Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam: Phấn đấu đến hết tháng 8, tiêm vaccine cho toàn bộ công nhân cả nước
Thứ bảy: 02:14 ngày 12/06/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Bằng hình thức trực tuyến, chiều 11.6, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Ðức Ðam- Trưởng BCÐ chủ trì cuộc họp với một số tỉnh, thành phố phía Nam cùng hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh để đánh giá tình hình và đề ra giải pháp chống dịch.

Tham dự tại điểm cầu Tây Ninh có Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Nguyễn Văn Cường.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc phát biểu ý kiến tại cuộc họp.

TP. Hồ Chí Minh: Tăng cường các biện pháp phòng, chống lây nhiễm trong khu công nghiệp

Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh thông tin, liên quan đến nhóm truyền giáo làm lây nhiễm dịch bệnh trên địa bàn, đến nay, cơ bản đã được khống chế. Tuy nhiên, tốc độ lây lan mầm bệnh trong cộng đồng khá nhanh.

Thành phố đã lấy gần 500.000 mẫu xét nghiệm; các biện pháp phòng, chống lây nhiễm trong khu công nghiệp đã và đang được tăng cường, ngăn ngừa nguồn lây. Toàn Thành phố đã chuẩn bị hơn 4.000 giường để điều trị, kể cả bệnh viện dã chiến. Căn cứ vào số liệu thống kê, lãnh đạo Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh nhận định, khoảng 10 ngày nữa, số lượng người nhiễm bệnh có thể giảm.

Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý, nguy cơ lây nhiễm từ các khu công nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh ra các tỉnh lân cận cao, không thể chủ quan.

Ðại diện tỉnh Ðồng Nai cho biết, công suất xét nghiệm của tỉnh đạt 5.000 mẫu/ngày, sắp tới sẽ nâng công suất lên 50.000 mẫu/ngày. Lãnh đạo tỉnh Ðồng Nai cho biết thêm, nhiều doanh nghiệp đề nghị được mua vaccine tiêm cho công nhân.

Tại Bình Dương, có 15 ca nhiễm trong cộng đồng, 443 F1 của những người nhiễm bệnh. Tổng số công nhân trong khu công nghiệp, nhà máy ở Bình Dương lên đến 1,2 triệu người, do đó, công tác phòng, chống dịch ở đây đặc biệt được tăng cường.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, có 26 người nhiễm bệnh đang điều trị, hàng trăm người diện F1. Tại Long An, xác định do giáp ranh với TP. Hồ Chí Minh nên nguy cơ lây nhiễm cao, địa phương này có 11 ca lây nhiễm trong cộng đồng, 213 F1, hàng ngàn F2, F3 đã được xét nghiệm, kết quả đều âm tính. Tất cả những người Long An đi làm ở TP. Hồ Chí Minh, hằng ngày phải khai báo y tế. Toàn tỉnh có hơn 350.000 công nhân, trong đó có hơn 4.000 người đã được xét nghiệm, tất cả âm tính. Long An chuẩn bị cơ sở vật chất cho khoảng 10.000 người cách ly, hiện có hơn 2.000 người cách ly.

Chính quyền và các đoàn thể xã Long Thành Nam, thị xã Hoà Thành cung cấp rau, củ, quả cho người dân trong khu vực cách ly y tế ở đường 5, ấp Bến Kéo. Ảnh: Lương Thanh

Tây Ninh: Khoá chặt biên giới

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc báo cáo, đến nay, Tây Ninh đã ghi nhận 61 ca nhiễm Covid-19, trong đó có một ca nhiễm trong cộng đồng; 1.656 người đang cách ly, phần lớn là người nhập cảnh.

Khó khăn hiện nay là năng lực xét nghiệm của tỉnh còn hạn chế. Trên biên giới, tỉnh bố trí 151 chốt với hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ của các lực lượng. Tây Ninh xác định các nguy cơ lây nhiễm, gồm: người nhập cảnh trái phép; người từ địa phương khác đến; lây nhiễm trong khu công nghiệp (tổng cộng có 140.000 công nhân) và trong các khu nhà trọ.

Trước tình hình đó, Tây Ninh tiếp tục khoá chặt biên giới, kiểm tra thường xuyên, liên tục tại những nơi có nguy cơ lây nhiễm. Tại các khu công nghiệp, mỗi công ty, xí nghiệp đều lên phương án phòng, chống dịch bệnh, không để sản xuất, công ăn việc làm của công nhân bị gián đoạn, ảnh hưởng.

Lãnh đạo TP. Hà Nội thông tin, tuần sau, Thành phố cho ra mắt Quỹ vaccine, tổng số tiền dành cho quỹ khoảng 1.000 tỷ đồng. Hà Nội đã ủng hộ Quỹ vaccine quốc gia 100 tỷ đồng.

Bài học đắt giá từ Bắc Giang

Từ điểm nóng Bắc Ninh, lãnh đạo tỉnh này thông tin có thêm 26 ca nhiễm mới trong ngày 11.6. Một số huyện của tỉnh Bắc Ninh tiếp tục giãn cách xã hội, mức giãn cách tuỳ theo tình hình dịch bệnh. Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh nhận định, tình hình dịch bệnh bước đầu đã được kiểm soát, dù vậy, địa phương này vẫn chuẩn bị cơ sở vật chất cách ly khoảng 20.000 người diện F1.

Hiện tại, các doanh nghiệp trên địa bàn Bắc Ninh vẫn hoạt động nhưng chỉ 50% công suất. “Cái khó nhất của Bắc Ninh là lây nhiễm trong khu công nghiệp, và trong cộng đồng” - lãnh đạo Bắc Ninh nói.

Ðại diện UBND tỉnh Bắc Giang nhìn nhận, tình hình dịch bệnh có phần giảm so với trước, Bắc Giang đã tiêm 150.000 liều vaccine cho công nhân. Phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn đã hoạt động trở lại, nhưng trước khi công nhân lên xe đến chỗ làm đều được đo thân nhiệt, mỗi xe chỉ sử dụng 50% số ghế so với thiết kế.

“Bài học của Bắc Giang trong phòng chống dịch tại khu công nghiệp rất đắt giá, chúng tôi phát hiện mầm bệnh trễ mất một tuần. Từ chỗ chỉ một người nhiễm, dịch lây lan nhiều nơi sau một tuần”- lãnh đạo tỉnh này nói.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cho rằng, nguyên nhân chính khiến dịch bệnh lây lan trong công nhân tăng nhanh là do: làm việc trong phòng có máy điều hoà nhiệt độ, ngồi ăn chung, đi xe chung, ở chung trong nhà trọ và cả rửa mặt chung tại khu vệ sinh.

Lãnh đạo Bộ Y tế kiến nghị, khi chuẩn bị được vaccine nên xem xét đưa những người kinh doanh các loại dịch vụ thiết yếu vào nhóm đối tượng ưu tiên. Từ điểm cầu Bắc Ninh, Thứ trưởng Bộ Y tế Ðỗ Xuân Tuyên lưu ý các địa phương, biện pháp truy vết các yếu tố dịch tễ rất quan trọng trong phòng chống dịch.

Việc giãn cách xã hội cần làm thực chất, tránh trường hợp giãn cách bên ngoài, nới lỏng bên trong. Tới đây, lượng vaccine về sẽ lớn, do đó, các địa phương phải có sự chuẩn bị bài bản, dài hơi để tiêm chủng mở rộng.

Lấy mẫu xét nghiệm trong khu vực cách ly y tế ở đường 5, ấp Bến Kéo, xã Long Thành Nam, thị xã Hoà Thành. Ảnh: Lương Thanh

Dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam khẳng định, đến hôm nay, tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, dù số người nhiễm lớn hơn năm 2020 rất nhiều. Ðiều đặc biệt của đợt dịch thứ 4 là xảy ra trong khu công nghiệp, khiến việc chống dịch khó khăn hơn. Việc lấy mẫu xét nghiệm, Phó Thủ tướng chỉ ra bất cập: lấy mẫu nhiều nhưng xét nghiệm không kịp, có khi ba bốn ngày mới có kết quả, khi đó người nghi nhiễm đã nhiễm bệnh rồi.

“Phải giữ chặt khu công nghiệp, cập nhật thông tin tất cả mọi người làm ở đây, bất kể ai có dấu hiệu nhiễm bệnh phải được theo dõi sát” - Phó Thủ tướng nói.

Ðối với việc cách ly, khoanh vùng, Phó thủ tướng Vũ Ðức Ðam lưu ý, không có một mô hình khoanh vùng nào đồng nhất, vì tình hình dịch ở mỗi địa phương không giống nhau. Phó Thủ tướng chỉ đạo, đã cách ly, khoanh vùng thì phải thực hiện nghiêm túc, không được bên ngoài nhìn vào nghiêm ngặt nhưng bên trong vẫn cho đi lại, gặp nhau.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, chỉ khi doanh nghiệp thực hiện các biện pháp an toàn, nghiêm túc trong phòng, chống dịch mới được phép hoạt động. “Ðây là một lựa chọn khó khăn nhưng phải thực hiện, như thế phòng chống dịch mới hiệu quả”. “Chúng ta đưa ra kịch bản 30.000 ca nhiễm, nghe con số đó có vẻ to tát nhưng riêng Bắc Giang đã hơn 4.000 ca rồi. Khi virus xâm nhập vào cơ thể, chỉ sau chừng 4 tiếng đồng hồ, 80% phổi bị ảnh hưởng” - Phó Thủ tướng nói và cho biết, phấn đấu đến hết tháng 8 năm nay tiêm vaccine cho toàn bộ công nhân trong cả nước.

Việt Ðông

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục