Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Năm 2025, tỉnh tập trung tuyên truyền, tập huấn, tiêm phòng vắc xin, tăng cường kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát giết mổ động vật; kiểm soát ấp nở gia cầm, thuỷ sản; kiểm soát nuôi nhốt động vật; thường xuyên vệ sinh tiêu độc khử trùng.


Tỉnh cũng xây dựng, duy trì vùng an toàn dịch bệnh (ATDB) trên địa bàn huyện Dương Minh Châu, Tân Biên, Tân Châu và Gò Dầu đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle; huyện Bến Cầu đối với bệnh lở mồm long móng trên bò. Duy trì các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm đã được công nhận ATDB và tiếp tục khuyến khích, hướng dẫn các chủ cơ sở chăn nuôi chưa được công nhận ATDB đầu tư xây dựng cơ sở ATDB.

UBND tỉnh đề nghị các tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, kịp thời khống chế, ngăn chặn các ổ dịch bệnh nguy hiểm phát sinh và lây lan trên địa bàn tỉnh, góp phần phát triển chăn nuôi ổn định, bền vững, bảo vệ sức khỏe người dân và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Đề nghị các tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 4 Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9.1.2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
Theo đó, các hộ sản xuất bị thiệt hại được xem xét hỗ trợ khi đáp ứng một số điều kiện, trong đó có điều kiện “Thiệt hại xảy ra khi đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, dịch bệnh theo sự hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương”.
Vì vậy, đối với những hộ không chấp hành việc tiêm vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm, đối với các bệnh bắt buộc phải tiêm phòng bệnh bằng vắc xin như: lở mồm long móng, cúm gia cầm, viêm da nổi cục trâu, bò… sẽ tự chịu trách nhiệm khi vật nuôi bệnh, chết; Nhà nước sẽ không hỗ trợ thiệt hại.

Riêng đối với bệnh dịch tả heo Châu Phi, căn cứ quy định về nuôi tái đàn heo theo Quyết định số 972/QĐ-TTg ngày 7.7.2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh dịch tả heo Châu Phi, giai đoạn 2020-2025" có nêu: “Chính quyền và các cơ quan thú y địa phương tổ chức kiểm tra, xác nhận điều kiện nuôi tái đàn; tăng cường việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát tình hình chăn nuôi và công tác phòng, chống dịch bệnh”.
Do vậy, đối với các trang trại, hộ chăn nuôi đã được ngân sách tỉnh hỗ trợ thiệt hại, heo phải tiêu huỷ do mắc bệnh dịch tả heo Châu Phi trong những năm qua sẽ không được xem xét hỗ trợ nếu chưa được UBND cấp xã và Trạm Chăn nuôi và Thú y cấp huyện tổ chức kiểm tra, xác nhận điều kiện nuôi tái đàn.

Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi chú trọng công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng bằng hoá chất nhằm góp phần nâng cao hiệu quả phòng bệnh, triệt tiêu đường truyền lây của mầm bệnh, hạn chế dịch bệnh xảy ra. Năm 2025, tổ chức 3 đợt vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi nông hộ, các chợ buôn bán động vật, sản phẩm động vật bằng hoá chất, với tổng số thuốc sát trùng sử dụng 7.500 lít.
UBND tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tuỳ vào tình hình chăn nuôi, dịch bệnh thực tế mà phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng, điều chỉnh, triển khai các nội dung phòng, chống cho thích hợp; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thuỷ sản năm 2025 trên địa bàn tỉnh.
Sở Y tế xây dựng kế hoạch hoạt động, dự toán kinh phí triển khai các nội dung về phòng, chống bệnh dại trên người; các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người, kế hoạch cung ứng, sử dụng vắc xin phòng dại cho người bị chó, mèo cào, cắn, người có nguy cơ cao bị phơi nhiễm với bệnh dại trên địa bàn tỉnh.
UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thuỷ sản trên địa bàn quản lý; tổ chức tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia các hoạt động, phòng, chống dịch bệnh, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Các địa phương triển khai công tác bắt chó chạy rông và thực hiện tốt công tác quản lý chăn nuôi, đặc biệt là lập sổ theo dõi đàn chó, mèo; phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xử lý ổ dịch, tổ chức giám sát dịch bệnh, tiêm phòng vắc xin, thực hiện công tác thú y, vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường.
Nhi Trần