Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Phòng ngừa các rối loạn tiêu hóa thường gặp trong mùa hè
Thứ hai: 09:55 ngày 21/05/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Mùa hè nhiệt độ tăng cao, mưa nhiều khiến không khí trở nên nóng ẩm. Đây là điều kiện lý tưởng để các mầm bệnh sinh sôi, phát triển, thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn là nguyên nhân gây các rối loạn tiêu hóa. Bài viết này sẽ giúp bạn đọc biết cách phòng ngừa và xử trí các rối loạn tiêu hóa thường gặp.

Mùa hè nhiệt độ tăng cao, mưa nhiều khiến không khí trở nên nóng ẩm. Đây là điều kiện lý tưởng để các mầm bệnh sinh sôi, phát triển, thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn là nguyên nhân gây các rối loạn tiêu hóa trong mùa hè.

Các rối loạn tiêu hóa thường gặp

Đầy hơi, trướng bụng

Đây là những dấu hiệu nhận biết đầu tiên của chứng rối loạn tiêu hóa hoặc các bệnh lý đường ruột: viêm đại tràng, hội chứng ruột kích thích... Người bị đầy bụng, khó tiêu thường có cảm giác nặng bụng, căng trướng vùng thượng vị (dưới xương ức), cơ thể bứt rứt, khó chịu, ợ hơi, ợ chua, bụng đau âm ỉ, nôn và buồn nôn, hơi thở ngắn, táo bón hoặc tiêu chảy khiến người bệnh mệt mỏi và ảnh hưởng đến các sinh hoạt chung.

Khi ăn quá nhiều chất đạm, bột đường, dầu mỡ, thức ăn không được tiêu hóa hết sẽ tồn đọng lâu trong ống tiêu hóa. Ăn đồ cay nóng, uống nhiều rượu bia, cà phê, sử dụng chất kích thích hoặc do thói quen ăn uống quá nhanh, nhai không kỹ, ăn xong đi nằm ngay,... sẽ khiến lợi khuẩn đường ruột bị quá tải, không xử lý được hết thức ăn, gây chứng đầy hơi, trướng bụng, khó tiêu.

 

 

Hình ảnh vi khuẩn Salmonella và E.  Coli gây ngộ độc thức ăn.

Nhiễm độc thức ăn do Salmonella

Nhiễm khuẩn do ăn phải thức ăn đã bị ô nhiễm bởi vi khuẩn gây bệnh là tình trạng hay gặp trong mùa hè. Điển hình là nhiễm độc thức ăn do Salmonella. Nguồn gây bệnh chủ yếu là từ gia súc bởi vi khuẩn Salmonella có ở trong phân và nước tiểu của lợn, gà, vịt, chim, chuột, mèo, chó... Khuẩn này còn có trong trai, sò, hến, cua, ghẹ, cá...và có thể ở cả máu động vật.

Từ khi nhiễm Salmonella đến khi khởi phát từ 12 - 36 giờ. Dấu hiệu khởi phát đột ngột, đôi khi có thể từ từ với nhiều bệnh cảnh khác nhau. Mức độ nhẹ, người bị nhiễm độc không sốt, đi ngoài phân lỏng vài lần, bụng hơi đau. Mức độ vừa và nặng với biểu hiện nhiễm độc: sốt 38-400C, có lúc có cơn rét run, đau đầu, đau mỏi cơ khớp số lượng bạch cầu thường tăng, đau bụng vùng thượng vị và quanh rốn, đôi khi đau lan tỏa khắp bụng, sôi bụng. Buồn nôn và nôn nhiều lần, chất nôn là thức ăn chưa tiêu lẫn dịch dạ dày. Đi ngoài nhiều lần trong ngày, phân lỏng. Mất nước điện giải (khát nước, môi khô, mắt trũng, gầy sút, vẻ mặt hốc hác, nếu nặng hơn thì mạch nhanh, nhỏ, huyết áp tụt, kẹt, thiểu niệu, bụng  trướng, chuột rút, chân tay lạnh, trẻ nhỏ thóp trũng, khóc không có nước mắt...). Với cơ thể khỏe mạnh thường tự khỏi bệnh sau 2-3 ngày, đôi khi đi ngoài phân lỏng có thể kéo dài tới 1 tuần. Có thể gặp tử vong ở các đối tượng như trẻ nhỏ suy dinh dưỡng, người già yếu do mất nước điện giải hoặc nhiễm khuẩn huyết.

Tiêu chảy do nhiễm khuẩn E. Coli

E.Coli gây bệnh cho người qua đường tiêu hóa: ăn phải thực phẩm bị nhiễm tác nhân gây bệnh như: thịt trâu, bò, dê, cừu, sữa bò chưa tiệt khuẩn; rau, quả... (do nhiễm phân của gia súc, người mang mầm bệnh) hoặc do tiếp xúc trực tiếp với súc vật và môi trường nuôi súc vật bị nhiễm bệnh. Vi khuẩn này cũng lây truyền trực tiếp từ người sang người qua đường phân - miệng chủ yếu qua bàn tay, đồ vật nhiễm bẩn với phân của người bệnh. E.Coli còn lây truyền qua đường nước: do tiếp xúc hoặc sử dụng nguồn nước ăn uống, sinh hoạt, nước ở các bể bơi, khu vui chơi giải trí, sông, hồ bị nhiễm tác nhân gây bệnh. Chỉ cần một lượng nhỏ vi khuẩn E.Coli đã có khả năng gây bệnh. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, trong đó trẻ dưới 5 tuổi có tỷ lệ mắc cao nhất và dễ tiến triển tới hội chứng tan huyết suy thận cấp (HUS).

Thời gian ủ bệnh từ 2-10 ngày, trung bình 3-4 ngày. Người lớn bị bệnh đào thải vi khuẩn trong phân khoảng 1 tuần. Trẻ em có thể đào thải mầm bệnh qua phân đến 3 tuần.

Triệu chứng lâm sàng của bệnh bao gồm đau quặn bụng và tiêu chảy cấp, phân có thể có máu từ mức độ ít đến nhiều, kèm theo có thể có sốt hoặc nôn. Bệnh kéo dài trong khoảng 10 ngày. Một số trường hợp tiến triển nặng gây hội chứng tan máu suy thận cấp, tăng urê huyết, đây là nguyên nhân chính gây tử vong (hay gặp ở trẻ nhỏ và người cao tuổi).

Bệnh kiết lỵ

Bệnh kiết lỵ là một trong những bệnh tiêu hóa mùa hè thường gặp, do ký sinh trùng amibe và trực khuẩn shigella gây ra. Người bị bệnh kiết lị thường đi tiêu ra phân rất ít nhưng có kèm theo đàm và máu. Bên cạnh đó, người bệnh còn có triệu chứng sốt, đau bụng, lả dần, vật vã, luôn có cảm giác muốn đi cầu, hôn mê và tử vong.

Bệnh kiết lỵ nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể chuyển thành kiết lỵ mạn tính, ký sinh trùng amibe có thể xâm nhập vào gan gây áp-xe gan. Loại shigella hay gây kiết lỵ ở trẻ em khi biến chứng có thể gây tử vong trong 24 giờ rất nguy hiểm.

Phòng bệnh bằng cách nào?

Mùa hè, cơ thể mất nước thoát ra theo mồ hôi, nhiệt độ môi trường cao khiến cơ thể luôn mệt mỏi, sức đề kháng kém, vì vậy nếu mắc các rối loạn tiêu hóa dễ trở thành nặng. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời các rối loạn này đúng cách, người bệnh có thể bị nguy hiểm.

Các tác nhân gây rối loạn tiêu hóa có thể phòng ngừa được nếu mọi người thực hiện tốt nguyên tắc ăn chín, uống sôi, không nên ăn thức ăn đã ôi thiu, để lâu ngày trong tủ lạnh. Sử dụng các loại thực phẩm sạch có nguồn gốc rõ ràng, chế biến thực phẩm đúng cách và đảm bảo vệ sinh. Hạn chế ăn thức ăn đường phố không đảm bảo vệ sinh. Giữ vệ sinh thân thể và môi trường sống sạch sẽ. Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc với thực phẩm, môi trường bẩn... Khám bác sĩ ngay sau khi thấy có những dấu hiệu bất thường về đường tiêu hóa.

Nguồn SKĐS

Tin cùng chuyên mục