Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chiều 17.11, Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Miền Nam phối hợp với UBND huyện Dương Minh Châu tổ chức Hội nghị triển khai công tác phối hợp trong quản lý, khai thác và bảo vệ hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng – Phước Hoà.
Ông Dương Văn Ư – Chủ tịch UBND huyện Dương Minh Châu phát biểu tại hội nghị.
Hội nghị do ông Nguyễn Việt Anh – Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Miền Nam và ông Dương Văn Ư – Chủ tịch UBND huyện Dương Minh Châu đồng chủ trì.
Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các phòng, ban của huyện Dương Minh Châu; các xã, thị trấn và các đơn vị trực thuộc của Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Miền Nam.
Hồ chứa nước Dầu Tiếng nằm ở thượng nguồn sông Sài Gòn thuộc phạm vi 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, là công trình quan trọng đặc biệt, liên quan đến an ninh quốc gia. Hồ chứa nước điều tiết, được thiết kế để phục vụ quản lý khai thác đa mục tiêu, có nhiệm vụ phòng, giảm lũ cho vùng hạ du sông Sài Gòn; tích, cấp nước phục vụ cho các nhu cầu sinh hoạt, công nghiệp và sản xuất nông nghiệp các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Long An và TP. Hồ Chí Minh. Hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà gồm có Hồ Dầu Tiếng có diện tích lưu vực 2.700 km2, diện tích mặt hồ 270 km2 và dung tích là 1,58 tỷ m3 nước ứng với mực nước dâng bình thường +24,40 m và hệ thống kênh trục chính: kênh chính Đông dài 45 km (Công ty quản lý 34,351 km); kênh chính Tây dài 39,055 km; kênh chính Đức Hòa dài 17,700 km (Công ty quản lý 14,020 km).
Ông Nguyễn Việt Anh – Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Miền Nam phát biểu.
Theo số liệu thống kê của Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Miền Nam, trên địa bàn huyện Dương Minh Châu hiện có 419 trường hợp vi phạm trong phạm vi bảo vệ hệ thống công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng, bao gồm: lấn chiếm đất để xây dựng công trình, công trình tạm, trồng cây trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi, có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn công trình, gây khó khăn cho công tác quản lý vận hành của công trình, các hành vi lấn chiếm tồn tại đã lâu, chưa được xử lý dứt điểm. Công ty đã nhiều lần lập biên bản vi phạm yêu cầu các tổ chức, cá nhân tự tháo dỡ để hoàn trả lại hiện trạng công trình nhưng đến nay, các tổ chức, cá nhân vi phạm vẫn chưa chấp hành.
Các vi phạm, tồn tại diễn ra phần lớn do yếu tố lịch sử để lại. Đến nay, Công ty đã triển khai hoàn thành việc cắm mốc phạm vi bảo vệ trên toàn hệ thống công trình theo quy định. Để quản lý tốt tài sản kết cấu hạ tầng thuỷ lợi, đất đai, đại diện Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Miền Nam đề nghị UBND huyện Dương Minh Châu chỉ đạo UBND các xã, thị trấn chủ trì, chủ động phối hợp với Công ty rà soát, xây dựng kế hoạch giải tỏa, thực hiện di dời các trường hợp vi phạm ra ngoài phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi theo quy định của khoản 2 điều 48 Luật Thuỷ lợi và các quy định pháp luật khác liên quan.
Người dân làm nhà trên phạm vi bảo vệ lưu không kênh chính Đông, đoạn gần cầu K33.
Sau khi lắng nghe các ý kiến của đại diện các xã, thị trấn và các đơn vị quản lý công trình thuỷ lợi hồ Dầu Tiếng, ông Dương Văn Ư – Chủ tịch UBND huyện đề nghị lãnh đạo Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Miền Nam chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, đơn vị quản lý các công trình chuẩn bị đầy đủ hồ sơ của từng trường hợp, phối hợp với địa phương xác minh, lập biên bản vi phạm, thực hiện vận động tuyên truyền các hộ tự nguyện tháo dỡ, di dời công trình vi phạm.
Đồng thời, Chủ tịch UBND huyện Dương Minh Châu yêu cầu các xã, thị trấn phối hợp với đơn vị quản lý các công trình thuộc hệ thống thuỷ lợi Hồ Dầu Tiếng để nắm rõ, phân loại các trường hợp vi phạm bảo vệ hệ thống công trình thuỷ lợi để thực hiện công tác vận động, cưỡng chế di dời, tháo dỡ công trình vi phạm một cách đồng bộ.
Minh Dương