Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Phơi phới mùa xuân giải phóng núi Bà
Thứ sáu: 08:35 ngày 27/12/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Vậy là chúng ta đã biết, đã nhớ lại về một trận đánh lịch sử giải phóng núi Bà Đen, mở màn cho những chiến thắng vang dội tiếp theo của chiến dịch mùa xuân năm 1975.

Đơn vị chủ công trong trận thắng núi Bà là Tiểu đoàn Trinh sát 47. Và, dĩ nhiên cũng có các lực lượng khác tham gia. Đấy là, một trung đội trinh sát kỹ thuật sóng cực ngắn, 1 đại đội đặc công, các phân đội hoả tiễn xách tay, súng cao xạ 12,7mm. Đặc biệt là có một cụm trinh sát chiến dịch của Liên đội 7. Và, dù chỉ có “một cụm” nhưng đây lại là một lực lượng rất quan trọng trong trận đánh.

Là vì, nếu đã nói đến cuộc chiến đấu ở núi Bà, không thể không nhắc đến những kỳ tích của Liên đội 7. Đây là đơn vị trinh sát thuộc phòng 2, Bộ Chỉ huy Miền trong kháng chiến chống Mỹ. Lực lượng này đã từng kiên cường bám trụ, vừa thực hiện nhiệm vụ trinh sát nắm thông tin từ địch, vừa chiến đấu tự bảo vệ mình suốt 10 năm trên núi Bà Đen. Chiến thắng núi Bà tháng 1.1973 không thể không nhờ đến họ; những người đã thuộc lòng từng hốc núi Bà Đen; cũng là những người được người dân Tây Ninh đùm bọc chở che, vượt qua mọi trận mưa bom bão đạn của quân thù.

Nhiệm vụ chính của Liên đội 7 là: “Triển khai chốt, lập đài quan sát theo dõi mọi diễn biến hoạt động của địch đánh vào căn cứ Miền…”. Nhưng để thực hiện được thì đơn vị phải chuẩn bị mọi mặt, tự lực hậu cần và có năng lực chiến đấu để có thể bám trụ lâu dài giữa vòng vây của địch.

Suốt 10 năm (từ 1962 đến 1972) đơn vị vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, vừa chiến đấu qua hàng trăm trận đánh, mà trận ác liệt nhất là trận đánh quân Mỹ tấn công vào căn cứ suốt trong 3 ngày từ ngày 7 đến 9.3.1970. Trong trận này, địch huy động lực lượng gồm: Lữ đoàn 196 Bộ binh Mỹ; 1 tiểu đoàn thuộc liên đoàn 81 Biệt kích dù của quân đội Sài Gòn; lực lượng trung đoàn 11 thiết giáp Mỹ.

Ngoài ra, là 4 cụm pháo binh yểm trợ từ Dầu Tiếng, Trảng Lớn, Dốc Ông Tà và Bàu Cỏ, đồng thời là một cụm pháo từ Khedol để bắn trực diện. Quyết tâm của chúng lần này là “Tiêu diệt bằng được Liên đội 7”, dù Liên đội chỉ có vài chục người cùng đá núi Bà Đen.

Ông Trần Lê, nguyên Chính trị viên Liên đội 7.

Vậy mà, sau 3 ngày bom pháo đầy trời, khiến đá núi nhiều nơi hoá thành trắng xoá như vôi ấy, quân Mỹ vẫn không tiến lên được núi. Bọn biệt kích dù tinh nhuệ cũng không vào được các mục tiêu, phải tìm đường rút lui xuống chân núi Phụng. Ngược lại, chiến sĩ Liên đội 7 đã diệt 87 tên Mỹ, bắn rơi 3 trực thăng, bắn cháy 3 xe bọc thép M 113 và thu được nhiều vũ khí cùng trang thiết bị (hồi ký của ông Bạch Vân- cựu chiến binh Phòng Quân báo Miền).

Cũng trong hồi ký này, còn có những dòng tóm tắt rất cảm động về cuộc sống “bám trụ” suốt nhiều năm trên núi Bà của Liên đội 7. Đấy là: “Suốt 13 năm (1962-1975) đơn vị không biết mái nhà là gì, ăn ở, sinh hoạt và chiến đấu đều ở trong hang hốc.

Thời gian đầu còn có cây để giăng võng, sau này địch đánh bom đạn đến không còn một gốc cây rừng, chỉ trơ đá, anh em phải lót ni lông nằm trên đá lạnh. Lương thực chủ yếu là gạo cũng không đầy đủ, vì xa hậu cứ…

Sau này anh em phải dựa vào dân, được bà con đùm bọc, mua giúp bằng cách mỗi lần đi làm rẫy mang theo một lon gạo/ một người (vì địch quản lý chặt) dân phải nhịn ăn góp từng lon gạo đổ vào hũ gạo đã quy định…

Thực phẩm chủ yếu là cá khô và muối. Đơn vị phát động trồng rau xanh tại chỗ để đảm bảo bữa ăn hàng ngày và chống đói khi bao vây. Lúc đầu anh em phải xuống núi dựa vào khe nước, khoét lõm trồng rau, sau này địch đánh phá ác liệt, cây cối không còn, anh em phải tổ chức xuống núi vào ban đêm mang đất mùn và lá cây… be đất trên các tảng đá trồng rau…

Nhờ vậy đảm bảo có rau xanh trong bữa ăn hàng ngày và có cả dự trữ, nên năm 1970 Mỹ - nguỵ đánh phá ác liệt anh em không bị thiếu đói mà còn chi viện cho đơn vị bạn thuộc huyện đội Toà Thánh (Hoà Thành hiện nay) chất đạm thì chủ yếu bắt dơi, ốc và thằn lằn núi…”.

Người dân trong đoạn văn trên là ở xóm núi Khedol, nay thuộc xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh. Nói về sự bảo bọc của nhân dân, cũng cần kể thêm là Liên đội 7 còn có sự bảo bọc chở che của tăng ni ở các chùa trên núi.

Trong bản dự thảo Thành tích đóng góp của chùa Bà Tây Ninh trong kháng chiến chống Mỹ, do đồng chí Lê Văn Dừa- nguyên Bí thư Huyện uỷ Toà Thánh viết năm 2003 có đoạn: “Ngoài ra, lợi dụng công khai ta nhờ kết hợp mua gạo, muối, vật dùng- Chùa đã tiếp tế bằng con đường này cũng khá quan trọng để có nguồn lương thực dự trữ để chiến đấu của Huyện uỷ Toà Thánh và các lực lượng ở trên (như Liên đội 7 phòng 2 Quân báo Miền và bộ đội chủ lực)”.

Mộ liệt sĩ và đá núi.

Với các thành tích đã tóm tắt ở trên, Liên đội 7 đã được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân từ năm 1972.

Dưới chân núi Phụng hôm nay, trên địa bàn xã Thạnh Tân đã có thêm một nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ của Liên đội 7 anh hùng. Núi Bà đã thắm xanh trở lại sau biết bao công sức của cơ quan quản lý và người dân ven núi.

Dưới bóng rừng tái sinh là công trình tưởng niệm đẹp như một chốn “thiên thai”. Nhà bia có văn bia, có danh sách các liệt sĩ khắc chữ vàng trên đá . Có cả mộ một chiến sĩ của Liên đội được quy tập về là liệt sĩ Trần Minh Thệ.

Bên cạnh mộ bia còn là một tảng đá núi Bà, chắc từng bị vỡ ra vì bom đạn Mỹ. Đá núi cũng gan góc như người chiến sĩ. Đá cũng xứng đáng được tôn vinh cùng những người giữ núi. Từ khu nhà bia ngước lên, thấy sườn núi Phụng, nơi các cán bộ chiến sĩ Liên đội 7 bám trụ năm xưa là một màu xanh điệp trùng. Đôi chỗ ngập tràn sắc vàng trong mùa hoa giá tỵ. Lại nhớ về mùa xuân Giải phóng núi Bà. Rồi từ đây, các cánh quân xốc tới Sài Gòn trong chiến dịch mùa xuân.

Từ núi, không khí “phơi phới mùa xuân” đã lan toả khắp miền. Như nhà báo Thép Mới đã viết trong bút ký Hừng đông ngày mới (sách cùng tên, Nxb Giải phóng, 1976). Bài có đoạn: “Từ chân núi Bà Đen, chúng tôi chào biệt rừng bàng thân yêu, cả một vùng căn cứ cách mạng bao la mà mỗi lùm xanh đều ghi dấu chiến công và kỷ niệm của từng thời thắng Nhật, thắng Pháp và thắng Mỹ…

Súng phía thị xã Tây Ninh vẫn còn đang nổ, cả đoàn hàng mấy trăm xe, cờ phấp phới bay trong nắng, tiến thắng ra đường số 1 (nay là quốc lộ 22). Đây rồi, Trảng Bàng, đây rồi Củ Chi, còn thoảng bay mùi thuốc súng và hơi cay mà đồng bào đã đổ ra đông nghẹt bên đường…”.

Vâng! Đấy chính là không khí phơi phới mùa xuân từ núi Bà tháng 1.1975 đã tới Sài Gòn vào ngày 30.4.1975 toàn thắng.

Trần Vũ

Tin cùng chuyên mục