Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ngày 19.1, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình chủ trì hội nghị trực tuyến tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020, phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2021-2030.
Tuổi trẻ Tân Châu gom rác bảo vệ môi trường. Ảnh: Ðức Kiên
Dân số trong độ tuổi thanh niên giảm
Lãnh đạo Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, giai đoạn 2011-2020, thanh niên Việt Nam có khoảng 23.684.000 người, chiếm 24,3% dân số, trong đó, tỷ lệ nam thanh niên là 51,5% và nữ thanh niên 48,5%. Những năm gần đây, cấp uỷ, chính quyền các cấp, các ngành và toàn xã hội ngày càng quan tâm, tạo điều kiện chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục thanh niên phát triển toàn diện.
Thế hệ thanh niên Việt Nam ngày nay vẫn giữ vững, phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc; vững vàng về bản lĩnh, tự tin, năng động, sáng tạo, tích cực, chủ động trong học tập, trau dồi kiến thức, kỹ năng, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước; có khát vọng và ý chí vươn lên lập thân, lập nghiệp; tham gia khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội.
Là nguồn nhân lực trẻ, được tiếp cận và thụ hưởng nền văn hoá, giáo dục hiện đại, thanh niên ngày càng nhận thức rõ hơn về nghĩa vụ và trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội; quan tâm đến các vấn đề chính trị, xã hội của đất nước, khu vực và thế giới; sẵn sàng xung kích, tình nguyện đến những địa bàn khó khăn, gian khổ của đất nước để rèn luyện, cống hiến và trưởng thành; chủ động, tích cực học tập, góp phần hình thành thế hệ công dân Việt Nam toàn cầu mới với năng lực, tự tin hội nhập tốt.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, kỹ thuật, sự bùng nổ của thông tin, mạng xã hội trong kỷ nguyên số, thanh niên đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, thanh niên được đào tạo tốt nghiệp đại học nhưng năng lực thực hành chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, tình trạng thất nghiệp, thiếu thông tin và cơ hội việc làm, việc làm không ổn định, thu nhập thấp gia tăng, đặc biệt trong giai đoạn gần đây, do tác động của dịch bệnh Covid-19 trên quy mô toàn cầu.
Tình trạng chênh lệch, mất cân bằng về nguồn lực và chất lượng giữa lực lượng lao động thanh niên ở khu vực nông thôn với thành thị, giữa khu vực đồng bằng với miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn cao; thanh niên còn nhiều hạn chế về kiến thức, kỹ năng, thiếu chủ động trong việc bảo vệ, chăm sóc, nâng cao tầm vóc, sức khoẻ.
Các thế lực thù địch sử dụng mọi âm mưu, thủ đoạn nhằm kích động, lợi dụng, lôi kéo thanh niên chống phá sự nghiệp cách mạng của Ðảng; những thông tin giả mạo, xuyên tạc, không được kiểm chứng xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội và các phương tiện thông tin; sự du nhập ồ ạt của các sản phẩm văn hoá nước ngoài...
Trong công tác quản lý Nhà nước, mặc dù những năm qua, cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp đã ban hành và cụ thể hoá nhiều chủ trương, chính sách phát triển thanh niên, song, còn một số bộ, ngành, địa phương chưa chú trọng công tác theo dõi, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện. Hiện nay, còn thiếu những chính sách đặc thù đối với nhóm thanh niên dễ bị tổn thương, thanh niên là người dân tộc thiểu số; thanh niên ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; thanh niên từ 16 tuổi đến 18 tuổi...
Dự báo giai đoạn 2021-2030, dân số trong độ tuổi thanh niên những năm tới vẫn theo xu hướng giảm dần so với cơ cấu dân số cả nước. Năm 2020 đã giảm 6,5% so với năm 2015, kéo theo sự suy giảm nguồn lực lao động trẻ của đất nước.
Tình hình thế giới và trong nước với thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen sẽ tác động mạnh mẽ, trực tiếp đến diễn biến tư tưởng, tâm lý và sự phát triển của thanh niên. Sự phát triển nhanh chóng, đột phá của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ mở ra cho thanh niên những cơ hội lớn để phát triển, năng lực, sức sáng tạo, tính cạnh tranh, khả năng tiếp cận, chủ động thích ứng và hội nhập quốc tế. Thanh niên sẽ có nhu cầu cao về thông tin, giao lưu, hội nhập, du lịch, vui chơi, giải trí; sẽ hướng tới và đòi hỏi nhiều hơn về dân chủ và công bằng xã hội, về việc làm và các chính sách xã hội.
Kết quả thực hiện chiến lược giai đoạn 2011-2020 cho thấy, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, giáo dục pháp luật cho thanh niên được các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: tổ chức các diễn đàn trao đổi, toạ đàm, truyền hình thực tế; đặc biệt, các cuộc thi trực tuyến như: “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Olympic các môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh “Ánh sáng soi đường”, tìm hiểu lịch sử văn hoá dân tộc “Tự hào Việt Nam”… nhằm cụ thể hoá Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15.5.2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh là nhiệm vụ quan trọng của các cấp, các ngành, luôn được đặt lên hàng đầu trong việc thực hiện mục tiêu đào tạo thế hệ thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện về đạo đức, tri thức, sức khoẻ, thẩm mỹ và nghề nghiệp. Ngày 4.12.2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg về tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, trong đó quy định rõ trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Ðào tạo, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên.
Ngành Giáo dục đã tổ chức truyền thông, nâng cao nhận thức để học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, nhóm dễ bị tổn thương, người dân tộc thiểu số/miền núi, hải đảo/vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn không bỏ học, kết quả là tỷ lệ học sinh bỏ học giảm, tỷ lệ đi học đúng độ tuổi ngày càng tăng.
Tính đến năm 2020, có 63,03% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ trung học phổ thông và tương đương, khoảng cách trong tiếp cận giáo dục giữa vùng dân tộc thiểu số so với vùng thuận lợi dần được thu hẹp.
Chất lượng giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, nghề nghiệp được nâng lên; các đoàn học sinh dự thi Olympic quốc tế và thi tay nghề đều đạt kết quả cao. Trong thời gian dịch bệnh Covid-19, ngành Giáo dục đã tiếp cận dạy và học qua internet, truyền hình với nhiều hình thức khác nhau.
Các bộ, ngành, địa phương đã có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để thanh niên là cán bộ, công chức, viên chức được tham gia các khoá đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, tin học, ngoại ngữ, tiếng dân tộc thiểu số, kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia nghiên cứu khoa học...
Các cấp bộ Ðoàn, Hội đẩy mạnh tổ chức các hoạt động thúc đẩy phong trào thi đua học tập, nghiên cứu khoa học thông qua các cuộc thi Olympic môn học, chuyên ngành, các hội nghị, diễn đàn khoa học, hoạt động của các câu lạc bộ học thuật tạo môi trường cho học sinh, sinh viên giao lưu, học hỏi, nâng cao kiến thức, trang bị phương pháp học tập, kỹ năng thực hành, tư duy sáng tạo.
Các quỹ học bổng, giải thưởng như Vừ A Dính, Nguyễn Thái Bình, Quỹ hỗ trợ và phát triển sinh viên Việt Nam, Mobifone - Vì tương lai Việt, Nhất nghệ tinh, Canon chắp cánh nhân tài, học bổng Osla… được duy trì và ngày càng thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, hỗ trợ thanh thiếu niên trên các lĩnh vực học tập, nghiên cứu khoa học, phát triển cộng đồng.
Còn nhiều hạn chế, bất cập
Bên cạnh những mặt đạt được, việc thực hiện chiến lược cũng còn nhiều hạn chế, bất cập.
Nhiều bộ, ngành Trung ương mới chỉ quan tâm đến chính sách phát triển thanh niên của cơ quan mình, chưa chú trọng ban hành cơ chế, chính sách phát triển thanh niên thuộc ngành, lĩnh vực quản lý, thiếu hướng dẫn cụ thể việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, đề án của chiến lược đối với các sở, ngành ở địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, dẫn đến tình trạng các địa phương lúng túng khi triển khai thực hiện và Sở Nội vụ gặp nhiều khó khăn khi tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện chiến lược.
Một số bộ, ngành, địa phương xây dựng chỉ tiêu phát triển thanh niên còn mang tính chủ quan, thiếu cơ sở khoa học, chưa xuất phát từ yêu cầu thực tế, giải pháp còn chung chung, lộ trình thực hiện thiếu khả thi.
Một số chỉ tiêu phát triển thanh niên chưa được các cấp, các ngành triển khai thực hiện đồng bộ, chưa được đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của bộ, ngành, địa phương, đặc biệt các chỉ tiêu liên quan đến sức khoẻ, sức khoẻ sinh sản, sức khoẻ tình dục của thanh niên.
Còn nhiều bộ, ngành, địa phương chưa đạt được các chỉ tiêu phát triển thanh niên đã đề ra; chưa thực sự chủ động triển khai nhiệm vụ tổng kết chiến lược, còn thiếu thông tin và các số liệu cơ bản về thanh niên, chủ yếu dựa trên số liệu của tổ chức Ðoàn Thanh niên cùng cấp, chưa dự báo được xu hướng và tình hình thanh niên của bộ, ngành, địa phương.
Các đề xuất, kiến nghị nêu trong báo cáo tổng kết chiến lược của bộ, ngành, địa phương chủ yếu tập trung vào các nhiệm vụ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thanh niên, chưa đề xuất được các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển thanh niên cụ thể của từng ngành, lĩnh vực cho giai đoạn 10 năm tới.
Việc thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, sáp nhập về tổ chức bộ máy dẫn đến nhiều khó khăn cho các bộ, ngành, địa phương khi tổ chức triển khai nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên nói chung, nhiệm vụ thực hiện chiến lược nói riêng.
Nhiều nhiệm vụ, đề án thực hiện chiến lược của các bộ, ngành, địa phương còn chưa hoàn thành hoặc chậm tiến độ, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thực hiện chiến lược chung của cả nước. Sự tham gia của thanh niên vào quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật cho chính mình còn nặng về hình thức; một bộ phận thanh niên còn thờ ơ, thiếu quan tâm hoặc vô cảm đối với những vấn đề xã hội; chưa nhận thức đầy đủ về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của bản thân đối với gia đình và xã hội.
Sức trẻ quân đội. Ảnh: Thuý Ngô
Rường cột nước nhà
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, thời gian qua, tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật rất đáng báo động, riêng năm 2020 xảy ra hơn 4.000 vụ thanh niên vi phạm pháp luật.
“Nhiều thanh thiếu niên sử dụng trái phép chất ma tuý nhưng không hề có ý thức rằng đó là chất độc hại, hành vi đó là vi phạm pháp luật mà chỉ nghĩ rằng đó như một trò chơi”- Thứ trưởng Lương Tam Quang chia sẻ. “Mọi thanh niên lớn lên đều chịu tác động của những hành vi, việc làm tiêu cực, nhưng tại sao có thanh niên hư hỏng, có thanh niên học hành đàng hoàng, thành công trong cuộc sống? Qua công tác đấu tranh, lực lượng Công an rút ra kết luận rằng, vai trò của gia đình, nhà trường, xã hội hết sức quan trọng trong việc giáo dục thanh thiếu niên”- lãnh đạo Bộ Công an nêu.
Tiếp nối vấn đề do lãnh đạo Bộ Công an nêu, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình lưu ý, xử lý thanh niên vi phạm pháp luật cần nghiêm minh nhưng cũng phải nhân văn để những người vi phạm có cơ hội làm lại cuộc đời.
Ðại diện Bộ Giáo dục và Ðào tạo nêu, nhóm thanh niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi, trên thế giới, nhiều quốc gia vẫn coi đây là nhóm đối tượng vừa là thanh niên vừa là trẻ em, trong khi ở Việt Nam, những người trong độ tuổi này được mặc định là thanh niên.
Ðiều này dẫn đến những hạn chế, bất cập trong công tác xây dựng pháp luật. Liên quan đến đề án tuyển dụng trí thức trẻ, đại diện Bộ GD&ÐT cho rằng, mỗi địa phương có thể cân nhắc xây dựng đề án của riêng mình, không nhất thiết phải theo một mô hình, đề án của Trung ương. Ông Lê Ðức Giang- Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đề nghị Chính phủ mở rộng đề án đào tạo, tuyển dụng cán bộ trẻ cho khu vực miền núi.
Kết luận phiên họp trực tuyến, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong việc thực hiện chiến lược phát triển thanh niên. Giai đoạn vừa qua, đội ngũ thanh niên ngày càng nhận thức rõ hơn vai trò của mình đối với tương lai của đất nước.
Dấu ấn lớn nhất trong giai đoạn 2011 - 2020 là Quốc hội đã thông qua Luật Thanh niên. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế, đó là một bộ phận thanh niên chưa thể hiện ý chí cao trong lập thân, lập nghiệp, trình độ công nghệ thông tin còn hạn chế.
Riêng về đội ngũ cán bộ công chức trẻ ở địa phương, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình chỉ ra một số địa phương chưa thật sự tạo điều kiện cho nhóm đối tượng này phát huy hết năng lực, sở trường.
Một vấn đề đặt ra trong việc thực hiện đề án 500 trí thức trẻ về công tác ở vùng sâu vùng xa là sau khi hết thời hạn công tác, còn 290 người chưa bố trí được công tác, do liên quan đến biên chế. “Các em, các cháu ra đi theo tiếng gọi của đất nước, bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, vì vậy cần hết sức quan tâm, bố trí công việc cho đội ngũ này. Nếu cần thiết, kéo dài đề án thêm từ 3-5 năm, sau đó, Bộ Nội vụ, chính quyền địa phương nghiên cứu bố trí việc làm cho nhóm thanh niên, trí thức trẻ này”- Phó Thủ trướng Trương Hoà Bình lưu ý.
Việt Ðông