Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Theo quy hoạch tỉnh được phê duyệt, tầm nhìn đến năm 2050, Hậu Giang sẽ là trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng ĐBSCL.
Ngày 12-12, UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ông Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ, cùng một số Bộ, ngành và nhiều doanh nghiệp tham dự.
Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, thông tin theo Quy hoạch tỉnh, mục tiêu đến năm 2030, Hậu Giang trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá của vùng ĐBSCL. Ảnh: CHÂU ANH
Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào ngày 8-12.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, Hậu Giang trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá của vùng ĐBSCL. Đồng thời, có hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ; có các vùng động lực về kinh tế, công nghiệp, đô thị hiện đại; các giá trị văn hóa, lịch sử được bảo tồn và phát huy...
Tầm nhìn đến năm 2050, Hậu Giang là tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước, là trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng ĐBSCL. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, môi trường sống trong lành, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Về tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội, Hậu Giang phân thành bốn vùng, gồm vùng Trung tâm gồm TP Vị Thanh và huyện Vị Thủy; vùng Đô thị - Công nghiệp gồm huyện Châu Thành, huyện Châu Thành A; vùng Công nghiệp - Du lịch sinh thái gồm TP Ngã Bảy và huyện Phụng Hiệp; vùng Đô thị - Nông nghiệp sinh thái gồm thị xã Long Mỹ và huyện Long Mỹ.
Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức hai hành lang kinh tế, được xác định theo tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao năm đột phá chiến lược Hậu Giang đã đề ra trong quy hoạch tỉnh. Phó Thủ tướng cũng lưu ý Quy hoạch đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển của từng địa phương.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang: "Chưa bao giờ cơ hội đến với Hậu Giang lớn như hiện nay". Ảnh: CHÂU ANH
Do đó, trong quá trình triển khai, các địa phương cần tuân thủ, linh hoạt, đồng bộ. Đặc biệt đẩy mạnh quảng bá, tuyên truyền rộng rãi đến người dân, cộng đồng các nội dung trong bản Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Hậu Giang cần chú trọng việc thực hiện liên kết vùng, đặc biệt là đầu tư hạ tầng giao thông.
“Chưa bao giờ cơ hội đến với Hậu Giang lớn như hiện nay, thứ nhất là cơ sở hạ tầng mà đặc biệt là hai cao tốc “gặp nhau” trên đại bàn tỉnh, không phải địa phương nào cũng có được điều này đâu và đường đi đến đâu thì giàu có đi đến đó.
Thứ hai là Hậu Giang có đội ngũ cán bộ đã tiếp nối được truyền thống những người đi trước, đã khai thác được lợi thế và đâu đó đã có sự thay đổi, đột phá, đổi mới trong cách nghĩ, cách làm” - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhận xét.
Quang cảnh Hội nghị Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: CHÂU ANH
Phó Thủ tướng cũng cho rằng Hậu Giang vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức, đó là “tiền ít, mong muốn nhiều và nhu cầu cao”, trong khi quy định hiện hành còn chồng chéo, còn chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu.
Từ đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị lãnh đạo tỉnh Hậu giang ngoài việc bám sát định hướng phát triển trong Quy hoạch đã được phê duyệt, cần có cách tiếp cận mới linh hoạt hơn. Cạnh đó, người đứng đầu phải làm gương truyền cảm hứng cho mọi người, cho nhà đầu tư về các cơ chế, chính sách khi thực hiện đầu tư vào Hậu Giang.
Cũng tại Hội nghị công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đã trao Quyết định cho thuê đất, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Biên bản ghi nhớ và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 12 doanh nghiệp.
Nguồn PLO