Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Phó Thủ tướng: Bộ Giáo dục sớm có ý kiến về giáo dục từ xa
Thứ ba: 16:01 ngày 10/03/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ GD-ĐT xem xét và sớm có ý kiến về việc cho các trường triển khai phương thức giáo dục từ xa trong mùa dịch Covid-19.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ GD-ĐT xem xét kiến nghị của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam.

Cụ thể, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo giao Bộ GD-ĐT xem xét và sớm có ý kiến về kiến nghị khẩn này.

Về kiến nghị thực hiện học từ xa trong mùa dịch, trước đó, 2 hiệp hội nói trên đã 2 lần trình lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (công văn số 04/HH-VP ngày 20/2 và công văn số 05/HH-VP ngày 26/2) kiến nghị cho khẩn trương triển khai chuyển sang áp dụng đại trà các phương thức dạy học từ xa (mà trước tiên là dạy học qua truyền hình) ở quy mô toàn quốc ngay trong mùa dịch Covid-19 này.

Kiến nghị nêu: "Hiện cả nước có hàng trăm kênh truyền hình từ trung ương đến địa phương. Đây là lợi thế để triển khai giải pháp này. Nhà nước nên huy động các kênh truyền hình cùng tham gia vào hoạt động giảng dạy nhiều giờ trong ngày, thậm chí cả ngày, theo hình thức phi lợi nhuận".

Đến ngày 28/2, Văn phòng Chính phủ có phúc đáp, chỉ đạo Bộ GD-ĐT xem xét kiến nghị của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GD-ĐT nghiên cứu tiếp thu các kiến nghị của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam trong quá trình chỉ đạo, điều hành ngành giáo dục ứng phó với diễn biến của dịch Covid-19; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Ngày 2/3, các hiệp hội này lại tiếp tục có kiến nghị lần 3 về việc cho các trường triển khai phương thức giáo dục từ xa trong mùa dịch.

Kiến nghị nêu rõ: "Hiện trong xã hội vẫn đang tồn tại song song 2 quan điểm trái ngược nhau là cần cho học sinh, sinh viên tiếp tục nghỉ học vì tình hình dịch bệnh rất nghiêm trọng, trong khi trường học là nơi tập trung học sinh nên nguy cơ lây lan sẽ rất lớn. Trong khi, nhiều ý kiến cho rằng, phải cho học sinh, sinh viên đi học trở lại ngay vì khung thời gian đã kịch trần, kéo dài thời gian nghỉ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới toàn thể hệ thống giáo dục và còn kéo theo nhiều hậu quả tiêu cực khác. "Như vậy, bài toán đặt ra đối với giáo dục Việt Nam hiện nay là cần sớm có được một giải pháp vĩ mô để chủ động đối phó với mọi diễn biến của dịch", bản kiến nghị nêu.

Thậm chí, bản kiến nghị còn dẫn thông tin: Báo chí các nước nêu rằng việc thay thế phương pháp dạy truyền thống trên lớp bằng các phương thức dạy học từ xa (bao gồm dạy qua truyền hình, dạy trực tuyến online…) đã được triển khai ở Trung Quốc, Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác.

Hiệp hội đã nghị lên Thủ tướng sớm có quyết định chỉ thị cho Bộ GD-ĐT phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài truyền hình Việt Nam và UBND các tỉnh, thành phố lên kế hoạch triển khai việc dạy học từ xa, trước hết là dạy học qua truyền hình cho khối giáo dục phổ thông trước ngày học sinh đến trường đại trà.

Ngoài ra, Hiệp hội cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ thị cho Bộ GD-ĐT công nhận kết quả học trực tuyến của các trường đã chủ động triển khai nghiêm túc trong đợt dịch vừa qua.

Ngày 25/2, trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng, việc học trực tuyến không phải hình thức mới đối với các trường đại học. Nhiều trường hiện cũng đã công nhận kết quả học tập này. Tuy nhiên đối với cấp phổ thông, việc giáo dục còn mang tính chất giáo dục con người, do đó cần phải dạy học trực tiếp.

“Bộ cũng sẽ tiếp thu ý kiến này và sẽ nghiên cứu. Tuy nhiên đây là một vấn đề mang tính khoa học, cho nên có thể sử dụng để bổ trợ chứ không thể thay thế việc dạy tại phổ thông. Dạy chữ phải gắn với dạy người nên rất cần sự giao tiếp trực tiếp, từ đó hình thành phẩm chất và năng lực của học sinh”, Thứ trưởng Độ nói.

Ngày 3/3, trong thư cầu cứu của 150 cơ sở giáo dục tư thục gửi Thủ tướng và các bộ ban ngành, ngoài những đề xuất về các chính sách tài chính, các tổ chức này cũng đề nghị xem xét công nhận giá trị pháp lý của hình thức học trực tuyến.

Hiện nay, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, một số địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Nam Định, Đồng Nai...đã tổ chức ôn tập cho học sinh cuối cấp trên truyền hình địa phương. Các trường đại học thì triển khai song song dạy trực tuyến kết hợp với việc đến trường.

Nguồn vietnamnet

Tin cùng chuyên mục