Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Phố vẫn ào ạt dòng xe vào ba buổi: sáng, trưa, chiều- nhất là trên các tuyến đi tới các công sở, xí nghiệp hay trường học. Ðộ năm giờ chiều, đi trên phố Nguyễn Thái Học, Võ Thị Sáu luôn gặp cảnh phụ huynh đón con ùn ứ trước cổng trường. Cũng có chút ít vui vui, thay vì toàn xe máy xe đạp những năm chưa xa, nay đã có cả hàng chục xe con. Người giàu nhiều hơn quá rõ.
Có đến mấy năm rồi, không còn được nghe tiếng rao: “Bánh mì Sài Gòn vừa ngon vừa rẻ, bánh mì Sài Gòn đặc ruột thơm ngon”. Cả đến câu rao bền bỉ mấy năm nay cho dừa xiêm và dừa dứa Bến Tre cũng không còn nữa. Nó đã biến mất như những tiếng rao thuốc diệt và keo dính chuột.
Tiếng rao bánh giò đã lâu không nghe vừa quay lại: “Ai chưng gai bánh giò đây”. Vẫn như xưa, tiếng rao vụt qua rất nhanh. Ðến độ ai muốn mua cũng không kịp gọi. Mới xuất hiện vài tháng nay thôi nhưng luôn làm náo nức phố phường là anh chị đi bán vé số dạo. Thùng loa trên bánh xe kéo dọc đường. Anh chị vừa đi vừa hát những bài ca mùi mẫn.
Thật là biết nắm bắt thị hiếu xã hội quá đi thôi! Nhiều đài truyền hình đang lấy âm nhạc bolero làm chủ lực; trên phố Tây Ninh cũng có tiếng loa thùng nức nở. Những: “người yêu tôi đâu rồi…” hay: “Anh không đi tìm người yêu nhan sắc mỹ miều/ Anh không đi tìm người yêu say đắm xa hoa…”. Và không chỉ có các anh chị rao vé số! Cả một vài cửa hàng, gia đình cũng gọi karaoke di động về hát với nhau cho đến đêm khuya.
Dạo này, phố có thêm những xe hàng rong không cần rao hay mời mọc. Ðấy là những xe chở tượng ông Ðịa, hay ông thiềm thừ từ Campuchia sang bán. Chắc là chẳng đẹp bằng những món tương tự ở nước mình. Nhưng lạ hơn, chỉ vì mùi thơm xá xị toả lan. Vậy cần gì rao nữa!
Những người rời quê lên phố đã quen dần các âm thanh của phố. Và cũng dần quen lối sống phố phường. Ði xe máy phải biết tuân theo vài điều phổ thông của luật. Như ở ngã tư có trụ đèn thì đèn xanh mới đi, đèn đỏ đèn vàng dừng lại. Có quẹo trái cũng phải biết nhường đường cho người thẳng đường đang phóng tới. Rồi nhớ bật đèn báo hiệu (xi-nhan). Ði bộ phải lên vỉa hè v.v.
Nói đến vỉa hè lại nhớ rằng, dân phố Tây Ninh chưa có thói quen đi bộ (ngoại trừ việc đi bộ để tập luyện, tăng cường sức khoẻ). Nên ban ngày, hở ra một cái là các nhà phố, các cửa hàng trưng dụng ngay vỉa hè làm chỗ để xe. Lại có loại vỉa hè, được “xã hội hoá” nên thành ra khấp khểnh.
Nơi nào phát đạt làm ăn thì vỉa hè được xây đắp cao thêm. Nơi khó khăn, dù có chỗ lún sụt, hay gạch lát bong lên cũng đành “nguyên vị”. Ðường Cách Mạng Tháng Tám là một điển hình.
Nhìn bao quát một đoạn hè phố dài, thấy như một con đường khấp khểnh, y như phố là một cô gái đẹp nhưng hàm răng có đến quá nửa là răng khểnh. Chuyện này không ai rõ bằng các cô bác đi bộ mỗi ngày vào muộn chiều hay sáng sớm. Các bác ấy có thể thuộc nơi nào có viên gạch lát cập kênh hay chỗ có quai sắt nắp hố ga dễ vấp.
Phố vẫn ào ạt dòng xe vào ba buổi: sáng, trưa, chiều- nhất là trên các tuyến đi tới các công sở, xí nghiệp hay trường học. Ðộ năm giờ chiều, đi trên phố Nguyễn Thái Học, Võ Thị Sáu luôn gặp cảnh phụ huynh đón con ùn ứ trước cổng trường. Cũng có chút ít vui vui, thay vì toàn xe máy xe đạp những năm chưa xa, nay đã có cả hàng chục xe con. Người giàu nhiều hơn quá rõ.
Vào giờ ấy, ai muốn ngắm phố thênh thang cứ ra đường Nguyễn Chí Thanh, Trường Chinh hay Bời Lời, Ðiện Biên Phủ. Tha hồ thông thoáng, thật là lý tưởng để các nhóm thanh niên càn quấy đua xe. Ðôi khi chúng cũng không tha các phố cũ ban ngày thường quá tải.
Như trên đường Cách Mạng Tháng Tám hay Lê Lợi vẫn có tiếng gầm gừ nẹt pô, hay rú rít tăng ga vào giữa đêm khuya. Vài bà lão nhân từ chợt tỉnh, lại cầu nguyện cho bọn trẻ khỏi đâm xe vào góc đường hay gốc cây mà chết. Nói dại, nếu lỡ lăn quay ra đấy còn tội nghiệp cả con đường phố. Nó sẽ bị gắn thêm tên là điểm đen tai nạn giao thông.
Nghĩ về phố, nên nửa đêm ra phố. Ðứng ở giữa hai trụ đèn tín hiệu trên đường Lê Lợi ngắm nhìn. Ồ lạ chưa! Những xe máy, xe hơi vẫn dừng lại khi đèn bật đỏ, dù con đường cắt ngang chẳng có bóng dáng xe nào. Phần lớn người của phố đã biết rõ cách cư xử như người thành phố.
Thêm một phát hiện nữa. Nửa đêm là lúc phố sạch bong, bởi các chị quét rác vừa đi qua, quét sạch từng chiếc lá. Sau một ngày trĩu nặng bước chân và bánh xe lăn, cùng gánh nặng những lo toan con người, những phố đông mới tạm thời thanh thản ngủ. Giấc ngủ không sâu trong nhoà nhạt ánh đèn đường. Phố đêm như một người già mất ngủ. Chỉ nhắm mắt để đấy vài giờ rồi đợi đến sớm mai, rộn rã tiếng giày dép người đi bộ. Rồi phố dần đầy lên, trĩu nặng những dòng xe cùng bao thứ âm thanh ồn ã phố phường.
NGUYỄN