đã tận mắt nhìn thấy những thành tựu trong đối ngoại giữa Tây Ninh và các tỉnh láng giềng. Đó là khi cột mốc 171 (Mộc Bài)- cột mốc đầu tiên trên đường biên giới giữa Việt Nam - Campuchia theo Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới năm 1985 do Chính phủ hai nước ký kết năm 2005- khánh thành; là con đường hữu nghị mang tên Kampong Cham - Tây Ninh được xây dựng; là hàng trăm hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam được đưa về đất mẹ… Dường như, không có cuộc ngoại giao nào vắng bóng ông.

Chị Trường An (áo dài xanh) hỗ trợ Hội LHPN tỉnh trong lễ ký kết Bản thoả thuận hợp tác với Hội Phụ nữ Campuchia vì hoà bình và phát triển tỉnh Tboung Khmum.

Ngày về hưu, hành trang đầy tự hào của ông Minh là những bằng khen của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch UBND tỉnh trong công tác ngoại vụ địa phương; công tác biên giới lãnh thổ; trong việc thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Vương quốc Campuchia qua các thời kỳ chiến tranh; bằng khen phiên dịch xuất sắc… cùng nhiều kỷ niệm chương của các ngành.

“10 năm ở Campuchia là những năm tháng tôi không thể ở cạnh cha mẹ, nhớ quê hương da diết. Nhưng tôi tự hào vì mình đã hy sinh một phần của tuổi trẻ cho bằng hữu quốc tế. Những năm qua, tôi đã phục vụ trọn vẹn cho tình hữu nghị giữa Việt Nam - Campuchia, cho tình đoàn kết của Tây Ninh và các tỉnh bạn giáp biên. Đó là tài sản lớn nhất mà tôi có được”- ông Minh chia sẻ.

Cầu nối giữa lực lượng quân sự hai bên

Hơn 20 năm nay, Thiếu tá Phạm Quang Sáng là một trong những phiên dịch viên công tác đối ngoại quốc phòng của Bộ CHQS tỉnh. Năm 1999, sau 2 năm học tiếng Campuchia tại Trường trung cấp Biên phòng, Thiếu tá Phạm Quang Sáng bắt đầu tiếp cận việc biên dịch, phiên dịch trong lĩnh vực quân sự.

“Thời của tôi ngày trước không có nhiều phương tiện học ngoại ngữ như bây giờ, internet chưa phát triển, điện thoại thông minh càng không có. Học ngoại ngữ chủ yếu qua đĩa CD, hoặc sách báo mà thôi.

Lúc đó, tôi luôn tranh thủ những đợt công tác của đơn vị sang Campuchia, hay anh em từ phía bên kia sang mà nhờ đặt mua báo, các đĩa phim, ca nhạc để cập nhật vốn từ. Thậm chí, khi cầm chai nước, gói thuốc từ nước bạn, mình cũng đọc để học thêm được gì là học”- Thiếu tá Phạm Quang Sáng nhớ lại.

Để có thêm vốn từ và kỹ năng làm việc, anh Sáng còn tham gia lớp ngôn ngữ của Trường trung cấp Trinh sát (Tổng cục II); học kỹ năng ngoại giao và kỹ năng biên dịch, phiên dịch tại Trung tâm Biên - Phiên dịch Quốc gia của Bộ Ngoại giao.

“Phiên dịch ngoại giao đòi hỏi sự tập trung cao, chỉ sau công việc của kiểm soát viên không lưu và phi công. Người phiên dịch phải nhạy bén, hiểu biết nhất định, phải có sự chuẩn bị chu đáo.

Đặc biệt là phải rèn luyện kỹ năng làm việc, nói chuyện, kể cả cách làm việc với lãnh đạo cấp cao. Khi phiên dịch trực tiếp, những nội dung nào chưa rõ, mình phải hỏi lại ngay, nhất định không được ngại”- anh Sáng nói.

Chị Nhật Linh (giữa) chụp ảnh lưu niệm cùng các cô gái Campuchia đến từ tỉnh Prey Veng.

Hiện nay, ngoài phụ trách công tác thông tin đối ngoại giữa Bộ CHQS tỉnh với các tỉnh bạn giáp biên, Thiếu tá Phạm Quang Sáng còn hỗ trợ thông ngôn cho các huyện biên giới khi có các buổi sơ kết, tổng kết hoạt động ngoại giao; những dịp trao đổi thông tin giữa chính quyền các xã giáp biên, giúp các địa phương giữ được tình hữu hảo hai bên.

Theo anh Sáng, làm phiên dịch ngoại giao, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị chu đáo, không chỉ là tài liệu mà ngay cả sức khoẻ, tinh thần cũng phải thật tốt cho buổi làm việc giữa hai bên. Chính sự cẩn trọng, chu đáo đó, những năm qua, Thiếu tá Phạm Quang Sáng luôn hoàn thành tốt vai trò “cầu nối” giữa lực lượng quân sự hai bên.

Xây dựng đội ngũ kế thừa

Nhằm trang bị cho cán bộ, công chức ở cấp xã, huyện biên giới và các sở, ngành tỉnh có quan hệ, làm việc bằng tiếng Khmer, phục vụ trong công tác đối ngoại và công tác tuyên truyền, năm 2008, UBND tỉnh có Quyết định số 2834 ban hành kế hoạch đào tạo tiếng Khmer đối với cán bộ, công chức giai đoạn từ năm 2009-2010 và định hướng đến năm 2020. 

Anh Trần Công Phi hỗ trợ Hội LHPN tỉnh phiên dịch tại tỉnh Prey Veng (Ảnh: Vi Xuân)

Anh Trần Công Phi, hiện là chuyên viên của Phòng Lãnh sự hợp tác quốc tế- Sở Ngoại vụ đến với công tác phiên dịch tiếng Campuchia như một cái duyên. Anh Phi cho biết, sau khi tỉnh có kế hoạch đào tạo tiếng Khmer, năm 2009, anh được tỉnh đưa sang Campuchia học ngôn ngữ.

“Lúc đó, tôi hoàn toàn chưa biết tiếng. Sang đó tôi học chữ cái, ráp vần và hội thoại. Tôi tận dụng thời gian rảnh ở trường, ra ngoài giao tiếp với người dân. Khoá đào tạo 18 tháng đã giúp tôi có những kiến thức nền tảng phục vụ cho công việc hiện tại”- anh Phi chia sẻ.

Sau khi hoàn thành khoá học, anh Phi từng bước làm quen với những văn bản tiếng Campuchia, bắt đầu những chuyến công tác ngoại giao giữa Tây Ninh với các địa phương nước bạn. Từ thực tiễn, đi cùng các chú, các anh, anh Phi dần tích luỹ kinh nghiệm và trở thành một trong những phiên dịch chính tiếng Campuchia của Sở hiện nay.

Anh Phi chia sẻ: “Không chỉ phụ trách một chuyên ngành, mà tất cả các lĩnh vực từ y tế đến giáo dục, lực lượng vũ trang đến văn hoá, du lịch, mình đều phải tìm hiểu và tường tận để có thể hỗ trợ các sở, ban, ngành. Phiên dịch ngoại giao không đơn giản chỉ là chuyển từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác mà còn đòi hỏi phải khéo léo, linh hoạt.

Ví dụ, khi không khí hội nghị căng thẳng, đôi bên có thể sử dụng những câu chữ không hay, là người đứng giữa, người phiên dịch phải nhanh trí, thể hiện câu nói đúng nội dung nhưng không ảnh hưởng đến mối bang giao, giữ được hoà khí song phương”.

Thiếu tá Phạm Quang Sáng hỗ trợ lãnh đạo UBND xã Tân Hà, huyện Tân Châu phiên dịch trong buổi trao đổi thông tin với các xã biên giới của huyện Memot, tỉnh Tboung Khmum.

Năm 2014, UBND tỉnh ban hành quyết định cử 12 du học sinh của tỉnh đến Đại học Hoàng gia Phnom Penh (Vương quốc Campuchia) tham gia lớp cử nhân Văn học Khmer. Sau 4 năm, mọi người trở về và công tác tại một số đơn vị của tỉnh như Công an tỉnh, Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia tỉnh, UBND các huyện biên giới Tân Biên, Bến Cầu, Châu Thành...

Chị Ngô Thị Trường An (Sở Ngoại vụ) là một trong 12 du học sinh chia sẻ, trước đây, ba chị công tác ở Công an tỉnh và cũng thành thạo tiếng Campuchia. Nhưng ba mất sớm, chị An chưa được học ngôn ngữ này từ ba.

“Khi được tỉnh đưa đi đào tạo, tôi nghĩ, đây là cơ duyên để tôi tiếp nối con đường của ba. Tôi đang cố gắng để có thể học thật nhiều, tham gia thật nhiều hội nghị giữa Tây Ninh và các tỉnh giáp biên cũng như hỗ trợ các sở, ngành phiên dịch khi cần thiết. Đi nhiều, làm nhiều là cơ hội để tôi trưởng thành và tự tin hơn trong công việc”- chị Trường An chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Hồng (Giám đốc Sở Ngoại vụ) cùng anh Công Phi, chị Trường An tặng quà cho đại diện Văn phòng tỉnh Svay Rieng.

Còn cô bạn Nguỵ Trương Nhật Linh hiện đang công tác tại Văn phòng HĐND - UBND huyện Bến Cầu. Dù công việc chuyên môn chính hiện nay là lĩnh vực HĐND, nhưng Linh vẫn tranh thủ thời gian ôn lại kiến thức ngôn ngữ Campuchia. Khi huyện có những hội nghị giao ban, hay buổi trao đổi thông tin giữa các ngành, các xã giáp biên, Linh đều tham gia hỗ trợ biên dịch, phiên dịch.

Trường An và Nhật Linh còn cho biết, cả hai đang tham gia dạy tiếng Khmer tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên của tỉnh. Đây cũng là một cách đóng góp của các bạn trẻ trong công tác đào tạo ngôn ngữ dân tộc thiểu số cho tỉnh nhà.

Anh Trần Công Phi (thứ 3 từ trái sang) tham gia phiên dịch cùng đoàn công tác dỡ bỏ mốc cũ trên biên giới Việt Nam - Campuchia.

“Những anh chị em làm công tác phiên dịch ngoại giao không chỉ đóng vai trò quan trọng trong chuyển ngữ, mà còn kết nối sự đa dạng giữa các nền văn hoá, các quốc gia. Qua đó, giúp lãnh đạo hai dân tộc, nhân dân hai nước hiểu rõ nhau hơn để cùng hợp tác, thực hiện tốt và có hiệu quả ba trụ cột: đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Nhân dân; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII nói chung”- ông Nguyễn Thành Nhân- Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ chia sẻ.

N.D

Tin cùng chuyên mục