Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh, cơ quan chức năng đã khởi tố 21 vụ việc với 14 bị can lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, tổng thiệt hại trên 12 tỷ đồng.
Thời gian gần đây, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn đa dạng, tinh vi, gây ra thiệt hại tài sản đặc biệt lớn, gây băn khoăn trong nhân dân, tác động tiêu cực đến tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh, cơ quan chức năng đã khởi tố 21 vụ việc với 14 bị can lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, tổng thiệt hại trên 12 tỷ đồng.
Một số đối tượng mượn hình ảnh, mạo danh chiến sĩ lực lượng vũ trang, đoàn viên thanh niên để thực hiện hành vi lừa đảo.
Nguyên nhân tội phạm trên gia tăng, chủ yếu do nhận thức, sự am hiểu về công nghệ còn hạn chế, cùng với tâm lý nhẹ dạ, cả tin, thiếu cảnh giác, ham lợi của nhiều cá nhân nên đã bị các đối tượng xấu lợi dụng để lừa đảo.
Các đối tượng phạm tội có trình độ cao trong sử dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội và chỉ liên lạc với nhau qua môi trường mạng, che giấu mọi thông tin về tên tuổi, địa chỉ, đặc điểm nhận dạng, sử dụng ứng dụng nhắn tin như Facebook Messenger, Zalo, Telegram... kết nối với nạn nhân, đồng thời sử dụng nhiều phương thức tinh vi như thuê, mua tài khoản ngân hàng nhận tiền lừa đảo, sau đó chuyển tiền qua nhiều trung gian khác nhau; sử dụng sim “rác”, không đăng ký thông tin thuê bao để thực hiện hành vi lừa đảo… nên gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong đấu tranh, thu thập dữ liệu điều tra, xử lý.
Theo số liệu của Công an tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2024, Công an các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã khởi tố 21 vụ, 14 bị can lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, tổng thiệt hại trên 12 tỷ đồng.
Chúng thực hiện hành vi lừa đảo thông qua các hình thức như: tuyển cộng tác viên bán hàng qua mạng; vay tiền nhanh qua mạng; nộp thuế, phí để nhận tiền trúng thưởng; thông báo nhận tiền trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp; kết bạn qua mạng xã hội và nộp thuế, phí nhận quà từ nước ngoài; chiếm quyền điều khiển mạng xã hội, nhắn tin người thân, bạn bè mượn tiền; giả danh nhân viên ngân hàng yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng; giả danh cán bộ Công an, Viện Kiểm sát, Toà án thông báo phạm tội qua điện thoại để đe doạ yêu cầu chuyển tiền…
Từ mạo danh, uy hiếp
Một hình thức khác cũng khá phổ biến, các đối tượng lừa đảo tự xưng là cán bộ của các cơ quan chức năng như: Công an, Toà án, Viện Kiểm sát, Sở Thông tin và Truyền thông gọi đến thông báo người dân đang liên quan đến các vụ án, vụ việc vi phạm pháp luật đang điều tra. Qua đó các đối tượng hù doạ, uy hiếp, gây hoang mang, lo sợ cho người dân. Sau đó dẫn dắt, yêu cầu người dân nếu muốn được xem xét, tạo điều kiện, giúp đỡ thì phải thực hiện theo các yêu cầu của chúng nhằm mục đích lừa đảo. Nếu người dân kịp thời phát hiện lừa đảo, không đáp ứng theo yêu cầu, chúng sẽ lăng mạ, xúc phạm người nghe điện thoại.
Ngoài ra, đối tượng giả danh còn gọi điện hù doạ, cho rằng số thuê bao điện thoại của những người đang sử dụng đã gọi điện hoặc dùng để tạo các tài khoản trên các nền tảng mạng xã hội đăng phát thông tin chống phá Đảng, Nhà nước hoặc liên quan đến đường dây phản động, rửa tiền, phát tán những thông tin chống phá chính quyền; cơ quan chức năng đang điều tra, doạ sẽ bị mời chủ thuê bao này làm việc để xử lý. Sau khi hù doạ, đối tượng yêu cầu chủ thuê bao đang nghe điện thoại khai báo thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng hoặc yêu cầu kết bạn Zalo, Facebook... rồi hướng dẫn truy cập vào các đường link do đối tượng gửi đến để xác nhận thông tin, yêu cầu làm theo hướng dẫn khác... nhằm phục vụ cho việc lừa đảo.
Văn bản cảnh báo của Công an tỉnh.
Thực tế, trong thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh cũng đã có đối tượng giả danh lãnh đạo và công chức Sở Thông tin và Truyền thông gọi đến số điện thoại di động của một số lãnh đạo, cán bộ của cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp và người dân để thông báo các nội dung, như: số điện thoại của người nghe có liên quan đến vụ án, vụ việc do cơ quan Công an đang điều tra, đồng thời uy hiếp, đe doạ, gây hoang mang, lo sợ nhằm dẫn dắt, lừa đảo. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng (Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông) đã kịp thời có thông báo đến hệ thống chính trị, các cơ quan báo chí để tuyên truyền giúp người dân nắm rõ, không bị sa vào thủ đoạn lừa đảo của số đối tượng trên.
Đến lừa mua hàng, chuyển tiền trước
Một hình thức lừa đảo khác khá phổ biến, đó là các đối tượng lừa đảo tạo tài khoản trên mạng xã hội giả mạo là giáo viên, cán bộ công chức, công an, đoàn viên để bán hàng online với các loại hàng tốt nhưng giá rẻ hơn so với thị trường. Sau khi người mua chốt đơn, chúng yêu cầu người mua chuyển tiền trước thì chúng mới gửi hàng. Do được giá hời và sự thiếu cảnh giác, người mua liền chuyển tiền cho chúng. Sau đó, chúng không gửi hàng, hẹn ngày này qua ngày khác. Cuối cùng, chúng chặn người mua hoặc khoá tài khoản mạng xã hội và tiếp tục tạo một tài khoản mạng xã hội khác để lừa đảo.
Anh H, một người chơi hoa cảnh, thường xuyên mua cây giống trên mạng cho biết: “Thật sự mình cũng cảnh giác, nhưng thấy món hàng có giá rẻ, lại chỉ chuyển khoản dằn chân vài trăm ngàn, nên nghĩ là họ không lừa. Tuy nhiên, khi các đối tượng có ý định lừa đảo thì 50 ngàn, 100 ngàn họ cũng lừa. Khi họ lừa nhiều người, thì số tiền đó không còn là nhỏ nữa”.
Và hiểm hoạ từ “chat sex”
Một trong những phương thức phổ biến mà các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng sử dụng là hình thức “chat sex”. Đối tượng lừa đảo sử dụng tài khoản mạng xã hội như Facebook, Zalo, Telegram, Viber... với những hình ảnh đại diện là phụ nữ trẻ, đẹp và ăn mặc gợi cảm chủ động kết bạn, nhắn tin cho bị hại để “tâm sự” và thường xuyên gửi những hình ảnh, video gợi cảm, khoả thân, khiêu dâm, thủ dâm... để rủ rê tham gia “chat sex”.
Khi tạo được sự tin tưởng, đối tượng tiếp tục dẫn dụ, thuyết phục nạn nhân đồng ý và thực hiện cuộc gọi video để “chat sex” trên ứng dụng mạng xã hội. Sau khi kết thúc cuộc gọi video, đối tượng gửi cho bị hại đường link yêu cầu bị hại tải ứng dụng để lần tới gọi video qua ứng dụng này. Trong lúc thực hiện hành động “chat sex”, đối tượng bí mật quay lại các hình ảnh nhạy cảm, sau đó sử dụng công nghệ cắt ghép hình ảnh “nhạy cảm” đó để uy hiếp, phát tán lên mạng xã hội hoặc gửi cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp của nạn nhân, từ đó yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào số tài khoản ngân hàng đối tượng chỉ định, với số tiền ngày càng tăng dần cho đến khi không còn khả năng tài chính.
Nguy cơ tiềm ẩn trên không gian mạng
Trước thực trạng trên, về phía các cơ quan chức năng đã tiến hành các hoạt động tăng cường quản lý nhà nước như: yêu cầu nhà mạng và ngân hàng cung cấp thông tin đối với các số điện thoại, tài khoản đối tượng sử dụng; trực tiếp xác minh thông tin về chủ tài khoản hoặc uỷ thác điều tra và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ khác… Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp quản lý nhà nước sau khi phát sinh vụ việc.
Để phòng tránh việc bị lừa đảo trên không gian mạng, các cơ quan chức năng khuyến nghị:
Mỗi người dân nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại. Nếu gặp trường hợp đối tượng lạ yêu cầu chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân, có thể trực tiếp liên hệ, trình báo ngay cho cơ quan Công an để xử lý, hoặc thông báo đến số điện thoại trực ban hình sự 0692.348.560 của Cục Cảnh sát hình sự để được hướng dẫn kịp thời.
Khi nhận được cuộc gọi hoặc tin nhắn hoặc hoạt động tương tác trên mạng xã hội có dấu hiệu lừa đảo, mọi người nên bình tĩnh lưu lại số điện thoại, hình ảnh để làm chứng cứ và thông báo kịp thời đến Sở Thông tin và Truyền thông qua điện thoại để được hướng dẫn, hỗ trợ xử lý: Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông 0276.3631.168, Phòng Công nghệ thông tin - Bưu chính viễn thông thuộc Sở Thông tin và Truyền thông 0276.3813.111.
Mỗi cán bộ, đảng viên, công dân chấp hành, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng và các quy định, pháp luật của Nhà nước khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng như: Quy định số 85-QĐ/TW, ngày 7.10.2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về việc cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên internet, mạng xã hội; Luật An ninh mạng năm 2018, Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, Nghị định số 72-NĐ/CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng… nhằm phòng tránh những nguy cơ tiềm ẩn trên không gian mạng.
Đăng Anh