Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Phòng chống Covid-19 quyết liệt và linh hoạt
Thứ năm: 11:58 ngày 06/05/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý các bộ, ngành, địa phương không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Ngày 5-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4-2021. Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe và thảo luận về các nội dung: tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2021; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; báo cáo về một số vấn đề nổi lên gần đây trong công tác phòng chống dịch Covid-19 và chủ trương xây dựng đề án nhập khẩu, sản xuất vắc-xin, tổ chức tiêm vắc-xin và bố trí, huy động nguồn lực để thực hiện; công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026…

Linh hoạt trong điều hành, xử lý tình huống

Về công tác phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ phải có cách tiếp cận mới, tư tưởng, quan điểm chỉ đạo mới, tạo cơ sở cho tổ chức thực hiện. Thủ tướng cho rằng phải chống 2 khuynh hướng, một là lơ là, chủ quan, mất cảnh giác và hai là hoảng sợ, hoang mang, dao động hoặc cực đoan. Vì vậy, phải tỉnh táo, linh hoạt, sáng tạo trong điều hành, xử lý tình huống dựa trên thực tiễn.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế cần rà soát, xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí quy định về dịch, nguy cơ lây nhiễm (như có nguy cơ, nguy cơ cao, thấp…) trong cộng đồng, đề xuất, hướng dẫn các giải pháp cụ thể và thiết kế các công cụ giám sát, kiểm tra. Từ đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ vào chức năng, quyền hạn, tình hình cụ thể, từ các tiêu chuẩn, tiêu chí của Bộ Y tế, chủ động quyết định các biện pháp cụ thể, phù hợp với thực tiễn, vừa bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vừa bảo đảm phòng chống dịch hiệu quả. Tăng cường phân cấp, phân quyền từ trung ương tới địa phương trong công tác phòng chống dịch song phải làm việc trên tinh thần "đúng vai, thuộc bài" và "Chính phủ không làm thay cho tỉnh, huyện, xã".

Thủ tướng cũng lưu ý trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các bộ, ngành, địa phương chủ động đề xuất chính sách hỗ trợ phù hợp đối với các đối tượng bị tác động bởi dịch bệnh, nhất là các đối tượng yếu thế trong xã hội, không để ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, công ăn việc làm của người dân.

 

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4-2021, diễn ra ngày 5-5 Ảnh: NHẬT BẮC

Tăng cường đầu tư cho ĐBSCL, Tây Nguyên

Tại phiên họp, Chính phủ thống nhất nhận định: Trong 4 tháng đầu năm 2021, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển tốt, xu hướng phục hồi tích cực và đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt (thấp nhất kể từ năm 2016 đến nay); xuất khẩu, thu hút đầu tư, thu ngân sách đạt được nhiều kết quả tích cực; an sinh xã hội, đời sống nhân dân ổn định, cơ bản có bước cải thiện; công tác khắc phục hậu quả bão lũ năm 2020 được triển khai tốt…

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, trọng tâm là rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, nhất là những vấn đề cần ưu tiên để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa linh hoạt hơn, phù hợp hơn với thực tế để góp phần thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và các cân đối lớn của nền kinh tế.

Tích cực tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho sản xuất - kinh doanh và đời sống nhân dân, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho người dân và doanh nghiệp. Tập trung khắc phục hậu quả, xử lý sớm 12 dự án yếu kém, thua lỗ. Các bộ, ngành, địa phương bằng các giải pháp cụ thể và với tinh thần trách nhiệm của mình quan tâm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, không để tồn đọng; giải ngân bảo đảm tiến độ nhưng phải bảo đảm chất lượng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

Thủ tướng cũng lưu ý việc khẩn trương nghiên cứu, xây dựng các dự án tăng cường đầu tư cho khu vực ĐBSCL, Tây Nguyên và các khu vực kinh tế trọng điểm, nhất là trong lĩnh vực giao thông để phát huy các nguồn lực ở các khu vực này, phải quyết tâm đầu tư vào đây theo hướng huy động nguồn vốn xã hội; lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư. Chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT an toàn, hiệu quả, tiết kiệm, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và gia đình thí sinh.

Về công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh mục tiêu cao nhất là phải bảo đảm tổ chức thành công cuộc bầu cử, an toàn về mọi mặt; thực hiện dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch; đồng thời phải chọn được người đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có phẩm chất, năng lực, uy tín làm đại biểu của nhân dân. Các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có các kịch bản phù hợp với mọi tình huống.

Chưa có căn cứ chứng minh hiệu quả của "hộ chiếu vắc-xin"

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4-2021, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết về phương án "hộ chiếu vắc-xin", Bộ Y tế đã có chỉ đạo về việc chuẩn bị hướng triển khai, áp dụng. Tuy nhiên, đây là vấn đề vẫn đang được nghiên cứu, xem xét một cách dè dặt ở nhiều nước. Quan điểm chuyên môn được đưa ra là "hộ chiếu vắc-xin" chỉ nên được áp dụng ở những nước gần đạt mức miễn dịch cộng đồng, nghĩa là 70% người dân đã được tiêm chủng. Hiện chưa có tài liệu, căn cứ nào chứng minh được tính hiệu quả của việc áp dụng "hộ chiếu vắc-xin" vì đến nay vẫn chưa có loại vắc-xin nào có thể khẳng định hiệu quả 100%. Vì vậy, việc áp dụng "hộ chiếu vắc-xin" sẽ được quyết định với quan điểm là xác định thời gian phù hợp, nguyên tắc là phải bảo đảm an toàn.

Nguồn NLDO

Tin cùng chuyên mục