Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình: Đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
Thứ năm: 18:53 ngày 19/12/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Trong bối cảnh mới, các cơ quan chức năng, lực lượng tuyên truyền viên pháp luật cũng cần tham gia, sử dụng không gian mạng xã hội, internet, truyền thông một cách sâu, rộng; hướng đến các đối tượng cụ thể, các giới, các ngành, các lĩnh vực... để thực hiện nhiệm vụ nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.

Đây là nhấn mạnh của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kết Chỉ thị 32-CT/TW tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 9/12/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Hội nghị được tổ chức sáng 19/12, tại Trụ sở Chính phủ.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Vi phạm pháp luật do không hiểu biết pháp luật có chiều hướng ngày càng giảm

Với quan điểm “Phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng”, ngay sau khi Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư được ban hành, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã phối hợp với các ban, ngành, địa phương tổ chức quán triệt, phổ biến Chỉ thị tới cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên của bộ, ngành, đoàn thể mình và các tầng lớp nhân dân dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Theo báo cáo tổng kết, tình hình vi phạm pháp luật do không hiểu biết pháp luật có chiều hướng ngày càng giảm. Số vụ việc vi phạm hành chính, năm 2017, tổng số vụ việc vi phạm bị phát hiện: 8.398.944 vụ việc (giảm 14,6% so với kỳ báo cáo năm 2016); tổng số đối tượng bị xử phạt: 7.791.015 đối tượng, giảm khoảng 20% so với kỳ báo cáo năm 2016). Năm 2018, tổng số vụ việc vi phạm bị phát hiện: 6.623.670 vụ việc (giảm 21,1% so với kỳ báo cáo năm 2017); tổng số đối tượng bị xử phạt: 6.544.491 đối tượng, giảm khoảng 16% so với kỳ báo cáo năm 2017).

Nhờ việc triển khai tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nhiều xã trên toàn quốc đã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Tính đến cuối năm 2018 đã có 8.805 xã/11.147 đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, chiếm 79%.                                                         

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá, các cấp ủy đảng, chính quyền đã nghiêm túc quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 32; phương thức lãnh đạo, chỉ đạo có nhiều đổi mới, từ đó giúp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời gian qua đạt nhiều kết quả tích cực.

Trong đó, nhận thức về vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của các cấp ủy đảng, người đứng đầu các cơ quan ngày càng được nâng lên. Phổ biến, giáo dục pháp luật đã thực sự trở thành một nội dung của công tác giáo dục chính trị-tư tưởng, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.

Thể chế, chính sách về phổ biến, giáo dục pháp luật cơ bản đã hoàn thiện và đầy đủ, đặc biệt là sự ra đời của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 đã tạo lập khuôn khổ pháp lý vững chắc cho lĩnh vực này, giúp cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được triển khai đồng bộ thống nhất, xuyên suốt trên phạm vi cả nước với sự quy định rõ ràng, cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp, các ngành, địa phương.

Các Chương trình, Đề án, Kế hoạch trung hạn, dài hạn và hằng năm về phổ biến, giáo dục pháp luật được ban hành, tổ chức thực hiện tập trung nguồn lực với nhiều giải pháp đột phá nhằm tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật tại một số địa bàn, lĩnh vực, đối tượng đặc thù, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn.

Nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng đa dạng hóa, sát với nội dung, đối tượng, địa bàn. Việc triển khai công tác này được gắn với việc tăng cường mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã dần đi vào chiều sâu, thực chất, phát huy hiệu quả trên thực tế.

Phó Tổng giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang cùng các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp, đội ngũ Báo cáo viên pháp luật, Tuyên truyền viên pháp luật được củng cố, kiện toàn đủ về số lượng, bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Ngày Pháp luật Việt Nam hàng năm đã được triển khai đồng bộ trên cả nước từ năm 2013 thực sự trở thành sự kiện chính trị, pháp lý của đất nước. Từ đó, ý thức tự tìm hiểu pháp luật để sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật của cán bộ, nhân dân được nâng lên. Tình hình vi phạm pháp luật do không hiểu biết pháp luật giảm dần, qua đó khẳng định vị trí, vai trò của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong đời sống pháp luật của đất nước.

Sử dụng không gian mạng để tuyên truyền pháp luật hiệu quả

Bên cạnh kết quả đạt được, Phó Thủ tướng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế: ý thức, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu ở một số cơ quan, đơn vị đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn chưa đầy đủ; thậm chí vẫn còn quan niệm phổ biến, giáo dục pháp luật là nhiệm vụ của ngành Tư pháp.

Ở một số nơi, cách thức phổ biến, giáo dục pháp luật còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm, thậm chí phân tán nguồn lực, chậm đổi mới hoặc chưa phù hợp với nội dung, tính chất của đối tượng, địa bàn. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng đặc thù đã được quan tâm nhưng chưa có chiều sâu. Việc huy động các nguồn lực chưa đạt nhiều kết quả cụ thể, ứng dụng công nghệ thông tin chưa thực sự mạnh mẽ; xây dựng, khai thác, sử dụng tủ sách pháp luật hiệu quả chưa cao,...

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các cơ quan chức năng tiếp tục quán triệt, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức xã hội về vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trước yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa với vị trí là bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; là khâu đầu tiên của hoạt động thi hành pháp luật, gắn với đặc thù của Việt Nam về văn hóa, điều kiện kinh tế - xã hội mang tính chất vùng miền; là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó Nhà nước giữ vai trò nòng cốt.

Theo Phó Thủ tướng, xác định đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở nước ta hiện nay là yêu cầu mang tính tất yếu khách quan, nhất là trước bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế nhằm xây dựng một xã hội đề cao các giá trị của quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trên tinh thần dân chủ, pháp quyền trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; để sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật thực sự trở thành nhu cầu tự thân, hàng ngày của mỗi người.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đổi mới giáo dục pháp luật phải dựa trên nguyên lý lý luận gắn liền với thực tiễn, thực hành, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình, giáo dục xã hội; chú trọng đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên báo chí, các phương tiện thông tin truyền thông đại chúng.

Phó Thủ tướng lưu ý trong bối cảnh mới của internet, mạng xã hội,... có cả những thông tin tốt, hướng đến chân thiện mỹ, những tấm gương người tốt việc tốt nhưng mặt trái là những thông tin xấu độc hại, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội. Vì vậy Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan chức năng, lực lượng tuyên truyền viên pháp luật cần chủ động tham gia, sử dụng không gian mạng xã hội, internet, truyền thông một cách sâu, rộng; hướng đến các đối tượng cụ thể, các giới, các ngành, các lĩnh vực để thực hiện nhiệm vụ nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, trong đó chú ý khu vực trường học, khu công nghiệp, người công nhân, người lao động,...

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Bên cạnh đó, báo chí phải thực sự trở thành diễn đàn thể hiện tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của người dân đối với pháp luật; nêu gương người tốt, việc tốt trong tuân thủ, chấp hành Hiến pháp và pháp luật; phản ánh, lên án mạnh mẽ các hành vi vi phạm pháp luật.

Dẫn lại như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, Phó Thủ tướng đề nghị quan tâm bố trí nguồn lực thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chú trọng giáo dục nêu gương người tốt, việc tốt trong xây dựng, thực thi pháp luật. Cùng với yếu tố nguồn lực về con người, cần quan tâm, bố trí kinh phí, có chế độ, chính sách hợp lý để triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật bảo đảm cân đối giữa các vùng miền, đối tượng, địa bàn, ưu tiên địa bàn cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện khó khăn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Phó Thủ tướng yêu cầu cần phối kết hợp giữa triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với hoạt động hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở và hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án để gắn kết chặt chẽ hơn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với hoạt động thi hành pháp luật, bảo vệ pháp luật. Đánh giá công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là cơ sở thực tiễn quan trọng để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Phó Thủ tướng đề nghị, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Nội chính Trung ương phối hợp chặt chẽ với Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Cán sự đảng Chính phủ, Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan trong triển khai các nhiệm vụ công tác, tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng, cấp ủy đảng đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói riêng, tổ chức thi hành pháp luật nói chung.

Nguồn TTXVN

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục